Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ hiện nay
Đề bài:
Trẻ em hiện nay do tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm đã dẫn đến việc nghiện mạng xã hội trầm trọng. Em hãy viết bài văn nói lên suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Gợi ý:
Hiện nay với sự phát triển của công nghệ, với sự ra đời của các loại thiết bị như điện thoại di động, máy tính, laptop,… bên cạnh đó còn có các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… Mỗi người đều đã và đang dần tiếp xúc với công nghệ và thực trạng hiện nay đó chính là việc trẻ em tiếp xúc với Internet nói chung hay mạng xã hội nói riêng quá sớm ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức của các em, dẫn đến các em có những suy nghĩ, hành vi sai lầm. Đó cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm và tìm cách giải quyết kịp thời để không xảy ra những hậu quả lớn hơn cho thế hệ mai sau.
Trước tiên hãy tìm hiểu xem mạng xã hội là gì ? Mạng xã hội còn gọi là mạng ảo, là dịch vụ nối kết những người cùng sở thích trên Internet với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian thời gian. Đây là một sản phẩm từ sự phát triển công nghệ, nó có nhiều lợi ích cho người sử dụng bên cạnh đó cũng có không ít tác hại, chẳng hạn bạn muốn dùng nó để hỗ trợ cho việc học tập nhưng dần thành thói quen bạn sẽ phụ thuộc vào nó, bạn dùng mạng xã hội để giao lưu với mọi người trên thế giới những kẻ xấu cũng có thể theo cách đó mà thực hiện các hành vi phạm pháp. Người lớn có thể dễ dàng nhận thức đâu là tốt là xấu nhưng có khi vẫn bị lừa qua mạng, đối với một đứa trẻ làm sao có thể nhận ra được.
Các em tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm cũng là một mối nguy hiểm cho các em về cả tinh thần và thể xác. Mạng xã hội nơi có thể tự do đăng tải và chia sẻ trạng thái vì do nó tự do nên dẫn đến những lời chia sẻ “lố lăng”, những phong trào không hợp với tuổi thiếu nhi, trẻ em đang ở độ tuổi học theo sẽ dễ dàng bắt chước theo những hành vi sai trái đó từ mạng xã hội. Theo như một bài báo đã từng đăng tải, một bé gái sinh năm 2003 đã đốt trường do đi theo phong trào “Việt Nam nói là làm”, 8 giờ ngày 9/10 tại Trường cấp 2 Phạm Ngũ Lão, tỉnh Khánh Hòa, cô bé mang xăng đến trường và đốt trường, khiến cô bé bị bỏng rất nặng, trước đó cô nói trên facebook rằng nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường, số like nhanh chóng vượt mức, cô bị bạn bè ép, dọa phải làm như những gì đã nói nếu không sẽ bị đánh. Bên cạnh cô bé còn có những trường hợp tương tự và dẫn đến kết quả xấu không phải với ai mà với chính người thực hiện nó. Sự việc tương tự vẫn đang tiếp tục được lan rộng trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng ít nhiều đến các bạn nhỏ khi sử dụng mạng xã hội.
Việc trẻ em sở hữu cho mình một thiết bị điện tử hay một tài khoản trên mạng xã hội hiện nay là một việc hết sức bình thường, một phần do cha mẹ muốn con mình có được khoảng riêng tư, không bị ràng buộc, phần khác do cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm hay trò chuyện cùng con cái, họ muốn dùng mạng xã hội để con mình có được nơi giải trí, những đứa trẻ như vậy dễ dẫn đến trầm cảm hay nặng hơn là tự kỉ, vì trong thời gian dài không trò chuyện với cha mẹ trẻ sẽ chỉ suốt ngày lên mạng xã hội, hoặc chơi game dần dần trẻ không thấy hứng thú với thế giới bên ngoài. Nguyên nhân không thể chỉ đến từ một phía, mà còn về phía ý thức của trẻ, khi lần đầu tham gia mạng xã hội trẻ sẽ dễ thấy nó thú vị vì nó đa dạng, tiện ích,…tham gia lâu dần sẽ dễ dẫn đến nghiện thậm chí trẻ sẽ dành hàng giờ để lướt mạng xã hội, hay thức thật khuya để chơi game khiến trẻ ngủ không đủ giấc, không ăn uống đúng bữa. Ngoài việc ảnh hưởng xấu đến nhận thức, hành vi, nghiện mạng xã hội, bắt chước theo các thói hư tật xấu từ nó cũng gây hại đến sức khỏe, và tình hình học tập của trẻ.
