Tiết 1: Các phương thức biểu đạt văn tự sự ( Phần 2, chuyên đề 1 )

PHẦN II: LÀM VĂN – CHUYÊN ĐỀ 1: VĂN TỰ SỰ

 Tiết 1+2+3: CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT TRONG VĂN TỰ SỰ

 A. TÓM TẮT KIẾN THỨC CƠ BẢN

      – Khái niệm tự sự: là trình bày một chuỗi các sự việc, từ sự việc này dẫn đến sự việc kia và dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.

      – Tóm tắt văn bản tự sự là dùng lời văn của mình trình bày một cách ngắn gọn nội dung chính (sự việc tiêu biểu và nhân vật quan trọng) của văn bản đó.

    – Cần đọc kĩ đề, hiểu đúng chủ đề văn bản, xác định nội dung cần tóm tắt; sắp xếp các nội dung ấy theo một thứ tự hợp lí sau đó viết thành một văn bản tóm tắt.

    – Trong văn bản tự sự, sự miêu tả cụ thể chi tiết về cảnh vật, nhân vật và sự việc có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gợi cảm. Qua đó, giúp học sinh thấy được vai trò của yếu tố miêu tả hành động, sự việc, cảnh vật và con người trong văn bản tự sự.

     – Nghị luận là nêu lý lẽ, dẫn chứng để bảo vệ một quan điểm, tư tưởng (luận điểm) nào đó.

    – Vai trò, ý nghĩa của yếu tố nghị luận trong văn bản tự sự: để người đọc, người nghe phải suy ngẫm về một vấn đề nào đó.

    – Phương thức nghị luận: dùng lý lẽ, lô gích, phán đoán… nhằm làm sáng tỏ một ý kiến, một quan điểm, tư tưởng nào đó.

    – Dấu hiệu và đặc điểm của yếu tố nghị luận trong văn bản tự sự:

    + Nghị luận thực chất là các cuộc đối thoại (đối thoại với người hoặc với chính mình)

    +Dùng nhiều câu khẳng dịnh và phủ định, câu có tác dụng mệnh đề hô ứng như: nếu…thì, chẳng những….mà còn….

    + Dùng nhiều từ có tính chất lập luận như: tại sao, thật vậy, tuy thế…

  – Đối thoại, độc thoai, độc thoại nội tâm là những hình thức quan trọng để thể hiện nhân vật trong văn bản tự sự.

+ Đối thoại là hình thức đối đáp, trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người. Trong văn bản tự sự, đối thoại được thể hiện bằng cách gạch đầu dòng ở đầu lời trao và lời đáp (mỗi lượt lời là một lần gạch đầu dòng)s

+ Độc thoại là lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc nói với một ai đó trong tưởng tượng. Trong văn bản tự sự, khi người độc thoại nói thành lời thì phía trước câu nói có gạch đầu dòng; còn khi không thành lời thi không có gạch đầu dòng.

B. CÁC DẠNG ĐỀ

I. Dạng đề từ 2 đến 3 điểm

Đề 1: Tóm tắt  một câu chuyện xảy ra trong cuộc sống mà em đã được nghe kể hoặc đã được chứng kiến.

* Gợi ý:

1. Mở đoạn: giới thiệu khái quát về câu chuyện kể đó: Ở đâu? Khi nào? Có những ai tham gia?

2. Thân đoạn: Trình bày nội dung của câu chuyện:

    – Nguyên nhân dẫn đến sự việc trong câu chuyện đó?

    – Sự việc đó diễn ra như thế nào?

    – Kết cục của sự việc đó ra sao?

    – Sự việc đó có ý nghĩa như thế nào đối với em?

3. Kết đoạn:

      – Suy nghĩ của em về sự việc đó. Liên hệ bản thân.

 Đề 2: Hãy tóm tắt truyện ngắn “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng) bằng một đoạn văn (từ 10 đến 12 dòng)

* Gợi ý:

   – Trước khi chuẩn bị đi tập kết, anh Ba cùng anh Sáu về thăm gia đình, nhưng suốt ba ngày đêm ở nhà, bé Thu, con gái anh nhất định không chịu nhận anh Sáu là ba của mình. Mặc dù anh đã tìm hết cách để chứng minh. Khi biết sự thật thì đã tới lúc anh Sáu phải lên đường. Ở khu căn cứ, anh dồn hết sức làm chiếc lược ngà tặng con gái. Nhưng trong một trận càn, anh đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt, anh còn kịp trao cây lược cho người bạn, với lời hứa sẽ trao tận tay cho bé Thu.

