Ý nghĩa hình ảnh cái bao
Trước hết nói về nhân vật Bê li-cốp.
Tác giả nhấn mạnh đến tính chất hèn nhát, sợ sệt nhỡ điều gì đó xảy ra đến mức rút sâu vào trong bao của Bê-li-cốp. Từ đồ đạc y cho vào bao ( cái ô, chiếc đồng hồ quả quýt, con dao nhỏ), đến con người y cũng rụt vào bao (đeo kính che mắt, mặc áo cốt bông, bẻ đứng cổ áo lên, đi giày cao su, cầm ô, tai nhét bông, ngồi xe ngựa cho kéo mui); về nhà thì nằm trong buồng chật như cái hộp, kéo chăn trùm đầu kín mít. Ý nghĩ của y, y cũng giấu kín vào bao. Y chỉ tin những chỉ thị, thông tư, những bài báo cấm đoán điều này điều nọ mới là cái rõ ràng…Bê-li-cốp chui vào bao để tự bảo vệ, để tránh xảy ra chuyện gì. Lúc nào y cũng lo lắng “nhỡ xảy ra chuyện gì”. Đi ngủ rồi, nằm trong chăn rồi mà y còn chưa yên tâm, vẫn còn “thấy rờn rợn”. Sau đó suốt đêm Bê -li-cốp nằm mơ toàn những chuyện khủng khiếp.
Cả cái chuyện lấy vợ, hắn cũng lần lữa, đắn đo, suy tính, vì cứ sợ thế này thế nọ: “Không, lấy vợ là bước quan trọng, thoạt tiên cần phải cân nhắc những nhiệm vụ trước mắt, trách nhiệm…để khỏi xảy ra chuyện không may. Vấn đề này làm cho tôi không yên lòng, mấy lâu nay đêm nào tôi cũng không ngủ, và phải thú thật tôi lấy làm lo...” ( Lời Bê-li-cốp nói với Bu-rơ-kin trong đoạn lược trích). Bu-rơ-kin nhận xét “Dự định lấy vợ ảnh hưởng xấu đến hắn, hắn gầy guộc, xanh xao và hình như càng tụt sâu vào cái vỏ ốc của hắn”. Vì tính nhút nhát, hay sợ sệt mà dự định lấy vợ cứ lần lữa bị hoãn, mặc dù tất cả mọi người đều vun vào, dù Va-ren-ca cũng đã chấp thuận. Rồi vì nghe thấy tiếng cười Ha ha ha của Va-ren-ca khi y bị ngã, y vô cùng lo sợ chuyện đến tai ngài hiệu trưởng, ngài thanh tra, sợ bị chế giễu bằng tranh châm biếm, sợ bị ép về hưu…Vì quá sợ hãi mà Bê-li-cốp tự kết liễu đời mình, vĩnh viễn chui vào chiếc quan tài như cái bao vững chắc, coi như đã đạt được mục đích cuộc đời…
Bê-li-cốp còn là một kẻ bảo thủ và lên mặt dạy đời. Y không chịu nổi việc Cô-va-len-cô mặc áo thêu ra đường, đi ra phố tay cầm sách này sách nọ, và nhất là đi xe đạp. Y cho rằng cái việc đi xe đạp ấy “hoàn toàn không hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên”. Y lí sự thật kì quặc : “Nếu thầy giáo đi xe đạp thì học sinh sẽ làm gì? Lũ trẻ chỉ còn thiếu nước là đi đầu xuống đất mà thôi”. Thấy Va-ren-ca đi xe đạp, hắn sợ phát kinh lên, mắt hoa lên “đứng lặng như bị chôn chân”. Sau đó “Thảng thốt đến nỗi không muốn đi chơi nữa và hắn bỏ về”. Rồi hôm sau hắn bực dọc suốt ngày, cảm thấy bất an; hắn bỏ cả cơm trưa, bỏ cả công việc đến nhà Cô-va-len-cô để dạy dỗ trong cuộc đối thoại mà chúng ta đã biết.
