Liên Xô và các nước Đông Âu sau CTTG II

8. Các nước chủ yếu sau CTTG II

8.1. Liên Xô và các nước Đông Âu sau CTTG II

8.1.1. Liên Xô

a. Công cuộc khôi phục kinh tế

  • Bối cảnh lịch sử:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tuy là nước thắng trận, nhưng Liên Xô bị chiến tranh tàn phá nặng nề về người và của (27 triệu người chết, 1710 thành phố, hơn 70.000 làng mạc, gần 32.000 xí nghiệp bị tàn phá nặng nề). Bên cạch đó còn phải làm nhiệm vụ giúp đỡ các nước XHCN anh em và phong trào cách mạng thế giới. Bên ngoài, các nước đế quốc – đứng đầu là Mỹ tiến hành bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, phát động “chiến tranh lạnh”, chạy đua vũ trang, chuẩn bị một cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt liên Xô và các nước XHCN.

Tuy vậy, Liên Xô có thuận lợi: có được sự lãnh đạo của ĐCS và Nhà nước Liên Xô, nhân dân Liên Xô đã lao động quên mình để xây dựng lại đất nước.

  • Thành tựu:

– Với tinh thần tự lực tự cường, nhân dân Liên Xô quyết tâm khôi phục kinh tế trong thời gian nhanh nhất. Kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 -1950) hoàn thành trong 4 năm 3 tháng

  • Công Nghiệp được phục hồi vào 1947. Năm 1950 tổng sản lượng công nghiệp phát triển 73% so với mức trước chiến tranh hơn 6.200 xí nghiệp được phục hồi hoặc xây dựng mới đi vào hoạt động

-Sản xuất nông nghiệp 1950 đạt mức trước chiến tranh.

– KHKT phát triển hanh chóng. Năm 1949 Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mĩ.

b. Liên Xô tiếp tục xây dựng XHCN (1950 giữa những năm 70)

– Từ 1950 đến giữa những năm 70 Liên Xô thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỷ thuật của CNXH, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

– Về công nghiệp: Bình quân công nghiệp tăng hàng năm là 9,6%. Tới những năm 50, 60 của TK XX, Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, chiếm khoảng 20 % sản lượng công nghiệp thế giới. Một số ngành công nghiệp đứng đầu thế giới: Vũ trụ, điện, nguyên tử…

– Nông nghiệp: Sản lượng trong những năm 60 tăng trung bình hằng năm là 16%.

– Về khoa học – kĩ thuật: phát triển mạnh, đạt nhiều thành công vang dội: Năm 1957 Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo trái đất, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Năm 1961 Liên Xô lại là nước đầu tiên phóng thành công con tàu vũ trụ đưa nhà du hành Ga-ga-rin bay vòng quanh trái đất.

– Về Đối ngoại: Thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng thế giới và các nước xã hội chủ nghĩa.

– Sau khoảng 30 năm tiến hành khôi phục kinh tế, Đất nước Liên Xô có nhiều biến đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, xã hội ổn định, trình độ học vấn của người dân không ngừng được nâng cao.

c. Ý nghĩa:

– Uy tín và địa vị quốc tế của Liên Xô được đề cao, Liên Xô trở thành trụ cột của các nước XHCN, là thành trì của hòa bình, là chỗ dụa cho phong trào CM thế giới

– Liên Xô đã đạt được thế cân bằng chiến lược về sức mạnh quân sự nói chung và sức mạnh lực lượng hạt nhân nói riêng với các nước đế quốc, làm đảo lộn chiến lược của Mĩ và đồng minh của Mĩ.

8.1.2. Các nước Đông Âu

a. Sự ra đời các nước Dân chủ nhân dân Đông Âu:

– Khi Hồng Quân Liên Xô tiến vào Đông Âu truy kích quân đội phát xít Đức, nhân cơ hội đó các lực lượng cách mạng của các nước Đông Âu đã nổi dậy kết hợp với quân đội Liên Xô để giành chính quyền và thành lập hàng loạt nhà nước DCND từ cuối năm 1944 đến năm 1946

– Đó là: BaLan (7/1944); Ru-ma-ni (8/1944); Hng-ga-ri (4/1945); Tiệp Khắc (5/1945); NamTư (11/1945); An-ba-ni (12/1945); Bun-ga-ri (9/1946)

– Riêng nước Đức, do sự phân chia khu vực chiếm đóng giữa Liên Xô và các nước đế quốc nên đã dẫn đến hình thành 2 nhà nước với hai chiế độ chính trị khác nhau đó là CHLB Đức (9/1949) và nước CHDC Đức (10/1949)

– Từ năm 1945 đến 1949, các nước Đông Âu đã hoàn thành nhiệm vụ của cuộc CMDC nhân dân: Cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa xí nghiệp lớn của TB, ba hành quyền TD, DC, nâng cao đời sống nhân dân.

