Kỹ năng Phân tích Thơ – Chương 3 ( Bài 1)

Soạn bài online – Ôn tập Môn Văn                                          
 Chương III: NHẠC THƠ
“ Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa ”
( Valéry)
I. Dẫn nhập vềnhạc thơ
1. Bản chất vàkhái niệm nhạc thơ

Trong quá trình sáng tác của người nghệ sĩ, hay cảm thụ của độc giả, vấn đề nhạc thơ luôn được xem xét và đầu tư đáng kể. Tác phẩm thơ hay, thường có nhạc điệu mới lạ, phong phú. Độc giả có đủ bản lĩnh phân tích nhạc thơ thì mới thực sự có khả năng tiếp nhận thơ ca. Phân tích nhạc thơ được xem là thước đo khả năng cảm thụ, phân tích thơ của độc giả
Nhạc thơ là gì? Ngôn ngữ thơ ca luôn được độc giả tiếp nhận ở ba mặt (âm thanh, ý nghĩa, hình thức trình bày). Nhạc thơ là do âm thanh của ngôn ngữ tạo ra, khi chúng được nhà nghệ sĩ sắp xếp, tổ chức theo những nguyên tắc, trật tự nhất định. Vậy bàn đến nhạc thơ là bàn đến việc tổ chức ngữ âm trong thơ.
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đơn vị cơ bản của tiếng Việt là “tiếng ”(âm tiết). Xét nhạc thơ
tiếng Việt phải căn cứ vào “tiếng ”. Mỗi “tiếng” có đầy đủ ba thuộc tính âm thanh (cao độ, trường độ, cường độ) và được cấu thành từ hai đơn vị âm thanh của ngôn ngữ (nguyên âm và phụ âm ). Vậy, tổ chức ngữ âm trong thơ cơ bản là việc sắp xếp tổ chức các “ tiếng ” trong thơ. Để có nhạc trong thơ thì việc tổ chức sắp xếp các thuộc tính âm thanh và đơn vị âm thanh của “ tiếng “ phải luân phiên nhau.
Vậy nhạc thơ là sự luân phiên các thuộc tính và đơn vị âm thanh của ngôn ngữ trong khoảng thời gian nào đấy. Quá trình luân phiên ấy được chia làm hai loại: tiết tấu và vần. ( Sẽ nói kỹ ở phần sau)
 
2. Chức năng của nhạc thơ:
Nhạc thơ có hai chức năng sau:
Thứ nhất, nó góp phần tích cực vào việc lưu giữ và truyền đạt của bài thơ. Tức là nó gây ấn tượng thính giác ở độc giả.
Thứ hai, từ ấn tượng thính giác, nó tác động vào thị hiếu thẩm mỹ và cộng hưởng với ý nghĩa của ngôn ngữ làm bùng nổ giá trị cảm xúc của bài thơ.
II. Kỹ năng phân tích nhạc thơ
1. Phân tích nhạc thơ về mặt tiết tấu:
– Các yếu tố tạo nên tiết tấu thơ:
a. Số “tiếng”trong một dòng thơ:
          Ví dụ:    – Thơ mỗi dòng năm tiếng được gọi là thơ ngũ ngôn, nhịp 2/3 
– Thơ lục bát (dòng sáu tiếng ,dòng tám tiếng), nhịp chẵn 2/2/2 
Nếu xem thơ là một chỉnh thể nghệ thuật có mối quan hệ khăng khít giữa hình thức và nội dung thì rõ ràng mỗi thể thơ sẽ phù hợp cho việc diễn tả, thể hiện một nội dung, cảm xúc nào đấy.
Ví dụ:
– Thơ song thất lục bát phù hợp cho việc diễn tả nỗi buồn (Cung oán ngâm khúc -Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm, Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến…)
– Thơ năm chữ phù hợp cho sự hoài niệm (Ông đồ – Vũ Đình Liên, Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp…) 
Thường những bài thơ làm một thể thì nhạc điệu của thể loại không có gì rắc rối. Đáng chú ý là những bài thơ có sự thay đổi số tiếng trên nhiều dòng. Điều này làm cho nhạc thơ thêm phong phú và dĩ nhiên nó giúp bộc lộ nhiều sắc thái cảm xúc của nhà thơ.
 