Nhưng nếu Bê-li-cốp chỉ có thế, thì người ta có thể coi thường, khinh bỉ hoặc chế giễu hắn mà thôi. Hắn chỉ là một tên nhát gan, một giáo viên gàn dở, kì cục, đáng làm trò cười như ai đó đã vẽ tranh châm biếm “Một người tình si”, nhưng hắn sẽ hoàn toàn vô hại. Vậy cớ gì mà “Bọn giáo viên chúng tôi đều sợ hắn. Thậm chí cả hiệu trưởng cũng sợ hắn”; “Mà đâu phải chỉ có trường học! Cả thành phố nữa ấy!”. Đây chính là một khía cạnh khác của con người Bê-li-cốp mà hình ảnh cái bao và sự hèn nhát đôi khi lấn át. Chúng ta hãy xem cái cách mà Bê-li-cốp gọi là “duy trì những mối quan hệ tốt với bạn đồng nghiệp”. Hắn đi khắp các nhà giáo viên ở. Hắn tự kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng. Và điều quan trọng là “mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm vật gì”. Hắn không nói gì nhưng lại sẵn sàng đưa chuyện “đến tai ông hiệu trưởng, đến tai ông thanh tra”, “báo cáo với ngài hiệu trưởng” như đã nói với Cô-va-len- cô. Chính Cô-va-len-cô đã nói thẳng vào mặt Bê-li-cốp những lời thô bạo : “Ta là người trung thực và với những người như “quý ngài”, ta không muốn nói chuyện. Ta không ưa những tên MÁCH LẺO”. Cần phải dẫn lại ở đây câu nói của Cô-va-len-cô (ở đoạn Bê-li-cốp thích Va-ren- ca bị lược bỏ): “Thật tôi không hiểu- anh ta vừa nói với chúng tôi vừa nhún vai- không hiểu sao các ngài lại chịu đựng được tên MÁCH LẺO, cái miệng ô nhục ấy. Này, các ngài, tại sao các ngài lại có thể sống như thế được trong bầu không khí nghẹt thở, bẩn thỉu”. Cô-va-len-cô còn đặt tên cho Bê-li-cốp là “Con nhện”. Phải chăng con nhện luôn giăng những sợi tơ, kết thành mạng để tự bảo vệ mình, đồng thời đánh bẫy những kẻ khác? Chỉ biết chắc một điều, Bê-li-côp có tính xoi mói và mách lẻo. Tất cả những gì mà hắn thấy không hợp với những “chỉ thị, thông tư, những bài báo cấm đoán điều này điều nọ” hắn đều thấy có nghĩa vụ báo cáo với cấp trên và chính quyền. Chính vì thế mà nhà trường bị Bê-li-cốp khống chế suốt mười lăm năm trời. Và cả thành phố cũng bị “những kẻ như Bê-li-cốp” khống chế.
Bê-li-cốp và những kẻ như Bê-li-cốp đã kìm hãm sự tiến bộ, kìm hãm những cái gì gọi là tốt đẹp. Người ta sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ…
Hắn lo sợ, nhưng hắn cũng muốn cả thành phố phải sợ những chỉ thị, thông tư, những điều cấm kị. Hắn cứng nhắc và gàn dở cho rằng “Nếu không có chỉ thị nào cho phép thì ta không được làm”. Nhà văn Nguyễn Tuân đã có những nhận xét sắc sảo về nhân vật Bê-li-côp: “Bê-li-cốp, người mang áo bao, là một kẻ giả nhân giả nghĩa, một anh đạo đức giả đã nghĩ một cách kì cục là định đem ấn cả cuộc sống phong phú muôn ngàn người vào một cái áo bao. Bệnh chủ quan, bệnh sợ thực tế sinh động, bệnh sợ cái mới, sợ cái tiến triển đã làm cho Bê-li-cốp dệt ra một cái áo bao. Rồi tình cảm, tính tình và cả cuộc đời Bê-li-cốp, Bê-li-cốp đều cho vào áo bao. Từ ngày lắp mình vào áo bao, để áo bao đỡ che cho mình khỏi bị những gió máy cuộc sống bên ngoài thổi tới, Bê-li-cốp càng trông thấy thực tế càng sợ. Y sợ cuộc đời và cuộc đời cũng sợ y” (Tìm hiểu Sê-khốp).
Nhưng giả như chỉ có một tay giáo viên tiếng Hi Lạp như Bê-li-cốp gàn dở và khống chế mọi người thì giỏi lắm, y cũng chỉ khống chế được giáo viên và học sinh trường trung học, nơi hắn dạy mà thôi. Nhưng, như đoạn kết của thiên truyện, sau khi chôn Bê-li-cốp rồi, cuộc sống vẫn nặng nề vì “Trên thực tế, Bê-li-cốp đã chầu âm phủ nhưng hiện còn bao nhiêu là người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa!”.
