Hướng dẫn phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Trong văn học Việt Nam có rất nhiều bài thơ hay, nổi tiếng nói về tình yêu quê hương đất nước. Tiêu biểu là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Ông viết bài thơ để thể hiện tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, những khát vọng được cống hiến cho đất nước. Bài thơ được nhà thơ sáng tác tháng 11 năm 1980, khi ông đang nằm trên giường bệnh không bao lâu thì qua đời.
Bài thơ được tác giả miêu tả theo mạch cảm xúc và suy ngẫm từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, tư tưởng của tác giả dẫn đến mùa xuân của đất nước, của cách mạng và sau cùng là một mùa xuân nho nhỏ của mỗi con người. Bài thơ được mở ra với 6 dòng thơ miêu tả khung cảnh ngày xuân quê hương trong cảm nhận của tác giả
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Một cảnh sắc thiên nhiên được mở ra với những lời thơ hàm xúc. Giữa dòng sông xanh mọc lên những bông hoa tím biếc hòa hợp làm gợi lên một cảm giác dịu mát lạ thường và đặc biệt rất đậm chất Huế. Sự đảo ngữ ở động từ “mọc” đã làm cho không gian ấy trở nên phóng khoáng, nhẹ nhàng hơn. Tiếng gọi “ơi con chim chiền chiện” mang lại sự gần gũi, thân thương không gian ngày xuân càng thêm náo nức, nhộn nhịp.
Ở hai câu cuối, tự hỏi là giọt gì mà lại long lanh rơi ? Ở đây chúng ta có thể hiểu là giọt sương trong ánh nắng ban mai. Nhưng trong bài thơ âm thanh của giọt sương không chỉ được tác giả nghe thấy mà tác giả còn nhìn thấy “long lanh rơi”. Từ âm thanh “giọt” tác giả chuyển đổi từ cảm giác sang xúc giác “hứng”. “Hứng” là một động từ thể hiện sự trân trọng nâng niu của nhà thơ đối với từng giọt của mùa xuân. Qua đoạn thơ này ta thấy được cảm nhận của tác giả vào một ngày xuân đầy sức sống, say mê, hào hứng nhưng nó cũng mang một nỗi niềm về thân phận của những con người đang lênh đênh không biết cuộc đời sẽ bao giờ kết thúc. Từ những cảm nhận ấy tác giả mang đến một mùa xuân dành cho tất cả mọi người.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Ở đoạn thơ này, tác giả tập trung nói về mùa xuân của những con người, và ở đây là mùa xuân của người cầm súng và người ra đồng. Nếu đã là mùa xuân thì đối với người cầm sung mùa xuân ấy sẽ rất vui tươi, hạnh phúc dù họ đang mang trên vai những nhiệm vụ nguy hiểm, trọng trách to lớn và phải đối diện với chiến tranh. Nhưng có lẽ chính vì thế mà lòng tin, lòng yêu nước trong họ càng sâu đậm hơn. Quyết tâm giành độc lập bảo vệ mùa xuân vui tươi của họ. “Lộc giắt đầy trên lưng” lộc ở đây là những niềm tin, niềm hi vọng về ngày giải phóng đất nước. Còn đối với “người ra đồng” mùa xuân và lộc của họ đó là những niềm tin, những sự tảo tần sớm hôm ra đồng để mang lại những vụ bội thu trải dài nương mạ. Mùa xuân của họ chỉ đơn giản là thế, chỉ ước mơ được nhìn những cánh đồng bội thu trúng mùa. Và tất cả những công việc, nhiệm vụ hay những khát vọng đều như “hối hả, xôn xao”. Hai cụm từ láy ấy thể hiện niềm vui tươi, phấn khởi và điệp ngữ “tất cả như” mang đến một không gian ngày xuân náo nhiệt, ấm áp trong lòng người Việt Nam.
Mùa xuân của mọi người là thế, còn mùa xuân của đất nước ta được tác giả khắc họa dưới hình ảnh vất vả và gian lao.
“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
Hơn 1000 năm nước ta rơi vào cảnh thuộc địa, kiếp nô lệ cuộc sống của nhân dân càng thêm đói khổ, lầm than. Suy nghĩ về những điều ấy tác giả đã diễn tả đất nước ta với biện pháp so sánh.
“Đất nước như vì sao” từ “vì sao” đại diện cho sự trường tồn, vĩnh cửu, tác giả đã dùng hình ảnh thiên nhiên để nói đến đất nước của chúng ta. Đất nước ta dù khó khăn, gian khổ nhưng sẽ mãi đi lên, sẽ mãi trường tồn và bất tử. Đoạn thơ này đã thể hiện một niềm tin về sự phát triển đất nước và từ đó tác giả cũng muốn góp phần hòa mình cống hiến cho đất nước.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Nhìn vào đoạn thơ ta sẽ bắt gặp một biện pháp tu từ đã được tác giả sử dụng đó là điệp ngữ “ta làm”. Với nỗi niềm, khát khao cống hiến cho Tổ Quốc, tác giả mong muốn được làm con chim hót để mang lại âm thanh vui tươi cho đời. Được làm một cành hoa để tỏa thêm vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Tác giả còn muốn mang một nốt trầm xao xuyến vào bản hòa ca để được dâng trọn cuộc đời mình cho đất nước. Những ước nguyện cống hiến chỉ nhỏ nhoi như thế nhưng nó mang cả một tình cảm to lớn của nhà thơ đối với đời. Khát vọng ước mơ ấy luôn là những sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ của nhà thơ. Mùa xuân nho nhỏ ở đoạn thơ này cũng chính là cuộc đời của tác giả. Một cuộc đời dù chỉ là nhỏ nhoi nhưng tác giả vẫn muốn dâng cho đời, mang cho đất nước, quê hương những điều tốt đẹp mà bản thân có thể làm.
Từ láy “nho nhỏ” được gắn liền với từ láy “lặng lẽ” thể hiện một sự cống hiến cho đời, một sự cống hiến trong âm thầm và lặng lẽ, dù thế sự cống hiến đó vẫn luôn cao cả và bao la rộng lớn. Điệp ngữ “dù là” được nhắc lại hai lần để nhấn mạnh cho sự cống hiến không ngừng cho Tổ Quốc, cho cuộc đời. “Dù là tuổi hai mươi” của những thanh niên trẻ nhưng họ vẫn ý thức được trách nhiệm xây dựng bảo vệ đất nước. Hay là khi tóc bạc như tác giả thì lòng họ vẫn mãi vang lên tiếng gọi tha thiết về quê hương, đất nước. Tất cả điều được khắc họa ở đoạn thơ này là để nói lên lòng yêu quê hương, sự hi sinh cống hiến lặng lẽ quên mình cho đất nước.
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế…”
Kết thúc bài thơ là những câu hát “Nam ai Nam bình” mà tác giả muốn gửi vào mùa xuân. Những câu hát chứa đầy những tình yêu quê yêu nước, yêu những mùa xuân tươi đẹp trên đất Huế nói riêng và đất nước nói chung.
Mùa xuân nho nhỏ là những ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước dù ông đang dần đối diện với cái chết. Nhưng có lẽ ngọn lửa yêu quê hương trong lòng ông không bao giờ dập tắt. Trước những vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên tác giả đã thể hiện những rung động tinh tế của mình và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho đời tươi đẹp.