Hướng dẫn Phân tích bài thơ Từ ấy

HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH BÀI THƠ TỪ ẤY

Tố Hữu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tố  Hữu được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.Ngay từ những tác phẩm đầu tiên của ông, ta đã bắt gặp một tiếng thơ rạo rực, đắm say hướng về đảng và Cách mạng. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác ấy phải kể đến bài thơ Từ Ấy nằm trong phần Máu lửa của tập “Từ Ấy” – tập thơ đầu tay của Tố Hữu. Bài thơ là niềm say mê mãnh liệt và vui sướng tràn trề cùng với nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng Cách mạng.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Mở đầu bài thơ ông đã diễn tả niềm vui sướng say mê khi gặp lí tưởng của Đảng:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim”

Trước “Từ ấy” – trước khi bắt gặp lí tưởng cách mạng, người thanh niên trẻ Tố Hữu đã từng:

“Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời

Vẩn vơ theo mãi dòng quanh quẩn

Muốn thoát than ôi bước chẳng dời”

(Nhớ Đồng)

Và đã từng:

“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước

Chọn một dòng hay để nước trôi”.

  Khi bắt gặp lí tưởng cách mạng, nhà thơ đã như người trong đêm tối tìm được ánh sáng, tìm được lối đi. Hình ảnh “mặt trời chân lí” là một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho lí tưởng của Đảng, của Cách mạng, mặt trời của chủ nghĩa xã hội.

  Từ ngữ được chọn lọc tinh tế, gợi cảm, nhà thơ đã dùng các từ “bừng”, “nắng hạ” và từ “chói” để diễn tả được sự tác động đột ngột, lớn lao, mạnh mẽ của lí tưởng cách mạng, đồng thời diễn tả được tâm trạng ngất ngây của một tâm hồn trẻ lần đầu bắt gặp lí tưởng nên nhận thấy tất cả đều chói lọi.

Tâm hồn nhà thơ trong buổi đầu đến với cách mạng:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

 Tâm hồn ấy khi gặp được lí tưởng của Đảng được so sánh với một khu vườn “đầy hoa lá”, “đậm hương” và “rộn tiếng chim”. Đây là một hình ảnh so sánh rất thiên nhiên, sinh động, gợi cảm, nó gợi cho người đọc cảm nhận rõ nét tâm hồn nhà thơ khi đón nhận lí tưởng.

  Hình ảnh khu vườn đầy “hoa lá”, “đậm” hương và “rộn tiếng chim”, gợi cho ta cảm nhận “hồn tôi” đang đầy sức sống, đầy niềm vui. Hình ảnh so sánh này cho ta thấy nhà thơ đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón nhận ánh sáng mặt trời, đón nhận sự sống tươi mới đang vẫy gọi.

  Nếu khổ thơ đầu là một tiếng reo vui phấn khởi thì khổ thứ hai và thứ ba là bản quyết tâm thư của người thanh niên cộng sản nguyện hòa cái tôi nhỏ bé của mình vào cái ta chung rộng lớn của quần chúng nhân dân cần lao. Người đọc thật sự cảm động bởi thái độ chân thành thiết tha đến vồ vập của một nhà thơ xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản tự giác và quyết tâm gắn bó với mọi người:

“Tôi buộc hồn tôi với mọi người

 Để tình trang trải với trăm nơi

 Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

  Khi chưa được giác ngộ lí tưởng cách mạng, Tố Hữu là một trí thức tiểu tư sản đề cao cái “tôi” cá nhân. Khi được giác ngộ, Tố Hữu đã có những nhận thức mới về lập trường gia cấp:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người”

   Từ “buộc” ở đây ko có nghĩa là bắt buộc, gắng gượng mà mang nghĩa “rằng buộc”, “gắn kết”. “tôi buộc lòng tôi” nghĩa là nhà thơ đã tự nguyện tạo ra mối dây liên hệ gắn kết quần chúng, tự nguyện gắn bó với “ bao nỗi khổ”, với đời sống cần lao. Và khi cái “tôi” cá nhân hòa với cái “ta” chung của cộng đồng sẽ tạo nên “sức mạnh khối đời”. Tự nguyện gắn bó, đứng vào hàng ngũ của giai cấp vô sản, nhà thơ đã tìm thấy được lẽ sống, tìm thấy nguồn sức mạnh tinh thần thật thiêng liêng.

  Từ cảm biến về nhận thức, Tố Hữu có sự cảm biến sâu sắc trong tình cảm, từ những tình cảm nhỏ bé, riêng tư cảu người trí thức tiểu tư sản, người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Tố Hữu đã vươn tới những tình cảm lớn, tình cảm dành cho quần chúng nhân dân lao động.

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ”

    Nhà thơ đã tự nguyện là một thành viên trong một đại gia đình lớn – quần chúng lao khổ. Cách xưng hô “là con”, “là anh”, “là em” càng thể hiện tâm tình đầy thương mến, ấm áp yêu thương tình cảm gắn bó ruột thịt gần gũi. Tố Hữu gọi những kiếp đời lao khổ là những kiếp phôi pha, cù bất cù bơ.

  Đây là những từ ngữ giàu sức gợi, gợi cảnh sống khổ cực của những người dân bị áp bức, đọa đầy, gợi tình cảm yêu thương, gắn bó của nhà thơ. Chính vì những kiếp người lao khổ ấy mà nhà thơ đã lên đường đến với cách mạng. lời thơ giản dị nhưng chứa đầy tình cảm ám áp chân thành. Nó giúp ta hiểu được lí tưởng sống cao đẹp mà người thanh niên 18 tuổi đã tìm thấy, đã đi theo, đã cống hiến cả cuộc đời. đoạn thơ là lời tâm sự và cũng như một lời hứa, một lời thề thiêng liêng mà nhà thơ đã giữ trọn trong suốt cuộc đời.

III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

   Bài thơ “Từ ấy” là một thi phẩm đặc sắc, bài thơ ko chỉ là một tuyên ngôn về lí tưởng cách mạng mở đầu cho một chặng đường mới của người thanh niên cộng sản trẻ tuổi mà còn mang ý vị là một tuyên ngôn về thơ ca báo hiệu sự xuất hiện cảu một hồn thơ mới – thơ trữ tình chính trị. Bài thơ mang sắc thái riêng của một tâm hồn thanh niên lần đầu bắt gặp lí tưởng. Đó là chất trẻ chung sôi nổi mê say được thể hiện ở những hình ảnh đặc sắc, ở giọng thơ và nhịp điệu thơ dồn dập, hăm hở. Vượt ra ngoài ý nghĩa văn chương, bài thơ còn đem đến cho chúng ta một nhân sinh quan, một lẽ sống cao đẹp.