– Các thế lực phản động trong và ngoài nước tìm mọi cách chống phá sự nghiệp CM của nhân dân các nước Đông Âu nhưng sự nghiệp CM ở các nước này vẫn không ngừng phát triển.

b. Công cuộc xây dựng CNXH ở các nước Đông Âu

– Hoàn cảnh:

  • Xuất phát từ trình độ phát triển thấp.
  • Các nước ĐQ bao vây kinh tế, các thế lực trong và ngoài nước chống phá.
  • Sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô, sự nổ lực vươn lên của nhân dân.

– Thành tựu:

  • Xây dựng nền CN, điện khí hóa toàn quốc nâng sản lượng CN lên gấp hàng chục lần.
  • Nông nghiệp phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu lương thực và thực phẩm của nhân dân
  • Trình độ KH-KT được nâng lên rõ rệt.
  • Đến giữa những năm 70 từ những nước nghèo, các nước XHCN Đông Âu trở thành các quốc gia công- nông nghiệp.

8.1.3. Sự hình thành hệ thống XHCN trên thế giới

– Những cơ sở để hình thành sự hợp tác về chính trị và kinh tế giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

– Đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng.

– Đều có mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

– Ngày 8/1/1949, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) được thành lập với sự tham gia của Liên Xô cùng các nước Đông Âu. Sau này có thêm Cộng hòa dân chủ Đức (1950), Mông Cổ (1962), Cu Ba (1972), Việt Nam (1978).

– Tháng 5/1955, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu thành lập tổ chức hiệp ước Vác-sa-va. Đây là một tổ chức liên minh mang tính chất phòng thủ về quân sự và chính trị của các nước XHCN.

– Cùng với sự ra đời hàng loạt các nước XHCN sau chiến trnh thế giới thứ hai thì sự ra đời của các tổ chức nói trên đã làm cho XHCN trở thành hệ thống thế giới.

8.1.4. Liên Xô và các nước Đông Âu từ 1970-1990

a. Sự khủng hoảng của chế độ XHCN ở Liên Xô

– Bối cảnh lịch sử:

+ Năm 1973, thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, các nước tư bản đã tìm cách cải cách về kinh tế, thích nghi về chính trị, nhờ đó thoát ra khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã chậm trễ trong việc đề ra cải cách cần thiết nên bước sang những năm 80 của thế kỉ XX, nền kinh tế Liên Xô ngày càng lún sâu vào tình trạng khó khăn, trì trệ, khủng hoảng.

+ Năm 1985, Goóc-ba-chốp lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô Viết và tiến hành cải tổ. Cuộc cải tổ được tuyên bố như một cuộc cách mạng nhằm sửa chữa những sai lầm trước kia, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và xây dựng một CNXH theo đúng bản chất và ý nghĩa nhân văn đích thực của nó.

– Nội dung công cuộc cải tổ:

+ Về chính trị – xã hội: thực hiện chế độ Tổng thống nắm mọi quyền lực, thực hiện đa nguyên về chính trị, xoá bỏ chế độ một đảng, tuyên bố dân chủ và công khai mọi mặt.

+ Về kinh tế: đưa ra nhiều phương án nhưng chưa thực hiện được gì. Kinh tế đất nước vẫn trượt dài trong khủng hoảng.

– Kết quả:

+ Công cuộc cải tổ gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Suy sụp kinh tế kéo theo suy sụp về chính trị. Chính quyền bất lực, tình hình chính trị bất ổn, tệ nạn xã hội tăng, xung đột sắc tộc luôn sảy ra, nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô chia rẽ…

+ Ngày 19/8/1991, một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Goóc-ba-chốp nổ ra nhưng thất bại, hệ quả là Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động, Chính phủ Xô Viết bị giải tán, 11 nước Cộng hoà tách khỏi Liên bang Xô Viết, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Tổng thống Goóc-ba-chốp từ chức, lá cờ búa liềm trên nóc điện Kremli bị hạ xuống, đánh dấu sự chấm dứt chế độ XHCN ở Liên Xô sau 74 năm tồn tại.

b. Sự khủng hoảng của chế độ XHCN ở các nước Đông Âu.

– Giống như tình hình ở Liên Xô từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị ngày càng sâu sắc, lòng tin của nhân dân vào Đảng CS và nhà nước ngày càng giảm sút. Các thế lực phản động trong và ngoài nước ráo riết hoạt động chống phá Đảng và nhà nước. Tình hình chính trị lâm vào tình trạng mất ổn định nghiêm trọng.

– Các nước Đông Âu lần lượt từ bỏ CNXH, tuyên bố là nước cộng hòa.

– 3/10/1990 Nước Đức đã thống nhất với tên gọi chung CHLB Đức