Tiết 1: Từ xét về cấu tạo ( ôn thi Văn vào lớp 10 )

PHẦN I: TIẾNG VIỆT

Chuyên đề 1: Từ vựng

Tiết 1: Từ xét về cấu tạo

A. TÓM TẮT KIẾN THỨC CƠ BẢN

 1. Từ đơn: Là từ chỉ có một tiếng.

 VD: Nhà, cây, trời, đất, đi, chạy…

2. Từ phức: Là từ do hai hoặc nhiều tiếng tạo nên.

VD: Quần áo, chăn màn, trầm bổng, câu lạc bộ, bâng khuâng…

Từ phức có 2 loại:

* Từ ghép: Gồm những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.

– Tác dụng: Dùng để định danh sự vật, hiện tượng hoặc dùng để nêu các đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật.

 * Từ láy: Gồm những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng.

– Vai trò: Tạo nên những từ tượng thanh, tượng hình trong miêu tả thơ ca… có tác dụng gợi hình gợi cảm.

B. CÁC DẠNG BÀI TẬP

1. Dạng bài tập 1 điểm:

 Đề 1: Trong những từ sau, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy?

Ngặt nghèo, nho nhỏ, giam giữ, gật gù, bó buộc, tươi tốt, lạnh lùng, bọt bèo, xa xôi, cỏ cây, đưa đón, nhường nhịn, rơi rụng, mong muốn, lấp lánh.

Gợi ý:

* Từ ghép: Ngặt nghèo, giam giữ, bó buộc, tươi tốt,  bọt bèo, cỏ cây, đưa đón, nhường nhịn, rơi rụng, mong muốn.

* Từ láy: nho nhỏ, gật gù, lạnh lùng, xa xôi, lấp lánh.

Đề 2: Trong các từ láy sau đây, từ láy nào có sự “giảm nghĩa” và từ láy nào có sự “tăng nghĩa” so với nghĩa  của yếu tố gốc?

trăng trắng, sạch sành sanh, đèm đẹp, sát sàn sạt, nho nhỏ, lành lạnh, nhấp nhô, xôm xốp.

 Gợi ý:

* Những từ láy có sự “ giảm nghĩa”: trăng trắng, đèm đẹp, nho nhỏ, lành lạnh, xôm xốp.

* Những từ láy có sự “ tăng nghĩa”: sạch sành sanh, sát sàn sạt, nhấp nhô,

2. Dạng bài tập 2 điểm:

 Đề 1. Đặt câu với mỗi từ: nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, nhẹ nhõm, nhỏ nhẻ.

Gợi ý:

– Bạn  Hoa trông thật nhỏ nhắn, dễ thương.

– Bà mẹ nhẹ nhàng khuyên bảo con.

– Làm xong việc Nam thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng

– Bạn Hoa ăn nói thật nhỏ nhẻ

3. Dạng đề 3 điểm:

Cho các từ sau: lộp bộp, róc rách, lênh khênh, thánh thót, khệnh khạng, ào ạt, chiếm chệ, đồ sộ, lao xao, um tùm, ngoằn ngoèo, rì rầm, nghêng ngang, nhấp nhô, chan chát, gập ghềnh, loắt choắt, vèo vèo, khùng khục, hổn hển.

 Hãy xếp các từ trên vào 2 cột tương ứng trong bảng sau:

Từ tượng thanhTừ tượng hình
– Lộp bộp, róc rách, thánh thót, ào ào, lao xao, rì rầm, chan chát, vèo vèo, khùng khục, hổn hển– Lênh khênh, khệnh khạng, chếm chệ, đồ sộ, um tùm, ngoằn ngoèo, nghêng ngang, nhấp nhô, gập ghềnh, loắt choắt.

C. BÀI TẬP VỀ NHÀ

1. Dạng bài tập 2 điểm:

Đề 1:

a,  Gạch chân các từ tượng hình trong đoạn thơ sau:

“Chú bé loắt choắt

Cái sắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghêng nghêng”

 (Tố Hữu, Lượm)

b, Cho biết tác dụng của các từ tượng hình trong đoạn thơ?

 * Gợi ý:

a, Các từ tượng hình trong đoạn thơ: loắt choắt, thoăn thoắt, nghêng  nghêng

b, Các từ tượng hình ( loắt choắt, thoăn thoắt, nghêng nghêng) đã góp phần khắc hoạ một cách cụ thể và sinh động hình ảnh Lượm một chú bé liên lạc, gan dạ, dũng cảm.

 Đề 2: Viết một đoạn văn ngắn (4- 5 dòng ) trong đó có sử dụng: từ đơn, từ phức.

 Gợi ý :

– Học sinh viết được một đoạn văn ngắn có sử dụng: từ đơn, từ phức

( Tùy sự sáng tạo của học sinh).

– Có nội dung, thể hiện một ý nghĩa, câu cú rõ ràng, trình bày khoa học.

– Gạch chân những từ:  từ đơn, từ phức, đã sử dụng trong đoạn văn.