ÔN TẬP BÀI: TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
1. Nghệ thuật viết văn chính luận đặc sắc của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
– Kết cấu chặt chẽ: ba phần bổ sung, liên kết vững chắc với nhau để đi đến khẳng định chân lí: nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập.
– Hệ thống luận điểm logic, sắc sảo: mỗi ý lớn là sự hợp thành của nhiều ý nhỏ.
– Lập luận khéo léo, đầy sức thuyết phục( khéo léo từ cơ sở pháp lí đến sự khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam).
– Giọng văn linh hoạt hùng hồn, đanh thép.
– Ngôn ngữ chuẩn mực, chính xác, giàu tình cảm.
– Biện pháp tu từ được sử dụng tinh tế, hợp lí, chân thực, xúc động.
2. Hệ thống lập luận của bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
Căn cứ vào lập luận của tác giả, có thể chia bản tuyên ngôn nghệ thuật ra làm ba phần. Nội dung của mỗi phần có thể tóm tắt như sau:
a) Phần 1( từ đầu đến “đó là những lẽ phải không ai có thể được”)
Đưa ra tiền đề lí thuyết của bản tuyên ngôn làm cơ sở cho các luận điểm, cách lập luận của tác phẩm. Tiền đề này phải là một chân lí lớn và có giá trị phổ biến, không ai có thể bác bỏ được.
b)Phần 2 ( Tiếp theo đến “ Dân tộc đó phải được độc lập”):
– Lên án thực dân Pháp, bác bỏ luận điệu xảo trá của chúng nhằm hợp pháp hóa việc trở lại xâm lược Việt Nam
+ Tội ác đối với nhân dân Việt nam
+ Tội phản bội đồng minh một cách hèn nhát.
– Khẳng định quyền hưởng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, vì:
+ Từ năm 1940, Việt Nam trở thành thuộc địa của Nhật và Việt Minh cùng nhân dân Việt Nam dũng cảm đứng lên đánh phát xít Nhật, giành được chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
+ Quyền độc lập cùa dân tộc Việt Nam phù hợp với nguyên tắc dân chủ, bình đẳng của Đồng minh ở hội nghị Tê- Hê- Răng và Cựu- Kim- Sơn.
c) Phần 3( Đoạn còn lại)
Kết luận nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, quyết chiến đấu, hi sinh đến cùng để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.
3. Vì sao mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập, tác giả trích dẫn bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mĩ và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân quyền của Pháp.
Bản tuyên ngôn mở đầu bằng việc trích dẫn bản TNĐL của Mĩ và bản Tuyên ngôn nhân dân quyền của Pháp vì những lí do sau:
– Bản tuyên ngôn có hàm chứa cuộc đối thoại của người với đế quốc Mĩ và thực dân Pháp. Vì thế việc trích dẫn những danh ngôn của tổ tiên người Mĩ, người Pháp có ý nghĩa chặn đứng một cách khôn khéo sự phản bác của họ đối với bản tuyên ngôn: Họ không thể phủ nhận những danh ngôn của chính tổ tiên họ.
– Đó là những tư tưởng tiến của nhân loại và là những chân lí lớn không ai có thể bác bỏ được. Bản tuyên ngôn lấy những chân lí ấy làm tiên đề để lập luận đã tạo nên tính vững chắc cho những lí lẽ của tác giả.
– Bản tuyên ngôn đánh dấu sự chiến thắng của cách mạng tháng tám 1945 của Việt Nam, rất phù hợp với nhiệm vụ của cuộc cách mạng giành độc lập của Mĩ (1776) và cuộc cách mạng dân chủ của Pháp(1789). Việc đặt ba bản tuyên ngôn trong quan hệ bình đẳng nhau đã tạo nên tư thế chính trị, văn hóa sang trọng cho bản tuyên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước thế giới.
– Từ quyền con người suy ra quyền độc lập dân tộc, đó chính là phát súng lệnh cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa vào đầu thế kỉ XX.
4. Người ta thường coi bài Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi và Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh là hai áng “thiên cổ hùng văn”.Anh (chị) hãy nhận xét những điểm giống nhau và khác nhau của hai tác phẩm trên về nội dung, hình thức thể loại và về ý nghĩa lịch sử.
