Bài 3: Xã hội cổ đại – các quốc gia cổ đại phương đông

Chương II: XÃ HỘI CỔ ĐẠI

Bài 3: CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI PHƯƠNG ĐÔNG

  Trên lưu vực các dòng sông lớn ở Châu Á và Châu Phi từ thiên niên kỷ IV (TCN) cư dân phương Đông đã biết tới nghề luyện kim, làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Họ đã xây dựng các quốc gia đầu tiên của mình, đó là xã hội có giai cấp đầu tiên mà trong đó thiểu số quý tộc thống trị đa số nông dân công xã và nô lệ. Quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước ở các quốc gia cổ đại phương Đông không giống nhau, nhưng thể chế chung là chế độ quân chủ chuyên chế, mà trong đó vua là người nắm mọi quyền hành và được cha truyền, con nối.

  Qua bài học này chúng ta còn biết được Phương Đông là cái nôi của văn minh nhân loại, nơi mà lần đầu tiên con người đã biết sáng tạo ra chữ viết, văn học, nghệ thuật và nhiều tri thức khoa học khác.

I. Điều kiện tự nhiên và sự phát triển của các ngành kinh tế.

1. Điều kiện tự nhiên

– Thuận lợi: đất đai phù sa màu mỡ, gần nguồn nước tưới, thuận lợi cho sản xuất và sinh sống.

– Khó khăn: dễ bị lũ lụt, gây mất mùa, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

– Do thuỷ lợi, … người ta đã sống quần tụ thành những trung tâm quần cư lớn và gắn bó với nhau trong tổ chức công xã. Nhờ đó Nhà nước sớm hình thành nhu cầu sản xuất và trị thuỷ, làm thuỷ lợi.

2. Sự phát triển của các ngành kinh tế

– Nghề nông nghiệp tưới nước là gốc, ngoài ra còn chăn nuôi và làm thủ công nghiệp.

II.  Sự hình thành các quốc gia cổ đại.

– Cơ sở hình thành: Sự phát triển của sản xuất dẫn tới sự phân hoá giai cấp, từ đó Nhà nước ra đời.

– Các quốc gia cổ đại đầu tiên xuất hiện ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc vào khoảng thiên niên kỷ thứ IV – III TCN.

III. Xã hội có giai cấp đầu tiên.

1. Nông dân công xã:

Chiếm số đông trong xã hội, ở họ vừa tồn tại “cái cũ”, vừa là thành viên của xã hội có giai cấp. Họ tự nuôi sống bản thân và gia đình, nộp thuế cho Nhà nước và làm các nghĩa vụ khác.

Do nhu cầu trị thuỷ và xây dựng các công trình thuỷ lợi khiến nông dân vùng này gắn bó trong khuôn khổ của công xã nông thôn. Ở họ tồn tại cả “cái cũ” (những tàn dư của xã hội nguyên thuỷ: cùng làm ruộng chung của công xã và cùng trị thuỷ), vừa tồn tại “cái mới” (đã là thành viên của xã hội có giai cấp: sống theo gia đình phụ hệ, có tài sản tư hữu,…) họ được gọi là nông dân công xã. Với nghề nông là chính nên nông dân công xã. Với nghề nông là chính nên nông dân công xã là lực lượng đông đảo nhất, có vai trò to lớn trong sản xuất, họ tự nuôi sống bản thân cùng gia đình và nộp thuế cho quý tộc, ngoài ra họ còn phải làm một số nghĩa vụ khác như đi lính, xây dựng các công trình.

2. Quý tộc:

Gồm các quan lại ở địa phương, các thủ lĩnh quân sự và những người phụ trách lễ nghi tôn giáo. Họ sống sung sướng dựa vào sự bóc lột nông dân.

Vốn xuất thân từ các bô lão đứng đầu các thị tộc, họ gồm các quan lại từ Trung Ương xuống địa phương. Tầng lớp này sống sung sướng (ở nhà rộng và xây lăng mộ lớn) dựa trên sự bóc lột nông dân: họ thu thuế của nông dân dưới quyền trực tiếp hoặc nhận bổng lộc của Nhà nước cũng do thu thuế của nông dân.

