Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

    Cảnh vật thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các thi sĩ, đặc biệt là thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Tác giả Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, cuối năm 1977 đã sáng tác bài thơ Sang Thu diễn tả cảnh trời lúc giao mùa hạ-thu với ngòi bút miêu tả nhẹ nhàng, thanh thoát Hữu Thỉnh đã để lại trong văn học thơ ca Việt Nam một mùa thu trữ tình, lãng mạn. Bài thơ Sang Thu đã khắc họa  thành công sự chuyển mùa kỳ diệu của đất trời và của lòng người.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

    Không như những nhà thơ khác, nhận ra mùa thu từ tiếng lá vàng rơi xào xạc, mặt hồ nước phẳng lặng,…Hữu Thỉnh tinh tế khéo léo nhận ra mùa thu từ hương ổi chín qua cơn gió se rất nhẹ nhàng, rất tinh tế. Hương ổi đặc trưng của quê hương tác giả, vùng đồng bằng Bắc Bộ, gió se lành lạnh phả nên hương ổi mới thêm nồng nàn đi vào đất trời, đi vào hồn người. Cụm từ “bỗng nhận ra” cho thấy tác giả đang ngạc nhiên, sửng sốt, khi vô tình nhận ra hương ổi, với mùi hương thân quen khiến những người xa quê khó có thể quên được. Động từ “Phả” càng toát lên thần thái của mùa thu, của hương ổi, mùi ổi chín ngọt ngào hòa quyệt vào làn gió se đi vào lòng người cảm giác nồng nàn, đánh thức những cảm xúc trong con người.

    Qua hai câu đầu tác giả giúp ta cảm nhận về sự chuyển mùa tinh tế và những điều bình dị ở xung quanh chúng ta. Bên cạnh hương ổi, tác giả nhận ra mùa thu qua làn sương vẫn đang “chùng chình” trước ngõ. Làn sương được nhân hóa bằng từ láy “chùng chình” gợi cảm giác lưu luyến, ngập ngừng, không vội vã mà là những bước đi chầm chậm của mùa thu đã về gợi cảnh thu sống động trong tĩnh lặng, rất nên thơ, rất trữ tình. Nếu cụm từ “bỗng nhận ra” là sự ngạc nhiên, bỡ ngỡ thì hai chữ “hình như” là sự phỏng đoán một cách mơ hồ, là chưa chắc chắn.

    Sau khi quan sát mùa thu từ những dấu hiệu đơn giản bình dị như hương ổi trong làn gió se, làn sương đầu ngõ tác giả bắt đầu quan sát mùa thu ở một không gian rộng hơn, từ cánh chim, dòng sông, đám mây ở khổ thơ tiếp theo:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội và
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

    Nếu ở khổ thơ đầu chỉ là những đoán định, bỡ ngỡ ngạc nhiên của tác giả thì ở khổ tiếp theo là lời khẳng định mùa thu đã về thật rồi. Mùa thu có ở mọi nơi, nó hiện hữu ở mọi ngõ ngách, từ dòng sông cho đến cánh chim sau đó là những đám mây. Dòng sông không cuồn cuộn dâng trào, không ào ạt chảy xiết như ngày mưa mùa hạ mà chúng rất thanh bình, từ tốn, nhẹ trôi như cố tình chậm lại những chuyển động. Mọi hoạt động đều đang chậm dần chỉ có đàn chim trên bầu trời cao kia là vội vã, chúng vội vã bay đi trong tiết trời thu lạnh để tránh rét khi đông về. Phải thật tinh tế, tỉ mỉ mới có thể nhận ra được những cánh chim vội vã ngay khi chúng chỉ mới chớm nở rất nhẹ nhàng. Lúc này tầm nhìn thu của tác giả lại nâng lên, từ dòng song bây giờ là bầu trời cao rộng lớn.

    Khoảnh khắc giao mùa càng được Hữu Thỉnh miêu tả thú vị hơn với từ “vắt”. Ông dùng từ rất độc đáo rất mới, Hữu Thỉnh không dùng từ bồng bềnh, lơ lửng hay nhẹ trôi để miêu tả mây mà ông dùng từ “vắt”. Mùa thu chỉ vừa mới bắt đầu vì thế đám mây thảnh thơi “vắt nửa mình sang thu”. Đám mây tựa một mảng lụa mềm mại trên trời xanh vẫn còn là mùa hạ, nửa mình đang nghiêng về mùa thu. Bức tranh chuyển mùa qua ngòi bút của Hữu Thỉnh càng trở nên sinh động và giàu sức biểu cảm. Từ những dòng thơ có thể dệt nên một bức tranh phong cảnh đẹp đến đọng lòng người đó là biệt tài của nhà thơ.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

    Mùa thu với ánh nắng chan hòa, thứ nắng dịu nhẹ và tinh khôi, thứ nắng mang theo hơi lạnh của gió đầu mùa. Thiên nhiên khung cảnh mùa thu trở nên an tĩnh và trầm lặng hơn bao giờ hết. Mùa thu đã làm vơi đi những cơn mưa rào ào ạt cùng với sấm chớp của mùa hạ. Tiếng sấm không còn khiến con người giật mình nữa mà nó trở nên lặng lẽ hơn trên hàng cây đứng tuổi.

    Cụm từ “hàng cây đứng tuổi” gợi cho ta nhiều liên tưởng. Đời người cũng như một loài cây, từ một hạt giống được gieo xuống, trải qua mưa gió bão lũ, trải qua mấy mùa thu thì từ hạt giống sẽ trở thành một cây đại thụ vững chắc khi ấy nó sẽ không còn “giật mình” vì tiếng sấm nữa. Cây đại thụ sau bao năm ấy chính là cái tuổi già của đời người. Hình ảnh vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Vẻ cứng rắn, điềm tĩnh của hàng cây trước sấm sét, bão giông vào lúc sang thu cũng chính những kinh nghiệm, sự từng trải của con người khi đến tuổi già. Mùa thu của đời người sẽ khép lại những ngày tháng bồng bột non nớt của tuổi thanh xuân, sau đó mở ra một mùa mới, một không gian mới thăng trầm, gian truân, vững chắc hơn. Ở tuổi “thu”, con người ta đã được tôi luyện bằng những gian khổ, khó khăn do đó không còn bất ngờ trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. Khổ thơ cuối với giọng điệu trầm lắng, tâm tình khiến người đọc nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống này đáng suy ngẫm.

    Hữu Thỉnh  với bài thơ “Sang thu” độc đáo và thú vị, cách cảm nhận tinh tế nhẹ nhàng với những kinh nghiệm đáng suy ngẫm khiến ta có cái nhìn khái quát và mới mẻ hơn về mùa thu. Hữu Thỉnh không sử dụng những lời thơ trang trọng để khắc họa lên mùa thu đầy màu sắc mà ông sử dụng những ngôn ngữ bình dị, mộc mạc nhưng đầy sáng tạo để vẽ ra một mùa thu trong sáng, trầm ấm, đầy dư vị, rất trữ tình. Thay vì tả Hữu Thỉnh đã gợi ra bức tranh “Sang Thu” đẹp tuyệt vời, một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp vào thời điểm giao mùa hạ – thu ở vùng nông thôn Bắc Bộ cùng những hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, cách chọn lọc từ ngữ tinh tế là thành công của tác phẩm “Sang Thu”. Gấp lại mùa thu của Hữu Thỉnh ắt hẳn mùa thu trầm lắng này đã đọng lại trong ta một dấu ấn đẹp, một mùa thu sông nước hữu tình.