Phong trào theo khuynh hướng vô sản ( bài 12 tiết 4 Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên )

b. Sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (1925-1929)

– Sự thành lập:

+ Sau chiến tranh thế giới thứ nhất có nhiều thanh niên trí thức, tiểu tư sản yêu nước sang Trung Quốc hoạt động cứu nước, tuy nhiên họ  chưa có phương hướng chính trị đúng đắn, vì  thế họ rất cần được trang bị về  lý luận cách mạng.

+ Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), liên lạc với những người Việt Nam yêu nước. Tại đây Người chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã để tổ chức thành nhóm Cộng sản đoàn (2/1925).

+ Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Đây là một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản, một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tôn chỉ mục đích: tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đánh đổ đế quốc để giải phóng dân tộc.

– Hoạt  động:

+ Xây dựng hệ thống tổ chức ở khắp nơi trong nước. Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Tổng bộ, xuống kì bộ, cơ sở là chi bộ. Năm 1928, Hội có gần 300 hội viên, năm 1929 có 1700 hội viên.

+ Mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ. Hội phái người về trong nước đưa những người yêu nước sang Quảng Châu  (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Đa số là học sinh, sinh viên, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Sau khi dự các lớp huấn luyện này, một số được gửi đi học ở Liên Xô, một số khác vào học ở trường Quân sự Hoàng Phố, còn phần lớn trở về nước hoạt động.

+ Tuyên truyền lí luận cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản trong nhân dân Việt Nam, thông qua báo Thanh  niên và tác phẩm Đường kách mệnh, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị điều kiện về tư tưởng chính trị cho sự thành lập Đảng Cộng sản. Cuối năm 1928, sau khi có chủ trương “vô sản hoá” nhiều cán bộ của hội đã đi sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền… cùng lao động và sống với công nhân để tuyên truyền cách mạng.

+ Đấu tranh trong nội bộ để thành lập Đảng Cộng sản: Trước sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đòi hỏi phải có  sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản. Trong nội bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh  niên đã diễn ra cuộc đấu tranh, dẫn đến sự phân hóa tích cực, hình thành nên hai tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản đảng (6-1929) và An nam cộng sản đảng (8-1929).

– Vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đối với cách mạng Việt Nam:

+ Việc truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc về Việt Nam đã từng bước giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX;

+ Làm cho giai cấp công nhân ngày càng giác ngộ, phong trào công nhân ngày càng phát triển theo hướng vươn lên một phong trào tự giác; làm cho khuynh hướng vô sản ngày càng chiếm ưu thế trong phong trào dân tộc Việt Nam.

+ Góp phần chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.