Đọc hiểu văn bản – Ngữ văn 11 ( Nguyễn Trọng Hoàn chủ biên )
KHÓC DƯƠNG KHUÊ
I – GỢI DẪN
1. Dương Khuê (1839 – 1902) là người làng Vân Đình, huyện Ứng Hoà, Hà Tây. Đỗ cử nhân cùng khoa với Nguyễn Khuyến, sau đỗ tiến sĩ nên còn được gọi là Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư. Dương Khuê là người có nhân cách, là một ông quan thanh liêm, chính trực. Ông còn là một nhà thơ lớn của thế kỉ XIX. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn tâm đầu ý hợp, cùng có tấm lòng với dân tộc.
2. Bài thơ được Nguyễn Khuyến viết để khóc bạn, lúc đầu viết bằng chữ Hán với nhan đề Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư. Sau tác giả tự dịch ra chữ Nôm lấy tên là Khóc bạn, nay quen gọi là Khóc Dương Khuê. Bài thơ thể hiện xúc động tình bạn tri âm tri kỉ của hai nhà thơ. Nghe tin bạn qua đời, nhà thơ vô cùng đau đớn và những kỉ niệm ngày xưa đã ùa về trong kí ức.
3. Có thể theo dõi mạch tình cảm của nhà thơ theo bố cục sau :
– Hai câu đầu : đau xót khi nghe tin bạn mất.
– Từ câu 3 đến câu 20 : nhớ lại những kỉ niệm giữa hai người và thể hiện tâm trạng thời cuộc của nhà thơ.
– Phần còn lại : Nỗi đau mất bạn và tâm sự cô đơn vì thiếu tri kỉ.
4. Đọc diễn cảm theo nhịp thơ song thất lục bát uyển chuyển, trữ tình.
II – KIẾN THỨC CƠ BẢN
Nguyễn Khuyến là hình mẫu nhà nho chân chính ở giai đoạn cuối cùng của nền Hán học. Theo đuổi nghiệp khoa cử, ra làm quan rồi cáo quan về ở ẩn, cuộc đời lận đận của ông là sự cố gắng giữ mình thanh sạch. Giai đoạn cuối đời là giai đoạn ông mang nhiều tâm sự nhất. Tâm sự của nhà thơ lúc này thường phảng phất sự cô đơn, u ẩn. Bao nỗi niềm chất chứa trong lòng. Và khi nghe tin Dương Khuê – người bạn tri âm một thời đã ra đi, cảm giác cô đơn chắc chắn lại dâng đầy trong lòng nhà thơ. Và lời khóc bạn cũng là lời tâm sự thời thế của người còn lại.
Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn thân khi cùng nhau theo đuổi nghiệp khoa cử, họ cũng từng tâm đầu ý hợp trong chuyện văn chương. Nhưng với hai quan điểm khác nhau. Nguyễn Khuyến sau gần mười năm làm quan đã cáo quan về quê sống cuộc đời thuần chất của một nhà thơ để giữ mình trong sạch trước xã hội đang vô cùng lộn xộn. Còn Dương Khuê thì tiếp tục làm quan nhưng vẫn là một ông quan thanh liêm chính trực. Vì thế, họ không có nhiều thời gian để đàm đạo. Tuy vậy, họ vẫn là những tri âm tri kỉ. Với các nhà nho xưa, tình bạn tri âm nhiều khi còn quan trọng hơn cả tình cảm gia đình. Họ cùng nhau đàm đạo chuyện văn chương, sẻ chia tâm sự thời thế, chia ngọt sẻ bùi lúc hạnh phúc cũng như khi hoạn nạn. Đã có những tình bạn đẹp trở thành những điển cố điển tích như tình bạn Bá Nha – Tử Kì, Trần Phồn – Từ Trĩ, Lưu Bình – Dương Lễ… Và Nguyễn Khuyến cũng đã coi tình bạn giữa mình với Dương Khuê là tình bạn tri âm như thế.
Sự ra đi đột ngột của người tri âm đã để lại trong lòng nhà thơ nỗi đau đớn khôn xiết :
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Tiếng khóc của người bạn già nên có âm điệu và sắc thái tình cảm riêng. Đó là nỗi đau lớn nhưng được thể hiện rất điềm đạm. “Thôi đã thôi rồi”, “man mác”, “ngậm ngùi” là những từ ngữ biểu cảm có khả năng chuyển tải được cung bậc tình cảm ấy. Sau phút giây bàng hoàng là hồi ức về những kỉ niệm xưa giữa hai người. Sự phát triển của mạch cảm xúc theo đúng quy luật tâm lí thông thường của con người. Lời khóc và cũng là lời viếng bạn, là bài điếu văn của người tri kỉ gửi người tri âm. Những kỉ niệm gắn bó khi hai người cùng học hành, thi cử, bàn luận văn chương và cả những ngày cùng chung hoạn nạn của cuộc sống quan trường đầy phức tạp. Người khác đã tổng kết lại chặng đường đời mà cả hai đã trải qua để khắc sâu hơn sự gắn bó của họ trong quá khứ :
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau ;
…
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.
