ĐỊA LÍ 10- PHẦN MỘT: ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN – CHƯƠNG I: BẢN ĐỒ
BÀI 3: SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TRONG HỌC TẬP, ĐỜI SỐNG
I- Vai trò của bản đồ trong học tập và đời sống
1- Trong học tập:
Là phương tiện để học tập, rèn luyện các kỹ năng địa lý tại lớp, ở nhà và trong kiểm tra.
2- Trong đời sống:
– Bảng chỉ đường.
– Phục vụ cho các ngành sản xuất.
– Phục vụ cho quân sự.
II- Sử dụng bản đồ, atlat trong học tập
1- Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình học tập địa lý trên cơ sở bản đồ.
a/ Chọn bản đồ phải phù hợp với nội dung cần tìm hiểu.
b/ Đọc bản đồ phải tìm hiểu tỷ lệ, ký hiệu của bản đồ.
– Đọc kỹ bảng chú giải.
c/ Xác định được phương hướng trên bản đồ.
2/ Hiểu được mối quan hệ giữa các yếu tố địa lý trong bản đồ, atlat.
– Đọc bản đồ không phải chỉ đọc từng dấu hiệu riêng lẻ của bản đồ mà cần phải đọc được mối quan hệ giữa các dấu hiệu (đối tượng địa lí) ở bản đồ. Có như vậy mới hiểu được đặc điểm, bản chất của đối tượng địa lí.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI SGK
Giải bài tập 1 trang 16 SGK địa lý 10: Hãy cho biết tác dụng của bản đồ trong học tập. Nêu dẫn chứng minh họa.
Trả lời
– Trong học tập, bản đồ là phương tiện để học sinh họ.c tập và rèn luyện kĩ năng địa lí và trả lời phần lớn các câu hỏi kiểm tra về địa lí.
Ví dụ:
+ Qua bản đồ xác định được vị trí của một điểm, thuộc đới khí hậu nào, chịu ảnh hưởng của biển ra sao…
+ Nhận biết được hình dạng và qui mô các châu lục, đo đạc chiều dài sông, biết được sự phân bố các dãy núi và độ cao cùa chúng, thấy được sự phân bố dân cư, các trung tâm công nghiệp…
Giải bài tập 2 trang 16 SGK địa lý 10: Chứng minh rằng bản đồ là một phương tiện được sử dụng rộng rài trong đời sống hằng ngày.
Trả lời
Bản đồ là phương tiện được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày:
– Trong dự báo thời tiết: xác định vị trí và hướng di chuyển của một cơn bão… cần tới bản đồ.
– Trong hành trình: Sử dụng bản đồ để tìm đường đi, xác định phương hướng…
– Ngành sản xuất nào cũng cần tới bản đồ: việc làm thủy lợi, nghiên cứu thời tiết và khí hậu, canh tác đúng thời vụ, xây dựng các trung tâm công nghiệp, mở các tuyến đường giao thông, qui hoạch các tuyến điểm du lịch… đều cần tới bàn đồ.
– Trong quân sự lại càng cần tới bản đồ để xây dựng phương án tác chiến, lợi dụng địa hình địa vật trong phòng thủ và tấn công…
Giải bài tập 3 trang 16 SGK địa lý 10: Để trình bày và giải thích chế độ nước của một con sông, cần phải sử dụng những bản đồ nào?
Trả lời
Các đối tượng địa lí có mối quan hệ tác động qua lại rất chặt chẽ, vì vậy để trình bày và giải thích chế độ nước của một con sông ngoài bản đồ thủy văn còn cần các loại bản đồ như: khí hậu, địa hình, sinh vật – thổ nhưỡng.
Giải bài tập 4 SGK địa lý 10 nâng cao: Các ảnh viễn thám được sử dụng ở nước ta như thế nào?
Trả lời
Ở nước ta các ảnh viễn thám được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau như: quản lí đất đai, quản lí môi trường, quản lí rừng…
Giải bài tập 5 SGK địa lý 10 nâng cao: Thành quả của hệ thống thông tin địa lí (GIS) đã được ứng dụng trong sản xuất và đời sống như thế nào?
” Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – gọi tắt là GIS) được hình thành vào những năm 1960 và phát triển rất rộng rãi trong 10 năm lại đây. GIS ngày nay là công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới.”
Trả lời
Thành quả của GIS được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống:
– Các nhà khoa học về môi trường dùng GIS để theo dõi và quản lí trạng thái môi trường.
– Các nhà qui hoạch dùng GIS để đưa ra phương án quy hoạch hợp lí, điều chỉnh phương án quy hoạch nhanh chóng.
– Các nhà kinh doanh dùng GIS để quản lí khách hàng, quản lí hệ thống sản xuất, dịch vụ của mình.
– Trong giáo dục GIS được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu và học tập, nhất là trong lĩnh vực địa lí.