Kỹ năng Phân tích Thơ – Chương 4 – Bài 1

Soạn bài online – Ôn tập Môn Văn
Chương IV : PHÂN TÍCH NGÔN NGỮ THƠ VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
Bài 1
I. Dẫn nhập:
Mục đích của việc phân tích thơ là phải nắm nội dung biểu đạt của ngôn ngữ thơ. Nội dung ấy không đơn giản là phép cộng nghĩa các từ ngữ mà còn là do mối quan hệ chặt chẽ giữa các tín hiệu ngôn ngữ trong thi phẩm tạo nên. Bình diện ngữ nghĩa thứ hai trong thơ là rất quan trọng, đóng vai trò chính và quyết định sự thành bại của thi phẩm.

Thực tế cho thấy, nghĩa tình huống (lâm thời, nghĩa thứ hai) của ngôn ngữ thơ rất đa dạng, sinh động và tinh tế, khiến đôi lúc độc giả chúng ta lúng túng. Ta thử xem xét các trường hợp dẫn dụ sau đây:
Trường hợp 1: Ca dao viết:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”           ( 1 )
và                   
“Thân em như tấm lụa đào
Không dưng xé lẻ vuông vào cho ai”        ( 2 )
Hình ảnh “tấm lụa đào” trong hai câu ca dao trên có nghĩa biểu hiện khác nhau. Ở câu 1, hình ảnh “tấm lụa đào” có quan hệ với hình ảnh “chợ” và do đó “tấm lụa đào” được biểu hiện là một món hàng. Còn ở câu 2 “tấm lụa đào” có quan hệ với từ “xé lẻ” nên “tấm lụa đào” được hiểu là một cái gì nguyên vẹn không thể phân chia. Và rõ
ràng từ “thân em” câu ( 2 ) được hiểu là “tình em”. 
 
Trường hợp 2: Bà Huyện Thanh Quan viết:
“Một mảnh tình riêng ta với ta”                 (1)
(Quađèo ngang)
Nguyễn Khuyếnviết:
“Bác đến chơi đây ta với ta”                      (2)
(Bạn đến chơi nhà)
Hai câu thơ trên đều dùng cụm từ “ta với ta”. Nhưng nghĩa biểu đạt của cụm từ ấy trong hai câu lại hoàn toàn khác nhau. Ơ câu 1, “ta với ta” biểu hiện sự cô đơn của tác giả, nhưng ở câu 2, nó lại thể hiện tình bạn chân thành sâu sắc của Nguyễn Khuyến với bạn của mình.
Hai ví dụ trên cho thấy, nội dung biểu hiện trong ngôn ngữ thơ phần lớn xuất phát từ mối quan hệ chằng chịt giữa các tín hiệu ngôn ngữ thơ.
Có được những mối quan hệ ấy là do người nghệ sĩ biết cách vận dụng những thủ pháp nghệ thuật tổ chức, sắp xếp các tín hiệu ngôn ngữ thơ thành một hệ thống chặt chẽ. Phát hiện được những mối quan hệ ấy, nghĩa là ta đã tìm được chiếc chìa khoá vàng để bước vào thế giới lung linh huyền ảo của tác phẩm thơ. Ơ chương này, chúng tôi tập trung vào cách khai thác tổ chức quan hệ ngữ nghĩa trong thơ.
 
II. Chủ đề của tác phẩm thơ:
Trước khi phân tích văn học nói chung, thơ nói riêng ta cần phải nắm chủ đề của tác phẩm. Xác định được chủ đề của thi phẩm sẽ góp phần định hướng, chi phối mọi thao tác phân tích của chúng ta.
Thơ ca thuộc loại tác phẩm trữ tình, do vậy chủ đề của bài thơ luôn là cảm xúc, tâm trạng, thái độ,… của nhân vật trữ tình đối với một sự vật, sự việc, con người nào đó. Nói cách khác, thơ là sản phẩm của trái tim, tâm hồn người nghệ sĩ, nên dù muốn hay không nó phải mang hơi ấm tâm hồn, nhịp đập trái tim người nghệ sĩ.
Tóm lại, chủ đề tác phẩm thơ là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước một vấn đề nào đó trong hiện thực đời sống. 

Muốn tìm hiểu chủ đề của một thi phẩm, ta cần làm các bước sau:

1- Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ:
Như đã trình bày, nhân vật trữ tình là con người đang cảm xúc, rung động trong thơ. Nội dung trữ tình trong thơ luôn được thể hiện thông qua nhân vật trữ tình. Sâu xa hơn, tác giả cũng chỉ có thể thể hiện xúc cảm của mình thông qua nhân vật trữ tình. Đọc giả cần phân biệt nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự. Sự phân biết ấy dựa vào việc đối lập những nét đặc trưng của loại tác phẩm trữ tình và tự sự. Sự phân biệt này giúp ích rất lớn trong quá trình phân tích thơ. 
Nhân vật trữ tình là con người, nhưng đó là con người của tâm trạng, của cảm xúc… chứ không phải con người hành sự, đi đứng, nói năng,… như nhân vật tự sự. Do đó, khi phân tích nhân vật trữ tình ta cần phải tập trung khai thác thế giới tâm trạng của nhân vật. Phân tích thơ mà không nói được tâm trạng của nhân vật trữ tình thì coi như không phân tích được gì cả! 
Trước khi phân tích thơ, ta phải xác định cho được nhân vật trữ tình. Công việc này có khi đơn giản nhưng nhiều lúc phức tạp.
Ví dụ 1: Nhân vật trữ tình trong bài “Mời trầu” (Hồ Xuân Hương) rất dễ xác định. Đó chính là tác giả.
Ví dụ 2: Nhân vật trữ tình của câu ca dao:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”
Có thể là một cô gái hay một chàng trai. Nói chung là một người đang yêu, đang tương tư. Nhân vật trữ tình trong câu ca dao này không là ai cụ thể, và cũng nhờ vậy mà nhiều người tìm thấy mình, đúng hơn là tâm trạng của mình trong câu ca dao đó.
Ví dụ 3: Nhân vật trữ tình trong bài “Tiếng hát con tàu” (Chế Lan Viên) vừa là tác giả vừa là thế hệ trẻ Việt Nam
trong thời điểm kiến thiết đất nước sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Ví dụ 4: Bài thơ “Bóng cây khơ nia” (Anh Ngọc) thì nhân vật trữ tình là một cô gái miền sơn cước chứ không phải tác giả.
Ví dụ 5: Bài thơ “Tống biệt hành” (Thâm Tâm) có nhiều nhân vật trữ tình (người đi, kẻ ở). Bài “Việt Bắc” (Tố Hữu) cũng vậy…
Nhân vật trữ tình suy cho cùng là một sản phẩm của thời đại, hoan cảnh lịch sử. Do vậy, việc phân tích, đi tìm tâm trạng nhân vật trữ tình đôi lúc cần thiết gắn với tâm lý thời đại, hoàn cảnh ra đời của bài thơ.