Để làm tốt bài thi tốt nghiệp môn Lịch Sử
Làm thế nào để đạt điểm tốt môn Lịch Sử? Là một giáo viên Lịch Sử lâu năm ở Đại học và Phổ thông, tôi có một số ý kiến sau đây:
* Trước hết Phải nắm được đặc trưng khoa học Lịch Sử.
Lịch sử là một môn học thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đây là một môn học rất quan trọng nhằm cung cấp cho người học những hiểu biết về lịch sử dân tộc và các nước trên thế giới, hình thành nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn. Qủa thật không có môn học nào có ưu thế hơn môn Lịch sử về giáo dục nhân cách cho con người.
Tuy nhiên, để làm chủ và nắm vững tri thức Lịch sử không dễ. Khoa học Lịch sử có những đặc điểm sau đây:
– Đó là tính chính xác tuyệt đối. Bài làm sử không thể viết chung chung mà phải có sự kiện, năm tháng, nhận định cụ thể, rõ ràng chính xác. Trong lịch sử, phải, trái, chính, tà là rõ ràng. Viết sai sự kiện, năm tháng, nhận định là không được.
– Lịch sử thế giới và trong nước phát triển từ thấp tới cao theo qui luật tiến hoá của lịch sử loài người. Khi học tập cần tuân thủ qui luật nhận thức, phương pháp luận khoa học Lịch Sử.
– Phải bảo đảm tính Đảng trong khoa học Lịch Sử. Lịch Sử là một khoa học khách quan nhưng trong nhận thức lại mang nhiều yếu tố chủ quan tuỳ thuộc người học. Đối với chúng ta, tính Đảng và tính khoa học là đồng nhất. Cần phải trên cơ sở nắm vững đường lối của Đảng thì nhận thức Lịch Sử mới đúng đắn được.
* Thứ hai, phải nắm chắc nội dung cơ bản chương trình môn học lịch sử lớp 12.
Bộ Giáo dục và đào tạo đã có sách hướng đẫn ôn thi tốt nghiệp môn Lịch Sử.Đó là kiến thức cơ bản. Chúng ta không học tủ nhưng cần phải có trọng tâm ôn tập. Có thể gợi ý một số nội dung cần tập trung sau đây:
Lịch Sử thế giới :
Chuơng I : “Sự hình thành trật tự thế giới mới” cần nắm các nội dung:
– Hội nghị Ianta.
– Tổ chức liên hợp quốc.
Chương II :”Liên Xô, Đông Âu, Liên bang Nga”, cần nắm :
– Những thành tựu của Liên Xô từ 1945- đầu những năm 70.
-Liên bang Nga 1991-2000.
Chương III :”Các nước Á,Phi và Mĩlatinh “ cần tập trung vào :
– Trung Quốc(1946-1959, 1978- 2000)
– Lào, Cămpuchia
– Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
– Ấn Độ 1945- 1950.
– Các nước châu Phi và Milatinh( cuộc đấu tranh giành độc lập)
Chương IV: “Các nước TBCN”, cần chú trọng:
– Nước Mĩ ( chính sách đối ngoại1945-1973).
– Nhật Bản( 1945-1973).
– Liên minh châu Âu.
Chương V: Quan hệ quốc tế sau chiến tranh cần chú trọng:
– Chiến tranh lạnhvà những biểu hiện của nó.
– Xu thế hoà hoãn ,chấm dứt chiến tranh lạnh.
– Thế giới sau chiến tranh lạnh.
Chương VI : “Cách mạng khoa học và xu thế toàn cầu hoá”, cần nắm được:
– Thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ và tác động của nó.
– Những biểu hiện của toàn cầu hoá và tác động của nó.
Lịch Sử Việt Nam :
Chương I: Thời kì 1919-1930 cần chú trọng:
– Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc.
– Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
– Sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Chương II: Thời kì 1930-1945 cần chú trọng :
– Phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh.
– Phong trào dân chủ 1936-1939.
– Phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945 (Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương VIII, Cao trào kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa tháng Tám, sự thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám)
Chương III: Thời kì 1945-1954 cần nắm được:
– Sách lược đối phó với quân Tưởng, quân Pháp năm đầu tiên sau cách mạng tháng Tám.
– Nguyên nhân và đường lối kháng chiến toàn quốc,
– Chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ.
– Đại hội Đảng lần thứ II.
– Hiệp định Giơnevơ.
– Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chương IV: Thời kì 1954-1975 cần nắm được:
– Phong trào đồng khởi ở miền Nam 1959-1960.
– Âm mưu thủ đoạn của “chiến tranh đặc biệt” và thắng lợi của quân dân miền Nam 1961-1965.
– Âm mưu thủ đoạn của “chiến tranh cục bộ” và thắng lợi của quân dân miền Nam 1965-1967, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968.
– Âm mưu thủ đoạn của “Việt Nam hoá chiến tranh” và thắng lợi của quân dân miền Nam1969- 1971, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972.
– Hiệp định Pa ri về Việt Nam
– Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
– Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Chương V: Thời kì 1975- 2000 cần chú ý:
– Việc hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.
– Hoàn cảnh, nội dung đường lối đổi mới, thành tựu, hạn chế của các kế hoạch 5 năm 1986-1990,1991-1995, 1996-2000.
Thứ ba là phương pháp ôn tập. Học phải có phương pháp. Mỗi người có phương pháp học tập riêng nhưng theo tôi cần học khái quát trước, sau đó mới đi vào chi tiết từng bài. Học phải đọc to, diễn cảm, kết hợp ghi chép, học lúc yên tĩnh (về khuya hoặc sáng sớm). Phải thường xuyên ôn tập vì nếu không kiến thức sẽ quên ngay.
Thứ tư là phương pháp làm bài. Bài làm môn Lịch Sử phải bảo đảm cả về lượng và chất. Lượng ở đây là số trang tối thiểu phải có. Thông thường bài Sử trong 60 phút phải cố gắng viết được 4 đến 6 trang. Chất ở đây là kiến thức phải chính xác, đầy đủ theo yêu cầu của đề bài. Hình thức trình bày phải sạch sẽ, không tẩy xoá, không để các khoảng trắng. Câu văn phải trong sáng dể hiểu, ít sai lỗi chính tả. Bài Sử cũng như bài văn, hết sức hạn chế gạch đầu dòng, trừ một số ngoại lệ như nội dung Hiệp định, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm.
Tóm lại để đạt điểm thi tốt nghiệp môn Lịch Sử cao phải chăm học, học và làm bài phải có phương pháp, trên hết phải yêu thích môn Lịch Sử, bởi vì làm bất cứ việc gì cũng phải có tình cảm. Không yêu thích Lịch Sử thì không thể học tốt môn Lịch Sử được.
Tiến sĩ Đỗ Văn Toán
( Giảng viên khoa Lịch sử ĐHSP Hà Nội, GV Lịch sử trường THPT chuyên ĐHSP)