So sánh bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh với bài Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi.
a) Chỗ giống nhau:
– Về nội dung: lên án tội ác của giặc, khẳng định chiến thắng của ta và tuyên bố độc lập.
– Về đặc trưng thể loại: tính chính luận, thể hiện ở lập luận chặt chẽ, chứng minh chính nghĩa của ta và sự độc ác, hèn nhát của giặc.
– Về giá trị lịch sử: Cả hai đều có thể gọi là những bản tuyên ngôn độc lập, mở ra một kỉ nguyên mới, một thời đại mới cho đất nước.
b) Chỗ khác nhau:
– Đại Cáo Bình Ngô ngoài yếu tố chính luận( dùng lí lẽ, lập luận lô gic) có sáng tạo hình tượng rất cụ thể, sinh động, đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ. Đây là đặc điểm về thể loại của các tác phẩm thời trung đại với tình trạng văn sử triết bất phân( Văn học thuật, văn hành chính và văn hình tượng chưa có sự phân biệt rạch ròi).
– TNĐL là tác phẩm thời hiện đại nên có sự phân biệt rõ ràng về mặt thể loại: Đã là văn chính luận thì hoàn toàn dùng lí lẽ. Tình cảm của tác giả, nếu có, chủ yếu ở chỗ mài sắc giọng văn đanh thép, hùng hồn
5. Vì sao có thể nói Tuyên Ngôn ĐộcLập là một văn bản chính luận nhưng vẫn giàu tính nhân bản?
– Nói qua các giá trị chính trị, lịch sử, pháp lí…
– Nội dung tính nhân bản:
+ Khẳng định quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng của con người và của toàn dân tộc.
+ Lên án tội ác đối với con người về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa..
+ Xót xa trước những đau thương của nhân dân Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp( dân ta chịu hai tầng xiềng xích… dân ta càng cực khổ, nghèo nàn… hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói…)
+ Đề cao những hành vi nhân đạo và khoan hồng của người Việt Nam đối với người Pháp.
+ Lên án những hành vi hèn hạ, lật lọng của thực dân Pháp. Khẳng định hành động dũng cảm đứng lên giành quyền sống cũng như quyết tâm giữ vững quyền độc lập tự do của con người Việt Nam.
6. Tuyên Ngôn Độc Lập không chỉ hấp dẫn bởi nghệ thuật nghị luận mẫu mực mà còn lay động sâu sắc người đọc bởi tình cảm thắm thiết của tác giả. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
Lâu nay, khi phân tích tuyên ngôn độc lập, nhiều người chỉ khai thác phương diện nghệ thuật nghị luận mẫu mực mà coi nhẹ hoặc bỏ qua một phương diện quan trọng khác là nội dung tình cảm, chất văn của văn bản. Chế Lan Viên sớm chú ý tới phương diện thứ hai này trong bài viết “Trời cao xanh ngắt sáng tuyên ngôn”.
* Phương diện thứ nhất: Nghệ thuật nghị luận mẫu mực.
* Phương diện thứ hai: Về sức lay động của những tình cảm thân thiết của bản tuyên ngôn, nên chú ý tới mấy ý chính sau:
– Thái độ căm phẫn của tác giả khi vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta( chúng thi hành …chúng lập ra…chúng thẳng tay…chúng ràng buộc…chúng dùng..chúng cướp…chúng giữ độc quyền…chúng đặt ra…chúng không cho).
– Tình cảm xót thương của tác giả khi nói đến nỗi đau của dân tộc ta.( tắm những cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu…nòi giống ta suy nhược… dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều…)
– Tình cảm thiết tha, mãnh liệt; thái độ cương quyết, đanh thép khi nói đến quyền hưởng tự do,độc lập…của nhân dân Việt Nam cũng như quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc( sự thật là…sự thật là…chúng tôi tin rằng…quyết không thể không công nhận…một dân tộc gan góc…một dân tộc đã gan góc…dân tộc đó phải được tự do!Dân tộc đó phải được độc lập).
– Bài văn toát lên khát vọng, ý chí mãnh liệt của tác giả và cũng là khát vọng muôn đời của dân tộc ta.
– Tất cả những tình cảm trên được bộc lộ qua một giọng văn đặc biệt: khi thì nồng nàn thiết tha, khi thì xót xa thương cảm, khi thì hừng hực căm thù, khi thì hào sảng khích lệ…