b. Phép điệp: Là hiện tượng lặp lại một hay nhiều đơn vị  âm thanh của  ngôn ngữ. Có hai trường hợp lặp lại một cách đặc biệt là  từ láy và hiện tượng gieo vần, ta sẽ xét ở phần sau.
Nhờ phép điệp mà thơ tạo nên những ấn tượng thính giác. Những đơn vị ngữ âm được lặp lại tạo nên những biểu tượng ngữ âm. Biểu tượng ấy có khả năng gợi lên hay nhấn mạnh một nội dung cảm xúc nào đó trong thơ. Đối với ngôn ngữ thơ tiếng Việt, có các cấp độ điệp sau đây:
* Điệp phụ âm đầu: Là hiện tượng lặp lại phụ âm đầu.
Ví dụ:       Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông
(Truyện kiều – Nguyễn Du)
Phụ âm đầu “ l” được lặp lại, biểu hiện sự ẩn hiện, phản chiếu giữa ánh sáng và màu đỏ của hoa lựu. Không tả trực tiếp ánh nắng, nhưng câu thơ đã gợi được cái chập chờn rực rỡ của ánh nắng hè.
 
* Điệp từ: Điệp từ là hiện tượng  khá phổ biến trong thơ. Có nhiều bài thơ, câu thơ mà sức sống của nó ở điệp từ.
Ví dụ :   Nguyễn Khuyến viết :
“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”
(Khóc Dương Khuê)
Câu thơ có điệp từ  ”không“ (Lặp lại 5 lần).  Cái “không” bao trùm lên câu thơ bao trùm lên cuộc sống của tác giả. Nếu ai đã đọc qua bài thơ “Khóc Dương Khuê”, có thể quên hết bài thơ thậm chí quên tác giả, nhưng chắc chắn khó quên câu thơ đặc sắc này. Với điệp từ “không”, tác giả như muốn phủ định sạch trơn mọi thú vui của mình khi mất bạn. “ Rượu tiếng rằng hay”,nhưng khi mất bạn thì có ý nghĩa gì. Các tín hiệu ngôn ngữ của câu thơ thiết lập mối quan hệ tình huống giữa hai vấn đề : nguyên nhân – kết quả. Nguyên nhân: “không
có bạn hiền” dẫn đến kết quả : “không mua” (dù rượu ngon và có tiền). Thông qua văn cảnh ấy , điệp từ “không” đã thể hiện nỗi cô đơn bao trùm lên cuộc đời tác giả khi mất bạn. Thế mới thấy tình bạn đẹp đẽ, sâu sắc và chân thành giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê .
 
Tóm lại, điệp từ là một thủ pháp nghệ thuật phổ biến. Câu thơ có điệp từ thường trọng âm rơi vào điệp từ tạo nhịp cho thơ. Do vậy, muốn phân tích điệp từ, trước hết độc giả phải cần có một năng lực thẩm âm tốt, sau đó là năng lực tư duy.
* Điệp ngữ :
Là hiện tượng lặp lại một cụm từ, một tổ hợp từ (ngữ).
Ví dụ 1: Điệp ngữ “Buồn trông” trong đoạn thơ Nguyễn Du tả tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa ,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trong gió cuốn mặt duềnh
Âm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Tám câu thơ có 4 lần điệp ngữ “ Buồn trông” xuất hiện ở câu lục nhằm diễn tả nỗi buồn thấm đẫm trong tâm hồn Kiều, theo cái nhìn phóng chiếu lên cảnh vật. Sự lặp lại này có chức năng gợi lên tính chất triền miên không dứt của nỗi buồn.  Ngữ “ buồn trông” được cấu tạo bởi tính từ “buồn” và động từ “trông”. “Buồn” là cái có sẵn, cái có trước, “trông” là hành động kéo theo, là cái có sau. Đằng sau chữ “trông” là bức tranh cảnh vật, thiên
nhiên. Do vậy, cảnh ở đây là cảnh chứa tâm trạng, cảnh được lọc qua lăng kính tâm trạng “ Buồn” của Kiều.
 
* Điệp dòng :  (thói quen gọi là điệp câu):
* Điệp đoạn (còn gọi là  điệp khúc):
Là hiện tượng lặp lại một đoạn thơ . Đoạn thơ được lặp luôn chứa một nội dung cảm xúc nào đấy. Cho nên, điệp đoạn thường có vai trò nhấn mạnh và thể hiện tính thường trực của cảm xúc.
Ví dụ 1: Bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu có một điệp đoạn 4 dòng thơ:
“Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe  tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu”
Đoạn thơ tập trung thể hiện hoàn cảnh cô đơn và  khao khát hướng ra cuộc sống bên ngoài của tác giả. Biệp pháp điệp đoạn đã thể hiện sâu sắc khát khao thường trực, mãnh  liệt ấy.
Điệp khúc trong thơ là hiện tượng không phổ biến. Bởi hạn chế lớn nhất của thủ pháp này sẽ làm nghèo đi nhạc thơ.
Trong thực tế, xuất hiện nhiều bài thơ có điệp khúc nhưng không phải lặp lại nguyên xi mà nhà thơ có biến cải theo mạch cảm xúc.

