Kỹ năng Phân tích Thơ – Chương 4 – Bài 2

Soạn bài online – Ôn tập môn Văn
Chương IV: PHÂN TÍCH NGÔN NGỮ THƠ VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
Bài 2
III. Hình tượng ngôn ngữ thơ:

1. Khái niệm:
Hình tượng thơ  là một hình ảnh vừa có khả năng thể hiện cái cụ thể sinh  động của đời sống, vừa mang ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống thông qua sự xử dụng ngôn ngữ tài tình, trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ.
Từ định nghĩa này, ta thấy điều kiện cần  của hình tượng trước hết phải là một hình ảnh về cuộc sống và điều kiện đủ là hình ảnh ấy phải có ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ tái hiện cuộc sống thì ngôn ngữ thơ chưa trở thành hình tượng. Ví dụ như câu "Quá niên trạc ngoại tứ tuần" thì chỉ tạo ra hình ảnh một con người có tuổi ngoài 40 . Câu thơ này chỉ mới kể sự chứ chưa tạo ra ý nghĩa biểu trưng cho một vấn đề nào trong đời sống. Song đến câu: "Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao" thì không những tạo ra hình ảnh con người có hình dung chải chuốc, mà còn gợi  nên nét nghĩa biểu trưng: Thái độ không tôn trọng của tác giả về hạng người điểm tô ngoại hình nguỵ trang cho sự nhuộm đen tâm hồn và nhân cách. 
Để thấy được ý nghĩa biểu trưng của hình tượng, điều cơ bản, ta phải xem xét đến tài năng sử dụng ngôn ngữ (Nghệ thuật dùng ngôn ngữ) của người nghệ sĩ. Bởi lẽ, mọi quá trình, cách thức phân tích thơ đều phải xuất phát từ ngôn ngữ văn bản thơ. Vì vậy, để ngôn ngữ thơ có tính hình tượng, người nghệ sĩ luôn phải biết tổ chức, sáng tạo ngôn ngữ từ đơn vị cơ bản của ngôn ngữ là từ đến những đơn vị lớn hơn là cụm từ, tổ hợp từ, câu, đoạn, …
Vậy, ta có thể khẳng định hình tượng thơ là nơi kết tinh cao độ giá trị nội dung và nghệ thuật của thi phẩm.
 
2. Các  phương thức sử dụng ngôn ngữ tạo nên hình tượng thơ:
a. Chất liệu thơ(thi liệu):
Là hệ thống hình ảnh, sự vật được ngôn ngữ gọi tên có cùng một đặc điểm tính chất và có mối quan hệ tương cận với nhau.
Từ cách hiểu như vậy, ta thấy những từ ngữ tạo nên chất liệu thơ thường là các danh từ hay ngữ danh từ. Và cũng  vì các hình ảnh sự vật được ngôn ngữ gọi tên có nét tương đồng và quan hệ tương cận nên có thể hiểu chất liệu thơ là hệ thống các danh từ, ngữ danh từ cùng trường.
Ví dụ: Các từ: thuỷ tinh, pha lê, gương hồ, xà cừ, san hô, lưu ly, ngọc, ... là những từ chỉ các sự vật có cùng những đặc điểm, tính chất: Cứng, dễ vỡ, trong, phản quang, …
Để nghiên cứu sâu về chất liệu thơ, ta thấy rõ mỗi một dạng chất liệu được dùng trong thơ chứa đựng đậm nét cá tính sáng tạo (quan niệm nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ, thái độ tình cảm, …) và ý đồ nghệ thuật của nhà nghệ sĩ. Do vậy, việc tìm và
phân tích được chất liệu thơ sẽ giúp độc giả mở thêm một cánh cửa để bước vào khám phá thế giới cảm xúc độc đáo của từng thi phẩm hay cả sự nghiệp sáng tác của một nhà thơ.
Ví dụ 1:
Thế giới nghệ thuật bài “Nguyệt cầm” (Xuân Diệu) được tạo dựng từ hai thực thể: tiếng đàn và ánh trăng. Song, trong bài thơ tiếng đàn và ánh trăng ấy được bao bọc trong không gian trong suốt tĩnh lặng, băng giá, ngợp sáng, dễ vỡ của: Đêm thuỷ tinh,
biển pha lê, sương bạc, … Qua đó là một không gian đẹp gợi cái băng giá, cô đơn trong lòng người.
 
Ví dụ 2:
Thơ Hàn Mặc Tử thường sử dụng cụm 3 thực thể: Trăng – Hồn – Máu.
– Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa.
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy cuồng điên mửa máu ra.
–  Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
– Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
Với Tử, trăng đồng nghĩa với thế giới cái đẹp, cái vĩnh hằng, thế giới huyền ảo, hồn – máu là nỗi ám ảnh về cái chết từ thực tại nỗi đau bệnh tật. Trăng – hồn – máu làm nên sự cân bằng tâm trạng, cảm xúc trong thơ Hàn Mặc Tử.