Bài 12: Một số ngành Công nghiệp trọng điểm

Ôn thi TN – Địa lí VN- Chủ đề 3: Địa Lí Kinh Tế

BÀI 12: PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM

1- Thế nào là ngành công nghiệp trọng điểm? Kể tên các ngành CN trọng điểm ở nước ta hiện nay.

– Khái niệm: Công nghiệp trọng điểm là các ngành có thế mạnh lâu dài, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển  của các ngành  kinh tế khác.

– Các ngành CN trọng điểm ở nước ta.

+ CN năng lượng

+ CN dệt may

+ CN hoá chất, phân bón, cao su

+ CN vật liệu xây dựng CN cơ khí, điện tử…

công nghiệp dầu khí

Minh hóa: Công nghiệp khai thác dầu khí

2- Tình hình phát triển và phân bố của ngành khai thác nguyên, nhiên liệu.

a. Công nghiệp khai thác than

–  90% trữ lượng than của cả nước tập trung ở Quảng Ninh và có chất lượng tốt nhất Đông Nam Á

Than nâu phân bố chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, có trữ lượng hàng chục tỉ tấn.

Than bùn có ở nhiều nơi, song tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

– Tình hình khai thác: trong những năm gần đây sản lượng khai thác than liên tục tăng, năm 2008 đạt 39,8 triệu tấn

b. Công nghiệp khai thác dầu khí

– Phân bố tập trung ở bể trầm tích ngoài thềm lục địa với trữ lượng khoảng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Hai bể trầm tích có triển vọng nhất về trữ lượng là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn.

– Tình hình khai thác:

+ Năm 1986 bắt đầu khai thác.

+ Sản lượng dầu thô khai thác liên tục tăng, đến năm 2005 khai thác được 18,5 triệu tấn.

+ Ngành công nghiệp lọc –  hóa dầu vừa mới ra đời với nhà máy lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn/ năm

+ Khí tự nhiên  cũng đang được khai thác, đặc biệt là dự án Nam Côn Sơn đưa khí từ mỏ Lan Đỏ, Lan Tây về cho các tuốc bin khí của nhà máy điện Phú Mỹ và dự án điện ở  Cà Mau. Ngoài ra, khí còn là nguyên liệu để sản xuất phân đạm( Phú Mỹ-Cà Mau)

3- Tại sao công nghiệp năng lượng lại là CN trọng điểm của nước ta?

Vì:

– Có thế mạnh lâu dài.

+ Cơ sở nguồn nhiên liệu phong phú và vững chắc.

  Than: Trữ lượng dự báo khoảng 7 tỷ tấn, có giá trị nhất là hơn 3 tỉ tấn than Antraxit phân bố ở Quảng Ninh. Ngoài ra còn có than nâu, bùn, mỡ…

  Dầu khí: Trữ lượng dự báo khoảng 10 tỉ tấn dầu và khoảng 300 tỉ m3 khí.

  Thuỷ năng: nguồn thuỷ năng lớn  khoảng 30 triệu kw, tập trung nhiều nhất ở hệ thống Sông Hồng, hệ thống Sông Đồng Nai…

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn: Phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế, phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

– Mang lại hiệu quả kinh tế cao: Đẩy mạnh tốc độ phát triển các ngành kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, dầu thô năm 2005 xuất khẩu đạt 7.4 tỷ USD, nâng cao đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

– Tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế về nhiều mặt quy mô, kỹ thuật, công nghệ, chất lượng sản phẩm.

4- Vì sao CN chế biến lương thực, thực phẩm là ngành CN trọng điểm của nước ta hiện nay:

Vì:

– Có thế mạnh lâu dài.

+ Có nguồn nguyên liệu phong phú, nguyên liệu từ ngành trồng trọt (cây lương thực, Cây CN, rau quả) nguyên liệu từ ngành chăn nuôi, nguyên liệu thuỷ sản

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn, trong nước và quốc tế.

+ Cơ sở vật chất kỹ thuật khá phát triển với các xí nghiệp chế biến, các nhà máy..

– Đem lại hiệu quả cao:

+ Về kinh tế.

CN chế biến lương thực, thực phẩm có nhiều ưu thế, vốn đầu tư ít, thời gian XD nhanh, sử dụng nhiều lao động, hiệu quả kinh tế cao thu hồi vốn nhanh.

Hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu các ngành CN của cả nước.

Đóng góp nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Năm 2005 xuất khẩu 5.2 triệu tấn gạo  đạt 1.4 tỷ USD, 885 nghìn tấn cà phê đạt 725 triệu USD và 2.8 tỷ USD hàng thuỷ sản.

+ Về mặt xã hội: góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện CNH nông thôn.

– Có  tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác.

+ Thúc đẩy sự hình thành các vùng chuyên canh cây CN, gia súc lớn.

+ Đẩy mạnh sự phát triển các ngành CN sản xuất hàng tiêu dùng.

5- Phân tích cơ cấu ngành CN chế biến lương thực, thực phẩm (cơ cấu nguyên liệu, tình hình sản xuất, phân bố).

a- Cơ sở nguyên liệu:

– CN chế biến sản phẩm trồng trọt: Nguyên liệu là từ ngành trồng cây lương thực, cây CN và cả nguồn nguyên liệu ngoại nhập.

– CN chế biến sản phẩm chăn nuôi: Nguyên liệu từ ngành chăn nuôi như thịt, sữa, da, bông, trứng

– Chế biến thuỷ hải sản: Nguyên liệu từ đánh bắt và nuôi thuỷ sản: cá, tôm, cua, mực

b- Tình hình sản xuất:

Chế biến sản phẩm trồng trọt đứng đầu cả về sản lượng và giá trị, tiếp đến là chế biến thuỷ, hải sản, CN chế biến sản phẩm từ chăn nuôi còn chưa phát triển mạnh…

c- Về phân bố:

– Chế biến sản phẩm trồng trọt phân bố rộng khắp cả nước, gắn liền với nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, ngoài  ra còn phân bố ở các đô thị, các thành phố lớn.

– Chế biến sản phẩm chăn nuôi phân bố ở những vùng chăn nuôi quy  mô lớn như Ba Vì, Mộc Châu, Đức Trọng, ngoại thành các thành phố lớn.

– Chế biến thuỷ sản phân bố dọc ven biển, tập trung nhất là DHMT, ĐBSCL.