3. Nô lệ:

Chủ yếu là tù bình và thành viên công xã bị mắc nợ hoặc bị phạm tội. Họ phải làm các việc nặng nhọc và hầu hạ quý tộc. Cùng với nông dân công xã họ là tầng lớp bị bóc lột trong xã hội.

IV. Chế độ chuyên chế cổ đại.

– Quá trình hình thành Nhà nước là từ các liên minh bộ lạc, do nhu cầu trị thuỷ và xây dựng các công trình thuỷ lợi, các liên minh bộ lạc liên kết với nhau ® Nhà nước ra đời đề điều hành, quản lý xã hội. Quyền hành tập trung vào tay nhà vua tạo nên chế độ chuyên chế cổ đại.

– Chế độ Nhà nước do vua đứng đầu, có quyền lực tối cao (tự coi mình là thần thánh dưới trần gian, người chủ tối cao ủa đất nước, tự quyết định mọi chính sách và công việc) và giúp việc cho vua là một bộ máy quan liêu thì được gọi là chế độ chuyên chế cổ đại.

V. Văn hoá cổ đại phương Đông.

1. Sự ra đời của lịch và thiên văn học

– Thiên văn học và lịch là 2 ngành khoa học ra đời sớm nhất, gắn liền với nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Thiên văn học và lịch là 2 ngành khoa học ra đời sớm nhất, gắn liền với nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Để cày cấy đúng thời vụ, người nông dân đều phải “trông Trời, trông Đất”. Họ quan sát sự chuyển động của mặt Trăng, mặt Trời và từ đó sáng tạo ra lịch – nông lịch (lịch nông nghiệp), lấy 365 ngày là một năm và chia làm 12 tháng (cư dân sông Nin còn dựa vào mực nước sông lên xuống mà chia làm 2 mùa: mùa mưa là mùa nước sông Nin lên; mùa khô là mùa nước sông Nin xuống, từ đó có kế hoạch gieo trồng và thu hoạch cho phù hợp).

– Việc tính lịch chỉ đúng tương đối, nhưng nông lịch thì có ngay tác dụng đối với việc gieo trồng.

– Mở rộng hiểu biết: Con người đã vươn tầm mắt tới trời, đất, trăng, sao vì mục đích làm ruộng của mình và nhờ đó đã sáng tạo ra hai ngành thiên văn học và phép tính lịch (trong tay chưa có nổi công cụ bằng sắt nhưng đã tìm hiểu vũ trụ…).

2. Chữ viết

– Nguyên nhân ra đời của chữ viết: do nhu cầu trao đổi, lưu giữ kinh nghiệm m.à chữ viết sớm hình thành từ thiên niên kỷ IV TCN.1`

– Ban đầu là chữ tượng hình, sau đó là tượng ý, tượng thanh.

– Tác dụng của chữ viết: đây là phát minh quan trọng nhất, nhờ nó mà chúng ta hiểu được phần nào lịch sử thế giới cổ đại.

3. Toán học

– Nguyên nhân ra đời: Do nhu cầu tính lại ruộng đất, nhu cầu xây dựng, tính toán … mà toán học ra đời.

– Thành tựu: Các công thức sơ đẳng về hình học, các bài toán đơn giản về số học … phát minh ra số 0 của cư dân Ấn Độ.

– Tác dụng: Phục vụ cuộc sống lúc bấy giờ và đề lại kinh nghiệm quý cho giai đoạn sau.

4. Kiến trúc

– Do uy quyền của các nhà vua mà hàng loạt các công trình kiến trúc đã ra đời: Kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Babilon, Vạn Lý trường thành…

– Các công trình này thường đồ sộ thể hiện cho uy quyền của vua chuyên chế.

– Ngày nay còn tồn tại một số công trình như Kim tự tháp Ai Cập, Vạn lý trường thành, cổng Isơta thành babilon… Những công trình này là những kì tích về sức lao động và tài năng sáng tạo của con người.