Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương ( lớp 9 )

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

    Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã diễn tả tình yêu quê hương của mình bằng những vần thơ thật giản dị. Quả thật ai cũng có một quê hương nơi đón nhận tiếng khóc chào đời. Viết về quê hương, mỗi nhà thơ có một cách thể hiện khác nhau. Nếu như với Đỗ Trung Quân là “chiếc cầu tre nhỏ”, với Tế Hanh là “mùi nồng mặn quá” thì nhà thơ Y Phương lại biểu lộ tình yêu và niềm tự hào về quê hương qua lời tâm sự của người cha với con. Bài thơ “Nói với con” được in trong tập “thơ Việt Nam năm 1945-1985”, là tiếng lòng của một tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, trong sáng của người cha dành cho con. Qua đó thể hiện tình yêu quê hương thắm thiết và diễn tả niềm tự hào về cội nguồn dân tộc.

    Có thể nói tình cảm của người cha dành cho con luôn là thứ tình cảm thiêng liêng vô bờ bến, không từ ngữ nào diễn tả hết. Chính vì lẽ đó mà nhiều nhà thơ đã dùng hình ảnh người cha tảo tần, làm việc vất vả để đưa vào thơ ca nhằm miêu tả hình ảnh một cách chân thật để nâng cao ý thức và vai trò quan trọng của người cha đối với con trẻ. Y Phương cũng thế, người cha của ông không chỉ là người cha tần tảo sớm hôm, người cha chứa đầy tình yêu thương cho con cái mà người cha này còn là một nơi chở che, đùm bọc bảo vệ con mình và niềm mong ước con kế tục, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, hình ảnh người cha đại diện cho những người cha miền núi.

    Bài thơ mượn lời người cha nói với con, để gợi về cội nguồn của mỗi con người, ca ngợi đức tình cao đẹp của người đồng mình và niềm tự hào trước sức sống mạnh mẽ của quê hương, cùng với tình cảm gia đình thiêng liêng.

    Bốn câu thơ đầu là tình yêu thương của cha mẹ đối với con:

Chân phải bước tới cha 
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười

    Một không gian đầm ấm của một gia đình hòa thuận, hạnh phúc gần như được bộc lộ hết chỉ qua bốn câu thơ. Gia đình chính là chiếc nôi, là điểm xuất phát mà cha mẹ đã tạo dựng cho con cái. Người con lớn lên trong sự yêu thương, nâng đỡ của cha mẹ, lớn lên trưởng thành bởi sự chở che của cha mẹ, trong không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt. Người cha không chỉ gợi cho con về gia đình mà còn về cội nguồn, nơi nuôi dưỡng dạy bảo con khôn lớn nên người, cho con thấy được cuộc sống của những người đồng mình rất cần cù và vui tươi.

    Những câu thơ tiếp theo, người cha muốn nói với con rằng con đã lớn khôn, trưởng thành trong thiên nhiên mơ mộng, trong cuộc sống lao động nghĩa tình của quê hương. Ở đây nhà thơ còn cho ta biết người đồng mình đáng yêu như thế nào. Qua câu thơ:

Người đồng mình yêu lắm con ơi 
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát

    Họ đáng yêu bởi sự giản dị và tài hoa. Giọng thơ vang lên đầy thiết tha và tự hào. Người đồng mình là người vùng mình, người quê mình. Y Phương có cách gọi rất độc đáo, rất gần gũi và thân thương về những con người quê hương. Với hình thức câu cảm thán, người đọc cảm nhận lời tâm tình được cất lên từ đáy lòng thương mến của người cha về người đồng mình. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo họ đã “đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát”, cuộc sống như hoa nở dưới đôi bàn tay cần cù sáng tạo của họ.

Rừng cho hoa 
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

    Rừng tại sao lại cho hoa, con đường gì lại cho những tấm lòng ? Đó chính là những cảm nhận của nhà thơ về thiên nhiên với con đường, rừng cây, và những người đồng mình đã nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống. Chỉ với những câu thơ ngắn gọn nhà thơ đã giúp ta hình dung được vẻ đẹp của người đồng mình gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, họ tự tạo ra cho bản thân những niềm vui đơn giản, tinh tế ngay từ những điều nhỏ trong cuộc sống mộc mạc, đời thường. Bước sang đoạn thứ hai với câu thơ:

Người đồng mình thương lắm con ơi!
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn

    Có thể thấy người đồng mình rất chân thực, họ là những con người giản dị, tài hoa, những con người biết lo toan và giàu mơ ước. Với câu nói “Người đồng mình thương lắm con ơi!” Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành với gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua. Bằng tư duy độc đáo của con người miền núi Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người. Sắp xếp tính từ “cao, xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ giúp ta thấy được rằng khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ.

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn 
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

    Dù sống trong nghèo khổ, nhưng người đồng mình vẫn luôn thủy chung với quê hương, cội nguồn. Phép liệt kê với hình ảnh ẩn dụ: “đá gập ghềnh, thung nghèo đói” đã gợi về một cuộc sống đói khổ, khó khăn cực nhọc vô cùng. Bao nhiêu vất vả, lam lũ của con người ở đấy được Y Phương nói lên qua thành ngữ “Lên thác xuống ghềnh”. Ở đây còn sử dụng biện pháp tu từ điệp từ “sống”, và phép so sánh “sống như sông như suối” gợi lên vẻ đẹp ý chí và tâm hồn của người đồng mình.

    Gian khổ là thế nhưng họ vẫn trần đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đãng như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Cuối khổ thơ thứ hai là những lời thơ mộc mạc, giản dị:

Người đồng mình thô sơ da thịt 
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục

    Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói khá cụ thể về con người mộc mạc, và cụm từ “chẳng nhỏ bé” chính là khẳng định sự lớn lao của ý chí, của nghị lực và niềm tin. Hòa cùng hai cụm từ trên là hình ảnh “người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Người đồng mình đã tự tay xây dựng nên truyền thống quê hương giàu đẹp, sánh bằng với các miền quê khác trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Con ơi tuy thô sơ da thịt 
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

    Khéo lại bài thơ là đoạn thơ với lời căn dặn của người cha với con: người đồng mình tuy vất vả, nghòe khổ và mộc mạc nhưng ý chí, niềm tin tâm hồn và mong ước xây dựng quê hương của họ thì vô cùng lớn lao chứ không hề nhỏ bé, tầm thường. Từ đó người cha muốn con tự hào về “người đồng mình” và sự tự tin bước trên đoạn đường đời.

    Lời thơ giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc lạ thường trong tâm trí độc giả. Những điều người cha nói với con trong bài thơ phải chăng cũng chính là lời căn dặn đầy yêu thương mà biết bao người cha muốn con mình thấu hiểu ? Mỗi khi đọc bài thơ là ta lại cuối đầu thành kính trở về với cội nguồn, với những gì thân thương nhất.