Phân tích bài thơ Cảnh Ngày Hè của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là một nhà lớn của nền Văn học Việt Nam, là doanh nhân Văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị lớn thể hiện lòng yêu nước, thương dân, yêu thiên nhiên sâu sắc, chẳng hạn như tác phẩm “Bình Ngô đại cáo“ của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc hay tác phẩm “Cảnh ngày hè” đã vẽ ra một bức tranh độc đáo của thiên nhiên và cuộc sống con người. Bài thơ “ Cảnh ngày hè ” thuộc phần Báo kính cảnh giới, bài thơ số 43 trích trong tập thơ Quốc âm thi tập, với cách sử dụng ngôn ngữ bình dị, tự nhiên Nguyễn Trãi đã miêu tả được khung cảnh ngày hè tươi đẹp, sinh động, tràn đầy sức sống qua đó bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước của ông.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh nhàn rỗi hóng mát của Nguyễn Trãi với phong thái ung dung, tự tại, thoải mái khi ở ẩn, qua câu thơ:
Rồi hóng mát thuở ngày trường
Trở về với cuộc sống đơn sơ, mộc mạc mà chan hòa gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống con người, tác giả ngồi hóng mát một cách nhàn nhã dưới bóng cây nhưng đâu đó trong tâm tư ông vẫn toát lên những nỗi niềm tâm sự lo cho dân cho nước. Lúc này đây khi ông đã trở về quê ở ẩn, ông cảm thấy rằng cuộc sống trôi qua thật chậm rãi thể hiện qua từ “ngày trường”, ông cùng thiên nhiên trải nghiệm cuộc sống an nhàn, bình yên gần gũi với non sông, cảnh vật nhưng trong ông vẫn mang nỗi lo lắng, những niềm tâm sự thầm kín, ông lo cho đất nước, lo cho người dân.
Ở những câu thơ tiếp theo là bức tranh phong cảnh ngày hè được tác giả miêu tả thật tươi đẹp, rực rỡ, tràn đầy sắc màu và sức sống với những màu sắc đặc trưng ngày hè:
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Các màu sắc được tác giả cảm nhận qua thị giác và miêu tả một cách hài hòa. Màu xanh của cây hòe tán cây tỏa rộng che mát một khoảng trời với tàn lá xanh tươi, tán lá của cây hòe tạo ra một vùng trời êm ả nơi tác giả hóng mát. Màu đỏ của cây lựu nơi hiên nhà đua nhau ra hoa kết trái. Màu hồng của của hoa sen càng điểm tô sắc thắm cho cảnh vật. Bên cạnh đó Nguyễn Trải còn cảm nhận cảnh vật gần gữi hơn bằng khướu giác, ông đã ngửi thấy mùi hương tỏa ngát của hoa sen.
Các động từ “đùn đùn, phun, tiễn” đã thể hiện một sức sống mạnh mẽ của cảnh vật tạo thêm sức sinh động. Các đường nét màu sắc, hương thơm, hoạt động của cảnh vật hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên ngày hè tràn đầy sức sống, kết hợp hoàn hảo với màu sắc đặc trưng của ngày hè.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Nhà thơ còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác làm cho phong cảnh thêm sinh động với những âm thanh đặc trưng. Âm thanh lao xao nơi chợ cá tượng trưng cho sự thịnh trị, bình yên, dân giàu ấm no kết hợp âm thanh inh ỏi, náo nhiệt của tiếng ve càng tôn lên khung trời tràn đầy sức sống của ngày hè. Nghệ thuật đặc sắc từ láy “lao xao, dắng dỏi” cùng với nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh âm thanh của cuộc sống con người. Tiếng sinh hoạt của người dân chợ cá và tiếng ve du dương ngày hè tựa tiếng hát của cuộc sống gợi liên tưởng đến cuộc sống thanh bình, yên vui hạnh phúc. Mặc dù khung cảnh mà tác giả đang miêu tả là cuối ngày hè, khi mặt trời sắp lặn nhưng mọi vật vẫn náo nhiệt, trần đầy sức sống, tất cả như muốn phun trào ra giống như nhiệt huyết của nhà thơ muốn được lan tỏa khắp nơi để cống hiến cho dân cho nước. Phải là một người có tấm lòng ưu ái với dân với nước như Nguyễn Trải mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp ấy. Qua vài dòng thơ ta đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, lòng yêu thiên nhiên, quê hương, nhân dân, đất nước của nhà thơ.
Có yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước mới miêu tả được bức tranh cảnh ngày hè sinh động, tươi đẹp như vậy, ông là một nhà thơ với niềm lạc quan, yêu đời yêu cuộc sống và trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên này Nguyễn Trãi đã đặt ra một mơ ước, khát khao, được thể hiện qua hai câu thơ cuối:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
Tác giả mong muốn nhân dân được no đủ, giàu có, yên bình ở mọi miền đất nước, ước rằng mình có được cây đàn của vua Nghiêu, vua Thuấn để gãy khúc Nam Phong đem đến cuộc sống yên tĩnh, ấm no, giàu có cho nhân dân, cho đất nước. Câu thơ lục ngôn trên chính là những nỗi niềm dồn nén đầy cảm xúc của tác giả, một mong ước cao cả cho dân cho nước làm rạng lên vẻ đẹp tâm hồn của tác giả.
Bài thơ có sự kết hợp câu lục ngôn với thất ngôn đó là sự sáng tạo của Nguyễn Trải trong việc vận dụng thơ Đường luật. Đây là một bài thơ mang ý nghĩa lớn lao với cách sử dụng ngôn ngữ bình dị, mộc mạc và sáng tạo trong việc vận dụng thơ. Bài thơ không những vẽ ra khung cảnh ngày hè đầy màu sắc, với những đường nét tinh tế được hòa quyện vào nhau một cách hài hòa mà còn nêu lên được khát khao, mong ước của một vị anh hùng dân tộc vì dân vì nước dù đã ở ẩn nhưng vẫn không ngừng lo toan. “Cảnh ngày hè” nêu lên được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trải, ông yêu thiên nhiên, yêu dân, yêu quê hương đất nước sâu sắc.