Trẻ có thể vì nghiện mà ăn uống sai bữa, thức khuya để lướt mạng xã hội làm trẻ thường xuyên thấy mệt mỏi, đau bao tử, rối loạn tiền đình. Một số trẻ ăn uống qua loa các loại thức ăn nhanh không những không có dinh dưỡng mà còn gây hại đến sức khỏe của bản thân như gà rán, khoai tây chiên, trà sữa,… những loại thức ăn như vậy đa phần đều có các chất độc hại ăn nhiều sẽ làm cho trẻ bị béo phì. Bên cạnh đó việc trẻ ngồi chơi điện thoại hay máy tính hơn sáu tiếng trong một ngày ít vận động sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả; ngủ không ngon, mất ngủ; tính năng động giảm; khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử ánh sáng từ màn hình cũng gây ảnh hưởng đến thị lực theo thời gian mắt trẻ sẽ bị nhòa đi, có thể nặng hơn thế nữa.
Về mặt tinh thần và nhận thức, trẻ sẽ dần dần tự ti, có khi cố tỏ ra khác biệt với bạn cùng lứa; đối với cha mẹ trẻ sẽ tự cho rằng bạn thân đã trưởng thành, khi bị la rầy sẽ nghĩ rằng bậc cha mẹ không hiểu mình rồi do ảnh hưởng đến từ mạng lại tiếp tục có những hành vi sai trái như uống thuốc ngủ tự tử, hay có khi là bỏ nhà ra đi,… những việc làm đó đều là do trẻ cho rằng bản thân đúng. Việc tổn hại thân thể không những từ phía gia đình mà còn về học tập có khi do trẻ bị ảnh hưởng đến tâm lý bản thân “yêu sớm”. “Yêu sớm” gặp được rất nhiều trong xã hội ngày nay, không những “yêu” mà trẻ còn làm những chuyện vượt qua cả qui định ở tuổi thanh thiếu niên. Có một bạn nữ đã đăng tải lên Facebook đoạn clip sau khi chia tay người yêu ở tuổi 16 dùng lưỡi lam rạch hàng chục dấu lên tay,… có hàng trăm câu chuyện tổn hại thân xác do những cách đua đòi học theo của giới trẻ hiện nay.
Ta không thể để những sự việc như thế này tiếp tục diễn ra như một lẽ tự nhiên vì nó ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai, phải có biện pháp làm giảm thiểu tình trạng này. Ví dụ như bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con cái hơn, quan tâm và xem trên mạng trẻ thế nào, quen biết những ai, phải dạy con rằng nên học theo cái gì và không nên học theo cái gì, quy định thời gian cho trẻ sử dụng các loại thiết bị. Nhà trường cũng nên tổ chức các hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn, cùng các bạn chơi trò chơi, tuyên truyền cho trẻ về việc nghiện mạng. Từ sự quản lý từ gia đình và nhà trường trẻ có thể sẽ giảm thiểu đi phần nào việc nghiện mạng xã hội.
Thế giới ngoài kia muôn vàn điều thú vị đừng để trẻ bị giam cầm trong mạng xã hội hãy để trẻ ra ngoài và cảm nhận cuộc đời tươi đẹp, vì thế hệ con trẻ cũng chính là tương lai mai sau. Hãy để các em được tự do tìm tòi sáng tạo, chứ không đưa các em vào địa ngục tâm tối.