Ôn tập: Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

ÔN TẬP BÀI: ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM

1. Anh (chị) hãy trình bày cảm nhận về Đất nước của NKĐ trong đoạn trích Đất nước.

– Đất nước, trước hết được cảm nhận từ những gì gần gũi nhất, thân thiết nhất và cũng bình dị nhất trong đời sống vật chất và tinh thần của con người: Gắn với những câu chuyện cổ tích , với trầu cau, sự lam lũ tảo tần, tình nghĩa thủy chung…

– Đất nước còn được cảm nhận từ phương diện địa lí và lịch sử gắn với huyền thoại về Lạc long Quân và Âu Cơ, về đất tổ Hùng Vương…Tất cả gợi lên thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông của lịch sử và truyền thống dân tộc.

– Đất nước còn được cảm nhận như sự thống nhất giữa các yếu tố lịch sử, địa lí, qua các khía cạnh văn hóa, phong tục, truyền thống( mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa thế hệ này với thế hệ khác).

– Đỉnh cao của cảm xúc trữ tình, cũng là điểm hội tụ tư tưởng cốt lõi là tư tưởng đất nước của nhân dân.

   + Mỗi một địa danh của thiên nhiên trên đất nước này đều gắn với một tâm hồn, một số phận. Số phận gởi trong những danh lam, làm cho những danh lam sống mãi trong tâm thức của chúng ta.

   + Đất nước còn gắn với công lao của những người vô danh bình dị, những người không ai nhớ mặt đặt tên .

Cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm là sự phát hiện mới mẻ, góp phần làm sâu sắc thêm những ý niệm về đất nước của thơ ca thời chống Mĩ.

2. Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ:

Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

Đất nước có từ ngày đó.

Gợi ý:

a. Đất nước gắn liền với một nền văn hóa lâu đời của dân tộc.

– Gắn với những câu chuyện cổ tích, với ca dao…

– Gắn với truyền thống văn hóa, phong tục của người Việt( miếng trầu bà ăn).

b. Đất nước lớn lên trong đau thương và vất vả cùng với những cuộc trường chinh không nghĩ của con người.

– Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm gắn với hình ảnh cây tre- biểu tượng cho sức sống bất diệt của dân tộc.

– Những sự lam lũ, gian nan của cha, của mẹ.

c. Đất nước gắn với những con người sống ân nghĩa, thủy chung.

d. Đoạn thơ đậm đặc chất liệu của văn hóa dân gian. Cùng với những hình ảnh giàu sức gợi cảm, gợi được chiều sâu của không gian, thời gian, của lịch sử và văn hóa với những thăng trầm của dân tộc.

    Giọng điệu thơ tâm tình tha thiết, trầm lắng, trang nghiêm.

3. Cảm nhận của anh( chị) về đoạn thơ:

Đất là nơi anh đến trường.

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.

Gợi ý:

– Đất nước được hình thành qua những gì hết sức giản dị, gần gũi và thân thiết( hình ảnh cụ thể, giàu sức gợi cảm) để khẳng định sự gắn bó đất nước trong mỗi con người.

– Đất nước gắn với không gian địa lí mênh mông, gắn với chiều dài của thời gian lịch sử.

– Đất nước hiện hữu trong sức mạnh đoàn kết của dân tộc.

-Nghệ thuật thể hiện qua giọng thơ trữ tình- chính luận sâu lắng, cách dùng từ ngữ, hình ảnh

4. Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân

Gợi ý:

– Nhân dân sáng tạo nên mọi giá trị vật chất và tinh thần cho đất nước, đó là công lao vĩ đại của nhân dân( hình ảnh cụ thể và giàu sức gợi cảm: hạt lúa, ngọn lửa, giọng nói, tên làng, tên xã…)để khẳng định vai trò, công sức, trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ con người Việt Nam trong quá trình giữ nước và dựng nước.

– Nhân dân đóng vai trò chủ thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước tạo nên ruộng đồng, bờ bãi phì nhiêu cho thế hệ sau “trồng và hái trái”… Họ đánh đuổi giặc ngoại xâm và nội thù để giữ gìn độc lập, tự do cho quê hương đất nước.

– Nghệ thuật sử dụng từ ngữ hình ảnh.

