Quan niệm về thời gian của Xuân Diệu
Thời gian là tuyến tính một đi không trở lại:
Quan niệm về thời gian của Xuân Diệu là quan niệm thời gian của một nhà thơ mới, khác với quan niệm thời gian của thơ cũ ( quan niệm thời gian tuần hoàn, gắn cá thể với vũ trụ làm một, chỉ khi chết, hòa vào vũ trụ thì con người mới thực sự được sống).
Ông cho rằng thời gian của tuổi trẻ là quan trọng nhất nhưng rồi nó cũng sẽ trôi qua , ông thấu hiểu được quy luật nghiệt ngã của cuộc sông nên cảm thấy tiếc, thấy xót xa. Nên bởi vậy mà ông gửi đến triết lí : sống phải biết tận hưởng, biết quý trọng những giờ phút quý giá của tuổi trẻ để không phải ân hận xót xa, sông vội vàng, hối hả chạy đua với thời gian bởi thời gian tuổi trẻ một đi không trở lại. Từ thấu hiểu quy luật của thời gian, mà ông thấy lo lắng, tiếc, xót xa. để từ đó có ý thức quý trọng từng khoảnh khắc, sống một cách nhiệt tình nhất để không lãng phí quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời mỗi người là tuổi trẻ. Thời gian vô hồi vô tận nhưng cuộc đời ocn người lại hữu hạn, vô cùng ngắn ngủi, bởi vậy, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc quý giá của thời gian.
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,”
Thông thường, người ta nắm trong tay cái gì rồi mới sợ mất, còn Xuân Diệu, dù “xuân” mới chỉ đương tới, đương đến, nhà thơ đã nghĩ ngay đến khoảnh khắc phai tàn, khoảnh khắc biến mất. Cặp từ đối lập: “tới – qua”, “non – già” càng nhận mạnh sự chảy trôi nhanh chóng, đáng sợ của của thời gian qua mắt nhìn Xuân Diệu. Trong tâm tưởng của Xuân Diệu, ngày hôm nay qua đi rồi tháng, rồi năm, rồi đời người sẽ hết, tuổi già, cái chết là nỗi ám ảnh lớn trong lòng nhà thơ:
“Nhưng mà tôi sẽ chết than ôi
Tóc ngời mai mốt không đen nữa
Tuổi trẻ khô đi mặt xấu rồi”
Và với những vần thơ trong bài “Thanh niên” ta mới thấy hết được sự nuối tiếc thời gian của nhà thơ:
“Ôi thanh niên! Người mang hết xuân thì
Hình ngực nở nụ cười tươi màu tóc láng
Già sẽ đến giơ tay xua ánh sáng
Đuổi bướm đi làm sợ cả hương hoa. Nhà thơ dường như chú ý đến từng bước đi của thời gian từng chút một, như chính “mùa thu tới”:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh”
Thời gian chuyển động qua từng sắc lá trong vườn, và trong “Đây mùa thu tới”. Đó là tiếng gọi của thời gian, hối hả và thôi thúc bằng một điệp khúc “Đây mùa thu tới – mùa thu tới”. Thời gian là dấu hiệu của tàn phai và rơi rụng. Thời gian là sự tuôn chảy “một đi không trở lại”. Chính ý thức về thời gian một chiều chứ không phải tuần hoàn, thời gian định hướng chứ không phải định tính, đã tạo nên cái nhìn nghệ thuật trong toàn bộ sáng tác của anh. Thời gian với những bước chuyển động tàn nhẫn, sự đối lập giữa thời gian vũ trụ với thời gian của một kiếp người.
Tuồi trẻ là thước đo thời gian:
Tức là lấy quỹ thời gian hữu hạn của cuộc đời mình ( sinh mệnh cá thể ) ra để đo đếm thời gian trong vũ trụ. Thậm chí thi sĩ lấy quãng ngắn nhất, giàu ý nghĩa nhất trong sinh mệnh của con người là tuổi trẻ để làm thước đo:
“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời ”
Chữ “Xuân” được điệp đi điệp lại cả năm đến sáu lần (trong ba câu đầu đã có tới năm lần). “Xuân” ấy vừa là xuân của đất trời vừa là “xuân” của cuộc đời, của tuổi trẻ. Mỗi lần nhắc lại là mỗi lần ta bắt gặp cái ngậm ngùi của thi nhân. Xuân của thiên nhiên thì còn mãi mà “xuân” của đời người đã “hết” thì “tôi cũng mất”. Dù lòng yêu có “rộng” đến bao nhiêu thì “lượng trời” vẫn cứ chật. Nên “tuổi trẻ nhân gian” không thể “dài” thêm mãi. Ở đây, hệ thống từ ngữ, hình ảnh được đặt trong thế tương phản đối lập cao độ (tới – qua, non –già, rộng – chật, xuân tuần hoàn, – tuổi trẻ chẳng hai lần, còn – chẳng còn) để làm nổi bật tâm trạng nuối tiếc thời gian, cuộc đời. Vũ trụ có thể vĩnh viễn, mùa xuân rồi cũng tuần hoàn nhưng tuổi xuân của con người chỉ có một lần, đã qua là qua mãi. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !”