 

* Điệp – Đảo:
Trong thực tế, phép điệp được các nhà thơ sử dụng linh hoạt, kế hợp với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác, phổ biến nhất là kết hợp phép điệp từ, điệp ngữ, điệp dòng với phép đảo vị trí của các hình vị, các từ, các ngữ. Việc kết hợp 2 hay
nhiều thủ pháp cùng một lúc sẽ tăng thêm nhiều giá trị thẩm mỹ cho thơ. Chúng
ta cùng thưởng thức cái hay của các câu thơ sau:
– “Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
 
– “Con kiến mà leo cành đa
            Leo phải cành cụt, leo ra leo vào
               Con kiến mà leo cành đào
            Leo phải cành cụt, leo vào leo ra
(Ca dao)
 
c. Phép đối:
* Khái niệm: Là hiện tượng bố trí song hành về mặt âm thanh và ý nghĩa ở 2 vế của một dòng thơ hay hai dòng thơ trong một bài thơ. Tần số xuất hiện nhiều hay ít, cố định hay không cố định của phép đối tuỳ thuộc vào đặc trưng của từng thể thơ. Ở thể thất ngôn bát cú thì luôn có hai cặp câu đối với nhau: Cặp câu thực và cặp câu luận. Ở thể song thất lục bát thường xuất hiện cặp câu đối ở cặp câu thất. Ở thể lục
bát thỉnh thoảng có phép đối trên một dòng.
* Phân loại phép đối về mặt hình thức: Có 02 loại.
– Tiểu đối: là phép đối xảy ra trong nội bộ một dòng thơ.
– Bình đối: là phép đối xảy ra giữa hai dòng thơ với nhau.
Ví dụ: “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng”
(Giễu người thi đỗ – Trần Tế Xương)
 
 
d. Ngắt nhịp: Nhịp là hiện tượng được tạo nên do những “dấu lặng” trên chuỗi âm thanh của dòng thơ.
Thường nhịp thơ là do thể thơ quy định. Người ta căn cứ vào số âm tiết trong nhịp thứ nhất mà
đặt tên nhịp thơ.
– Thơ lục bát: Nhịp 2 / 2 / 2 và được gọi là nhịp chẵn.
– Thơ song thất lục bát:
* Hai câu thất nhịp: 3 / 2 / 2 / 2 và được gọi là nhịp lẻ.
* Hai câu lục bát (tương tự thơ lục bát).
– Thơ thất ngôn bát cú: nhịp 2 / 2 /3 và được gọi là nhịp chẵn.
Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển của thể loại, nhịp thơ có nhiều biến đổi linh hoạt nhằm tạo nên sự phong phú về nhạc điệp và tăng hiệu quả biểu đạt cho thơ. Thơ tự do có cách ngắt nhịp tự do hơn cả, ngắt nhịp theo mạch cảm xúc.
Xác định đúng nhịp thơ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phân tích thơ. Ngắt nhịp sai thì cảm, hiểu sai.
Ví dụ: “ Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Nếu ngắt nhịp “Sau lưng / thềm nắng lá rơi đầy” thì sẽ hiểu sai ý đồ của tác giả. Phải ngắt nhịp: “Sau lưng thềm / nắng lá rơi đầy” thì mới hiểu đúng tinh thần câu thơ.
 