 Đề 3: Xác định yếu tố nghị luận trong đoạn văn sau:

Một học sinh xấu tính

        Trong lớp chúng tôi có một đứa rất khó chịu, đó là Phran-ti. Tôi ghét thằng này vì nó là một đứa rất xấu bụng. Khi thấy một ông bố nào đấy đến nhờ thấy giáo khiển trách con mình là nó mừng rỡ. Khi có người khóc là nó cười. Nó run sợ trước mặt Ga-rô-nê, nhưng lại đánh cậu bé thợ nề không đủ sức tự vệ. Nó hành hạ Grốt-xi, cậu bé bị liệt một cánh tay, chế giễu Prê- cốt-xi mà mọi người đều nể, nhạo báng cả Rô- bét- ti, cậu học sinh lớp hai đi phải chống nạng vì đã cứu một em bé. Nó khiêu khích những người yếu nhất, và khi đánh nhau thì nó hăng máu, trở nên hung tợn, cố chơi những miếng rất hiểm độc.

        Có một cái gì làm cho người ta ghê tởm ở cái trán thấp ấy, trong cái nhìn vẩn đục ấy, được che giấu dưới cái mũ có lưỡi trai bằng vải dầu […]. Sách, vở, sổ tay của nó đều giây mực bê bết rách nát và bẩn thỉu; thước kẻ thì như có răng cưa, ngòi bút thì toè ra, móng tay thì cắn bằng mồm, quần áo thì bị rách tứ tung trong những lúc đánh nhau…

( Ét- môn-đô-đơ- A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả)

Gợi ý:

– Yếu tố nghị luận: chứng minh

– Vấn đề nghị luận: những thói xấu của Phran-ti

– Chứng minh vấn đề: lần lượt nêu ra các ví dụ cụ thể biểu hiện những thói xấu của Phran-ti: từ tâm lý, tính cách, ngôn ngữ, hành động… đến ăn mặc, quần áo, sách vở.

II. Dạng đề từ 5 đến 7 điểm

Đề 1: Tóm tắt văn bản: “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

Gợi ý: Các sự việc chính trong truyện để viết thành văn bản như sau:

      – Xưa có chàng Trương Sinh cùng vợ là Vũ Nương sống với nhau rất hạnh phúc.

      – Giặc đến,triều đình kêu gọi thanh niên trai tráng trong làng đi lính. Trương Sinh bị bắt đi lính.

       – Vũ Nương ở nhà chăm sóc  mẹ già, nuôi dưỡng con nhỏ và ngày ngày ngóng trông tin tức của chồng.

      – Giặc tan, Trương Sinh trở về nghe lời con nhỏ nghi vợ mình không chung thuỷ.

      – Vũ Nương bị oan, gieo mình xuống sông hoàng Giang để tự vẫn

      – Một đêm Trương Sinh cùng con trai ngồi bên đèn, đứa con chỉ chiếc bóng trên tường và nói đó chính là người hay tới đêm đêm.

      – Chàng Trương hiểu ra rằng vợ mình bị oan.

      – Phan Lang tình cờ gặp Vũ Nương dưới thuỷ cung.

      – Khi Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương giữ chiếc hoa vàng cùng lời nhắn cho Trương Sinh.

    – Trương Sinh lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang, Vũ Nương trở về ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, lúc ẩn, lúc hiện

Đề 2: Dựa vào đoạn trích Cảnh ngày xuân hãy viết một bài văn kể về việc chị em Thúy Kiều đi chơi xuân trong tiết thanh minh. Trong khi kể chú ý vận dụng miêu tả cảnh ngày xuân

* Gợi ý:

1. Mở bài

– Giới thiệu sơ lược về gia cảnh Vương viên ngoại.

– Cú ba người con: Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan.

– Nhân tiết thanh minh, ba chị em rủ nhau đi chơi xuân.

2. Thân bài:

* Quang cảnh ngày xuân:

  – Tiết thanh minh vào đầu tháng ba (âm lịch), khí trời mưa xuân mát mẻ, trong lành, hoa cỏ tốt tươi, chim chao liệng trên bầu trời quang đãng.

  – Khung cảnh rộn ràng tấp nập, ngựa xe như nước, tài tử, giai nhân dập dìu chen vai sát cánh…

 – Nhà nhà lo tảo mộ cũng bởi … sự giao hòa giữa người sống và người chết diễn ra trong không khí thiêng liêng.

* Cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều.

– Ba chị em vui vẻ hòa vào dòng người đi trẩy hội.

– Lần đầu tiên được đi chơi xa, tâm trạng ai cũng náo nức, hân hoan…

– Chiều tà, người đó vón, cảnh vật gợi buồn.

” Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Chị em thơ thẩn dan tay ra về “

3. Kết bài:

– Tâm trạng Thúy Kiều vui buồn bâng khuâng khó tả.

– Vương Quan giục hai chị em rảo bước bởi đường về còn xa.

Đề 3:  Hãy kể về một người bạn mà em yêu quý.

Gợi ý dàn bài:

* Mở bài:

– Giới thiệu người bạn ( tên, tuổi, học ở trường nào…) và tình cảm của em đối với bạn.

 * Thân bài: Kể về người bạn mà em yêu quý ( kết hợp miêu tả, biểu cảm, nghị luận)

( Nghị luận: lý do mà mình  yêu  quý bạn: có thể là bạn ngoan, học giỏi, hay giúp đỡ bạn bè….)

* Kết bài: khẳng định lại tình bạn, mong muốn…