Thước đo thời gian của thi sĩ là tuổi trẻ. Tuổi trẻ một đi không trở lại “chẳng hai lần thắm lại” thì làm chi có sự tuần hoàn ! Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của thời gian, sự có mặt của con người thật là ngắn ngủi, hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế của kiếp người, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ:
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Đọc hai câu thơ, ta cảm nghe rất rõ tiếng thở dài bất lực của thi nhân. Ta nghe rõ cả cái bâng khuâng, nuối tiếc của nhà thơ phả vào đất trời. Dường như trước mắt người đọc là cả một trời tiếc nuối. Tâm trạng ấy của Xuân Diệu ta cũng bắt gặp trong bài thơ “Giục giã”:
“Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn
Vừa xịch gối chăn mộng vàng tan biến
Dung nhan xê động sắc đẹp tan tành
Vàng son đang lộng lẫy buổi chiều xanh
Vừa ngoảnh lại cả lầu chiều đã vỡ”
Phải chăng vì quá yêu mến tuổi trẻ mà từ sự nuối tiếc ấy, thi nhân đã “thức nhọn giác quan” để sống “toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn” mà “say”, “thâu”, “hôn”, “cắn” cho kỳ hết những hương nồng của tuổi trẻ ?
Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là cảm nhận đầy tính mất mát.
Ví như kết thúc đoạn thơ trong bài thơ “Vội vàng” là một tiếng thốt:
“Chẳng bao giờ ôi! chẳng bao giờ nữa
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”
Thi sĩ bỗng thốt lên lời than. Tiếc nuối, lo lắng và chợt tỉnh vì “mùa chưa ngả chiều hôm”, nghĩa là vẫn còn trẻ trung, chưa già. Lên đường! Phải vội vàng, phải hối hả “Mau đi thôi”. Câu cảm thán với cách ngắt nhịp biến hóa làm nổi bật nỗi lòng vừa lo lắng băn khoăn vừa luống cuống tiếc rẻ, bâng khuâng. Thế đấy, không thể “buộc gió”, không thể “tắt nắng”, cũng không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có cách thực tế nhất là chạy đua với thời gian, là phải tranh thủ sống .
Xưa kia, Nguyễn Trãi viết trong chùm “Thơ tiếc cảnh“:
“Xuân xanh chưa dễ hai phen lại
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên”.
Những vần thơ của Nguyễn Trãi giúp ta cảm nhận sắc điệu trữ tình trong “Vội vàng” về màu thời gian, về sắc thời gian, về tuổi trẻ. Cũng qua đó để hiểu thêm về lòng ham sống đến nhiệt cuồng của nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Nó là lời thở than của vạn vật, là không gian đang tiễn biệt thời gian, mà sâu xa hơn là mỗi sự vật thời gian đang ngậm ngùi tiễn biệt một phần đời của chính nó.
Những phần đời của sinh mệnh cá thể đang ra đi không thể nào cưỡng lại, nó tạo nên sự trôi chảy không ngừng, tạo nên sự phôi pha, phai tàn của từng cá thể:
“Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
Gió đùa trong lá không phải là những âm thanh của thiên nhiên tươi vui của mùa xuân, mà là lời “thì thào” về nỗi hờn giận, buồn thương. Gió phải chia tay với cây lá mà bay đi; chim chóc trên cây đang ca hát rộn ràng chào xuân bỗng ngừng bặt, chẳng phải có sự đe dọa nguy hiểm nào, mà chỉ vì chúng buồn tiếc cho mùa xuân sắp trôi qua. Thế là chẳng riêng gì Xuân Diệu mà cả vạn vật trong thiên nhiên cũng thức nhận về cái quy luật nghiệt ngã, cái một đi không bao giờ trở lại của thời gian ấy. Có phải vậy mà Xuân Diệu đưa ra một quyết định hợp lí cho mình và cho tất cả mọi người “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Thời gian được cảm nhận mới mẻ khi được miêu tả có mùi vị (từ cái vô hình thành cái hữu hình)
Mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự mất mát lớn lao. Sự tàn phai không chỉ đến “khắp sông núi” mà còn ở từng cá thể. Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kỳ này bước vào độ tàn phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”
Đây là hai câu thơ thể hiển rất rõ cách cảm nhận tinh vi về thời gian của Xuân Diệu. Cảm nhận ấy không chỉ bằng thị giác mà còn cảm nhận bằng cả khứu giác “mùi tháng năm”, cả vị giác “vị chia phôi”. Nhà thơ xúc động lắng nghe bước đi của thời gian, tiếng “than thầm tiễn biệt” của sông núi, của cảnh vật. Xuân Diệu rất nhạy cảm với thời gian trôi đi qua “mùi”, “vị” của năm tháng “chia phôi” trong dòng chảy vô tận. Một cách cảm nhận thời gian rất thơ, rất tinh tế:
Đoạn thơ trên đây cho thấy vẻ đẹp trong thơ Xuân Diệu: sự trau chuốt về ngôn từ, sự tinh tế trong cảm xúc biểu hiện. Một quan niệm nhản sinh rất tiến bộ về thời gian, về mùa xuân và tuổi trẻ. Cái tôi cá nhân trữ tình được khẳng định. Ham sống và yêu đời; sống hết mình, sông trong tình vêu – đó là những ý tưởng rất đẹp, vẻ đẹp của một hồn thơ lãng mạn – “vội vàng” không nghĩa là sống gấp như ai đó đã nói.