– Đoạn thơ là bức tượng đài kì vĩ, ca ngợi vai trò chủ thể của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

5. Anh (chị) có suy nghĩ gì về nhận xét sau: Ở phần cuối, tư tưởng “Đất nước của nhân dân” đã thể hiện tập trung sự cảm nhận tính cách con người Việt nam ?

– Khi suy nghĩ về văn hóa, địa lí, lịch sử bằng tư tưởng “Đất nước của nhân dân”, Nguyễn Khoa Điềm đã ít nhiều gợi được tính cách của con người Việt nam, những con người bình dị, thầm lặng đã tạo dựng nên đất nước này. Điều ấy đã dồn nén , hội tụ thành đỉnh cao cảm xúc và suy tưởng trữ tình trong đoạn thơ cuối:

Để đất nước này là đất nước của nhân dân

…  

Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

– Câu thơ “Đất nước của nhân, đất nước của ca dao thần thoại”, với hai vế song song, đồng đẵng là một cách định nghĩa về đất nước thật giản dị mà độc đáo: đất nước của nhân dân, Đất nước được tạo nên bởi sức mạnh và tình nghĩa của nhân dân. Muốn hiểu đất nước phải hiểu nhân dân.

– Vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của nhân dân có thể tìm thấy trong văn hóa tinh thần của nhân dân: Đó là văn hóa dân gian( thần thoại, cổ tích, ca dao, dân ca…)

– Trong kho tàng ca dao, nơi kết đọng và lưu giữ bền vững nhất những giá trị tinh thần của nhân dân, Tác giả chỉ chọn ba câu tiêu biểu để nêu bật ba đặc điểm quan trọng trong tính cách truyền thống của nhân dân:

   + Rất say đắm trong tình yêu cho nên biết “yêu em từ thưở trong nôi”

  Yêu em từ thưở trong nôi

Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru.( Ca dao)

  + Hết sức quí trọng tình nghĩa cho nên “Biết quí công cầm vàng những ngày lặn lội”

Cầm vàng mà lội sang sông

Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng. (Ca dao)

  + Vô cùng quyết liệt trong căm thù và chiến đấu cho nên “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy. Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Thù này ắt hẳn dài lâu

Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què. ( ca dao)

– Đó là những nét truyền thống đẹp đẽ nhất của nhân dân, những phẩm chất đặc trưng nói lên tâm hồn, tính cách và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong suốt trường kì lịch sử, tất cả tạo nên gương mặt một Đất nước tình nghĩa mà anh hùng, hiền hòa mà bất khuất.

6. Nhận xét vắn tắt nét độc đáo trong nghệ thuật biểu hiện của đoạn trích Đất Nước.

– Đoạn trích tự nó chia làm hai phần lớn, mỗi phần trả lời những câu hỏi nhất định ngầm ẩn sâu xa trong mạch thơ: Đất nước có từ bao giờ? Cội nguồn từ đâu? Đất nước là gì? Đất nước của ai? Ai làm nên đất nước? Tất cả liên kết với nhau thành hệ thống rất chặt chẽ. Đấy là nét độc đáo trong kết cấu bề mặt của đoạn trích, nó thể hiện một nét tìm tòi đầy trí tuệ của Nguyễn Khoa Điềm.

– Nét độc đáo trong chất liệu nghệ thuật: Để cụ thể hóa kết cấu và nêu bật chủ đề tư tưởng, tác giả đã sử dụng rộng rãi và sáng tạo các chất liệu văn hóa dân gian, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích cho đến phong tục tập quán và sinh hoạt hàng ngày. Điều đó tạo cho đoạn trích một không gian nghệ thuật riêng, hết sức quen thuộc, gần gũi mà lại kì diệu, bay bổng. Đấy là không gian nghệ thuật kết tinh tâm hồn và trí tuệ của nhân dân.

– Nét độc đáo trong bút pháp thể hiện: Đó là bút pháp trữ tình- chính luận. Những lí lẽ sắc sảo thể hiện qua hình ảnh gợi cảm, giọng thơ sôi nổi thiết tha.

– Độc đáo ở hình thức thơ: Mượn hình thức trò chuyện tâm tình với một người con gái yêu thương qua những dòng thơ tự do, nhạc điệu linh hoạt, phóng túng, đoạn trích như một tùy bút bằng thơ gây ấn tượng sâu sắc, tác động manh mẽ vào cảm nghĩ của người đọc.