e. Phối thanh: Là hiện tượng luân phiên các thanh bằng – trắc trong một hay nhiều dòng thơ, tạo nên tính du dương trầm bổng, đồng thời góp phần tạo nên nội dung cảm xúc cho thơ.
Tiếng Việt có 6 thanh, được chia ra bằng – trắc như sau: Thanh bằng (huyền, ngang), thanh trắc
(sắc, nặng, hỏi, ngã).
 Theo mô hình thanh điệu chuẩn trong thơ tiếng Việt:, cứ hai thanh bằng đi liền với hai thanh trắc … Song, nếu máy móc tuân theo mô hình này nhạc tính (tính du dương, trầm bổng của thơ) sẽ đơn điệu. Thực tế, trong quá trình sáng tác, nhà nghệ sĩ luôn sáng tạo, phá vỡ mô hình thanh điệu chuẩn, làm cho nhạc thơ phong phú đa dạng hơn. Từ đó, có những kiểu câu thơ đặc biệt về phối thanh như sau:
* Câu thơ toàn thanh trắc, chủ yếu thanh trắc: Âm điệu của câu thơ kiểu này cao, vút, sắc lạnh. Kiểu câu thơ này ít thấy. Xưa, Lý Bạch có viết câu: “Hữu khách hữu khách tự mỹ tửu” (7 tiếng trắc). 
* Câu thơ toàn bằng, chủ yếu thanh bằng: Âm điệu câu thơ kiểu này nhẹ nhàng, êm đềm, trầm lắng, phù hợp diễn tả những cảm xúc mơ hồ, nhẹ nhàng, thú vị, lắng dịu. Câu thơ kiểu này khá phổ biến trong thơ xưa và nay, kiểu câu thơ này được chú ý để khai thác nhạc điệu từ phong trào Thơ Mới.
Xuân Diệu có câu:
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
(Nhị hồ)
Điều đã khiến hai câu thơ trên gây ấn tượng thính giác đối với độc giả chính là nhạc điệu lâng lâng, nhẹ nhàng, tạo cảm giác chơi vơi, ngưng đọng. Yếu tố làm nên nhạc điệu của câu thơ cơ bản là thanh điệu (thanh bằng) và sau đó là vần “ơi” và phụ âm cuối “n”, “ng”. Nhạc điệu ấy góp phần thể hiện tinh tế cảm xúc lâng lâng,
phiêu bồng, tâm trạng mang mang của tác giả.
 
* Câu thơ trúc trắc :
Nguyễn Du viết về chuyến xe đưa Kiều vào kiếp đoạn trường:
“Đoạn trường thay lúc phân kỳ
Vó câu khấp khểnh , bánh xe gập ghềnh”
Luân phiên âm điệu ở dòng thư hai như sau: T B T T T B T B. Ngữ điệu lên cao và xuống thấp đột ngột có khả năng gợi hình ảnh con đường khúc khuỷu gập ghềnh. Những bước đầu tiên ấy đã dự lượng cuộc đời đầy truân chuyên , lưu lạc của Kiều trong kiếp phong trần .
*Sự phối hợp của các kiểu câu thơ trên : Mỗi kiểu câu thơ trên có một nhạc điệu riêng, sắc thái biểu cảm riêng. Phối hợp chúng lại với nhau sẽ làm cho nhạc điệu phong phú và sắc thái biểu cảm cũng đa dạng. Đây là thực tế thường thấy trong thơ.
Tản Đà viết: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất
                    Giang hồ mê chơi quên quê hương”
(Thăm mả cũ bên đường)
Dòng thứ nhất chủ yếu thanh trắc (5/7 âm tiết), cộng thêm các phụ âm cuối tắt (p, t), nhạc thơ sắc nhưng uất nghẹn, biểu đạt cái bất đắc chí của Tản Đà trong thời cuộc. Ngược lại, dòng thứ hai là toàn bằng, nhạc thơ êm xuôi như buông thõng phù hợp diễn tả cái thú “giang hồ”, “mê chơi” quên đời của tiên sinh nơi hạ giới.
Hay, như Thâm Tâm có viết :
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?”
(Tống biệt hành)
( B B B B B B B
B T T T T B B
T B B T B B T
B B B B B T B)
Câu một và câu bốn toàn bằng(hay chủ yếu thanh bằng), câu ba trúc trắc. Và theo Trần Đình Sử, thanh bằng là nhạc nền của bài thơ, góp phần gieo vào lòng người một ý vị bâng khuâng xốn xang.
Tây Tiến của Quang Dũng là một bài thơ thành công về sự phối hợp giữa câu thơ bình thanh và câu thơ trúc trắc.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên, cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
(T B T T T B T
B T B B T T B
B T B B B T T
B B B B B B B )
Ba câu đầu trúc trắc về mặt thanh điệu,dùng để gợi tả tính chất hiểm trở của vùng thượng nguồn sông Mã và những khó khăn trên bước đường hành quân của binh đoàn. Ngược lại, câu cuối toàn bằng, phù hợp cho việc dùng để tả cảm giác thi vị và những phút giây lãng mạn của người linh trước thiên nhiên rất huyền ảo, nên thơ. Sự phối hợp này có tính đặc trưng trong bài Tây Tiến. Cứ sau một loạt câu thơ trúc trắc về ngữ âm là một câu thơ toàn bằng hay chủ yếu là thanh bằng nhẹ nhàng mượt mà. Từ đó bài thơ thể hiện được hai nét đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc: Hùng vĩ – Thơ mộng, hai nét đặc trưng của lính Tây Tiến: Bi hùng – Lãng mạn.