Đề thi Văn 9: Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn

Đề: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ trích bài Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của  Trần Đăng Khoa:

“Ôi, đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong trái tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”

(Đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa

Mùa khô 1981)

GỢI Ý:

* Các biên pháp tu từ trong đoạn thơ:

– Điệp từ: “đảo”,”sinh tồn”, “chúng tôi”.

– Nhân hóa: “Đảo vẫn sinh tồn”

– So sánh: “Chúng tôi” như “hòn đá ngàn năm trong trái tim người”, như “đá vững bền, như đá tốt tươi”.

* Học sinh phân tích được tác dụng:

– Điệp từ “đảo” “sinh tồn” (đảo Sinh Tồn, đảo thân yêu, sinh tồn trên mặt đảo, đảo vẫn sinh tồn) vừa giới thiệu về hòn đảo linh thiêng của Tổ quốc vừa thể hiện được sức sống mãnh liệt của hòn đảo giữa biển khơi cũng như người lính đảo. Điệp từ “chúng tôi” – nhấn mạnh hình tượng trung tâm của đoạn thơ – người lính đảo – những người đang đối mặt với khó khăn khắc nghiệt nơi đảo xa.

– Hình ảnh nhân hóa “Đảo vẫn sinh tồn” sự trường tồn của biển đảo quê hương.

– Đặc biệt hình ảnh so sánh: “Chúng tôi” như “hòn đá ngàn năm trong trái tim người”, như “đá vững bền, như đá tốt tươi”. Khẳng định sự kiên cường bất khuất của những chiến sỹ nơi đảo xa. Dù không có mưa trên đảo, dù khắc nghiệt của gió bão biển khơi nhưng họ vẫn bền gan vững chí để giữ gìn biển đảo quê hương.