Chế độ chuyên chế của Sa hoàng đã đẻ ra những quái thai như Bê-li-cốp, và chúng chiếm một số lượng không nhỏ. Cần phải trở lại phần đầu câu chuyện khi I-va-nưt và Bu-rơ-kin nói đến Ma-rơ-va, vợ viên trưởng thôn “một người khoẻ mạnh và không đến nỗi ngu hèn, nhưng suốt đời không đi ra khỏi làng, chưa hề trông thấy thành phố hoặc đường xe lửa; mười năm trở lại đây luôn luôn ngồi bên lò sưởi, chỉ đêm đến mới đi ra đường”. Bu-rơ-kin nói : “Cái đó có gì lạ, số người tính cô độc, ru rú như gián ngày hoặc cố khoanh tròn trong vỏ như con ốc, thế gian này hiếm gì […] loại người như Ma-rơ-va không phải hiếm gì”. Và anh ta kể chuyện Bê-li-cốp, là loại người như Ma-rơ-va. Đáng chú ý là trong kết thúc câu chuyện, trước khi I-va-nưt tuyên bố : “Không thể sống mãi như thế được”, hai người đã nằm ngủ vì khuya rồi thì “bỗng nghe tiếng chân nhè nhẹ: tụp, tụp…có người đi đâu đây gần sân cỏ; đi một đoạn và dừng lại, và sau một phút lại đi […] Đấy Ma-rơ-va đi đấy- Bu-rơ-kin nói. Tiếng chân lại im bặt”. Như thế là câu chuyện được bắt đầu bằng Ma-rơ-va, chuyển sang Bê-li-cốp và kết thúc lại thấy Ma-rơ-va (Loại người như Bê-li-cốp bằng xương bằng thịt) đi ngay bên cạnh hai người. Có thể nói Bê-li-cốp là một loại người vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm ảnh hưởng đến xã hội, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Chính vì thế mà một Bê-li-cốp chết rồi, bị chôn rồi nhưng cuộc sống ‘‘lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị”.
Bây giờ nói về ý nghĩa tượng trưng của hình tượng cái bao.
Trong bản dịch của Nguyễn Hữu Vui, in năm 1957, câu chuyện này được dịch là Người mang vỏ ốc. Khi đó Nguyễn Tuân cho rằng phải dịch là “ Người mang áo bao” thì mới đúng với lời và ý trong truyện. Các dịch giả Phan Hồng Giang, Cao Xuân Hạo dịch là Người trong bao. Xét cho cùng thì hình ảnh cái bao là một hình ảnh tượng trưng (về phương diện này, vỏ ốc cũng là một thứ bao). Như đã nói trên, có những cái bao để đựng đồ vật, hình thù cái bao rất rõ ràng (bao đựng ô, đựng đồng hồ, đựng dao). Bê-li-cốp tạo ra bao, cũng là tự biến mình thành đồ vật. Nhưng vật giống như cái bao, cái vỏ (để bọc) thì không phải là một cái bao cụ thể : giầy cao su, ô, kính râm, áo bông chần, mui xe ngựa, căn phòng hẹp, giường có mắc màn… của Bê-li-cốp. Cả thành phố cũng là một cái bao lớn được làm thành bởi các ngôi nhà (bao nhỡ); bao nhỡ được làm nên bởi những căn phòng – bao nhỏ. Nhưng có những cái bao vô hình, không có hình dáng cái bao để con người chui vào, nhưng nó vẫn là bao. Đúng như I-va-nứt nói : “Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt ( Người viết nhấn mạnh). Chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc- những cái đó không phải là một thứ bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa- đó chẳng phải là một thứ bao sao?”.
Như vậy cái bao là không khí ngột ngạt, là giấy tờ vô dụng, là việc đánh bài đánh bạc, là những chuyện nhảm nhí…Nó trùm lên con người một cách vô hình, nó làm cho người ta trở thành Bê-li-cốp mà không tự biết. Cái bao đó cần phải được triệt phá để con người không phải chịu cuộc sống “như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị”.
Nhân vật Bê-li-cốp của Sê-khốp chắc chắn có chịu ảnh hưởng nhân vật Con Tép anh minh trong truyện ngắn cùng tên của Xan-tư-cốp Sê-đrin. Nhưng con Tép chỉ là một kẻ sợ hãi chui vào hang tối và ru rú trong đó cho đến hết đời, tự coi là một hành động anh minh, sáng suốt. Còn Bê-li-cốp thì tính cách đa dạng hơn như đã phân tích bên trên và nhất là y có thêm cái bao nổi tiếng.
Truyện của Sê-khốp phản ánh cái chế độ Sa hoàng tàn khốc, ngột ngạt như một trại tập trung khổng lồ. Chế độ đó đã đẻ ra những kẻ như Bê-li-cốp và những cái bao quái gở. Không thể sống mãi như thế được. Cần phải thay đổi. Đó là ý nghĩa của hình tượng Bê-li-cốp và hình tượng cái bao độc đáo mà Sê-khốp đã tạo ra.
Nguyễn Tuân đã đúng đắn khi viết rằng : “Sê-khốp là một viện trợ quốc tế lớn cho chúng ta, cho xã hội chúng ta đang đòi tiến mạnh” ( Tìm hiểu Sê-khốp, tài liệu đã dẫn).