Bài 35: CÁC NƯỚC ĐẾ QUỐC ANH, PHÁP, ĐỨC, MỸ VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG THUỘC ĐỊA ( Tiết 1 )

Bài 35: CÁC NƯỚC ĐẾ QUỐC ANH, PHÁP, ĐỨC, MỸ VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG THUỘC ĐỊA  (Tiết 1 ) 

MỤC TIÊU BÀI HỌC

          Sau khi học xong  các bạn cần nắm được:

1. Kiến thức

– Nắm được những nét khái quát về tình hình kinh tế, chính trị của các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ hồi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX; những nét chung và đặc điểm riêng.

– Hiểu được đây là thời kỳ các nước đế quốc đẩy mạnh việc xâm lược thuộc địa, phân chia lại thị trường thế giới làm cho mâu thuẫn giữa các đế quốc với đế quốc và giữa đế quốc với thuộc địa ngày càng sâu sắc.

2. Tư tưởng, tình cảm, thái độ

 Giúp HS nâng cao nhận thức về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, ý thức cảnh giác cách mạng; đấu tranh chống các thế lực gây chiến, bảo vệ hoà bình.

3. Kỹ năng

Rèn luyện kỹ năng phân tích sự kiện Lịch sử để thấy được từng đặc điểm riêng của chủ nghĩa đế quốc.

NỘI DUNG BÀI HỌC

Lời giới thiệu bài mới:

   Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các nước Tư bản tiên tiến, đánh dấu bước chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền. Cùng với đó là chính sách mở rộng xâm lược thuộc địa để có thêm thị trường và vơ vét nguyên liệu đưa về chính quốc. Sự tranh chấp thuộc địa đã làm cho mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trở nên sâu sắc. Tình hình kinh tế, chính trị và chính sách đối ngoại các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung bài học hôm nay để trả lời câu hỏi nêu trên.

A. ANH VÀ PHÁP CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

1. Nước Anh

Đầu thập niên 70 của thế kỷ XIX, nền công nghiệp Anh vẫn đứng đầu thế giới. Sản lượng than của Anh gấp 3 lần Mỹ và Đức; sản lượng gang gấp 4 lần Mỹ và gần 5 lần Đức. Về xuất khẩu kim loại sản lượng của 3 nước Pháp, Đức Mỹ gộp lại không bằng Anh.

* Tình hình kinh tế:

– Từ cuối thập niên 70, Anh mất dần địa vị độc quyền công nghiệp, do vậy mất luôn cả vai trò lũng đoạn thị trường thế giới, bị Mỹ và Đức vượt qua.

* Nguyên nhân là:

+ Máy móc thiết bị xuất hiện sớm nên đã cũ và lạc hậu, việc hiện đại hoá rất tốn kém.

+ Một sớ lớn tư bản chạy sang thuộc địa, vì ở đây lợi nhuận Tư bản đẻ ra nhiều hơn chính quốc. Mặt khác, cướp đoạt thuộc địa có lợi nhiều hơn so với đầu tư cải tạo công nghiệp.

– Tuy vậy, Anh vẫn chiếm ưu thế về tài chính, xuất cảng tư bản, thương mại, hải quân và thuộc địa.

– Công nghiệp: Quá trình tập trung tư bản diễn ra mạnh mẽ, nhiều tổ chức độc quyền ra đời chi phối toàn bộ đời sống kinh tế nước Anh.  

– Nông nghiệp: Nước Anh lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Anh phải nhập khẩu lương thực.

* Tình hình chính trị:

– Anh là nước theo thể chế chính trị quân chủ lập hiện với việc thực hiện chế độ hai Đảng (Đảng tự do và Đảng Bảo thủ) thay nhau cầm quyền, song đều bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản.

– Đây là thời kỳ giai cấp tư sản Anh tăng cường mở rộng hệ thống thuộc địa đặc biệt là ở Châu Á và châu Phi.

– Chủ nghĩa đế quốc Anh tồn tại và phát triển dựa trên sự bóc lột một hệ thống thuộc địa rộng lớn (chiếm ¼ lãnh thổ và ¼ dân số thế giới) do vậy được mệnh danh là chủ nghĩa đế quốc thực dân “Mặt trời không bao giờ lặn” trên đất nước Anh, Lênin nhận xét: “Nước Anh không chỉ là quê hương của hệ thống công xưởng ủa chủ nghĩa tư bản, mà còn là thuỷ tổ của chủ nghĩa đế quốc hiện đại”.

-> Chủ nghĩa thực dân Anh đã trở thành đặc trưng riêng của chủ nghĩa đế quốc Anh. Việc xuất khẩu tư bản của Anh mang những quy mô to lớn. Nước Anh là một cường quốc thuộc địa chính.

2. Nước Pháp

* Tình hình kinh tế

– Cuối thập niên 70 trở đi công nghiệp Pháp bắt đầu phát triển chậm lại.

– Nguyên nhân:

+ Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ do đó phải bồi thường chiến tranh.

+ Nghèo tài nguyên và nhiên liệu, đặc biệt là than đá.

+ Giai cấp tư sản chỉ chú trọng đến xuất cảng tư bản sang những nước chậm phát triển để thu lợi nhuận cao chứ không hú trọng phát triển công nghiệp trong nước.

Bên cạnh những yếu kém đó công nghiệp Pháp có những tiến bộ gì?

– Mặc dù có sự sút kém, song công nghiệp Pháp cũng có tiến bộ đáng kể. Hệ thống đường sắt lan rộng khắp nơi cả nước đã đẩy nhanh sự phát triển của ngành khai mỏ, luyện kim và thương nghiệp. Việc cơ khí hoá sản xuất được tăng cường. Từ năm 1852 – 1900 số xí nghiệp sử dụng máy móc tăng lên 9 lần, số động cơ chạy bằng hơi nước tăng lên 12 lần.

– Nông nghiệp Pháp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp vì phần đông dân cư sống bằng nghề nông. Tình trạng đất đai phân tán, manh mún không cho phép sử dụng máy móc và kỹ thuật canh tác mới.

– Sự thâm nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp ở Pháp diễn ra chậm chạp do đất đai bị chia nhỏ.

– Đầu thế kỷ XX quá trình tập trung sản xuất cũng diễn ra trong lĩnh vực công nghiệp, dẫn đến việc hình thành các công ty độc quyền, từng bước chi phối nền kinh tế Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

– Đặc điểm : Tư bản Pháp phần lớn đưa vốn ra nước ngoài, cho các nước chậm tiến vay với lãi suất lớn. Chủ nghĩa đế quốc cho Pháp là chủ nghĩa đế quốc cho ay nặng lãi.

* Tình hình chính trị

– Sau cách mạng tháng 9 – 1870, nước Pháp thành lập nền cộng hoà thứ ba, song phái cộng hoà đã sớm chia thành hai nhóm: Ôn hoà và Cấp tiến thay nhau cầm quyền.

– Đặc điểm của nền cộng hoà là tình trạng thường xuyên khủng hoảng nội các.

– Pháo tăng cường chạy đua vũ trang để trả mối thù Đức; tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa, chủ yếu là ở khu vực châu Á và châu Phi.