Họ gắn bó với nhau trong mọi việc. Kỉ niệm được nhắc lại bắt đầu từ khi họ gặp nhau và cho đó là “duyên trời”. Đã là duyên trời có nghĩa là tiền định. Sự gặp gỡ của họ không phải là vô tình mà đã được sắp đặt từ trước. Thông thường chỉ duyên vợ chồng mới do trời định. Cách diễn đạt này của tác giả đã khẳng định một lần nữa tình bạn sâu sắc của hai người. Họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng “chơi nơi dặm khách”, “rượu ngon cùng nhắp”, cùng “bàn soạn câu văn”. Không chỉ có những kỉ niệm ngọt ngào, họ cũng đều cùng là nạn nhân của thời thế :
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đẩu thăng chẳng dám than trời ;
Trong hồi ức thấp thoáng nỗi đau thời thế. Nhớ lại kỉ niệm của những ngày cùng nhau gắn bó, nhớ lại lần gặp gỡ cuối cùng khi cả hai đã già nhưng vẫn giữ được mình trong sạch, người ở lại càng đau đớn hơn. Nỗi đau ấy được thể hiện thật xúc động và chân thật :
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Sau những hồi ức về những ngày đã qua, người bạn cảm nhận rõ hơn, cụ thể hơn nỗi đau mất bạn. Không phải chỉ là thương cho người ra đi đã phải sớm từ giã cuộc đời mà còn là thương mình, thương cho người ở lại đã mất đi một tri âm. Vẫn mang trong lòng nỗi u uất thời thế nên trong lời khóc bạn, trong nỗi đau mất tri kỉ có cả nỗi đau thời thế :
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên.
Giữa họ, trong những ngày không gặp nhau khi mỗi người đi một con đường, vẫn chung nỗi đau thế sự. Xác nhận “chán đời là phải” là sự thể hiện một cách kín đáo và thâm trầm của nhà nho về thời thế. Thời thế hỗn loạn, những giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống đang bị phá huỷ đã khiến những nhà nho có nhân cách và biết tự trọng như Nguyễn Khuyến luôn cảm thấy “chán đời”. Trong tiếng khóc bạn phảng phất cả lời khóc mình.
Tình bạn keo sơn và nỗi lòng của người tri âm, nỗi đau mất bạn được thể hiện rõ và sâu sắc nhất ở đoạn thơ cuối cùng :
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
…
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Dùng một loạt điển tích, điển cố về tình bạn tri âm, nhà thơ đã thể hiện và khẳng định một lần nữa tình bạn thân thiết của hai người. Từ đó bộc lộ nỗi đau mất bạn. Mất đi người tri âm, người ở lại sẽ rơi vào cô đơn, sẽ không còn người để giãi bày tâm sự. Mà trong lòng nhà thơ lúc ấy đang chất chứa bao nhiêu tâm sự cần người sẻ chia. Nỗi đau của một người già khi mất bạn, sự sâu sắc của tình bạn già được thể hiện rõ hơn ở bốn câu thơ kết thúc :
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương ;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan !
Lời khóc bạn của người già khác với nỗi đau của người trẻ tuổi. Đây là nỗi đau nuốt nước mắt vào trong. Tình cảm chân thành của một người bạn già đã được thể hiện thật chân thành và sâu sắc.
Với những từ ngữ mộc mạc, chân chất và thể thơ song thất lục bát, tác giả đã thể hiện thật xúc động nỗi đau trước sự ra đi của một người bạn. Sự thay đổi nhịp thơ ở đoạn 2 và đoạn 3 đã góp phần thể hiện rõ hơn tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ở đoạn 2, âm điệu thơ vui hơn, dồn hơn bởi đó là lúc nhân vật trữ tình đắm mình trong kỉ niệm, trong những hồi ức đẹp khi họ còn có cả hai người. Còn ở đoạn sau, khi chỉ còn lại một mình, trong nỗi cô đơn không người chia sẻ, người bạn ở lại đau đớn và cô độc trong sự nuối tiếc. Sự đối lập ở hai đoạn thơ đã khắc sâu hơn nỗi đau của người mất bạn tri âm.
Thể thơ song thất lục bát với nhịp điệu đặc trưng đã truyền tải chính xác những cảm xúc chân thành của lời khóc bạn. Trong lòng vốn đã mang đầy tâm sự của một nhà nho trước thời thế bao chuyện đảo lộn xoay vần lại cộng thêm nỗi đau trước sự ra đi đột ngột của người bạn thân, nhà thơ đã rơi vào tâm trạng tột cùng đau đớn. Nhưng với một người từng trải và đã trải qua bao nhiêu đắng cay của một cuộc đời lận đận, nhà nho đầy bản lĩnh như Nguyễn Khuyến đã không than thân trách phận, không vật vã than khóc mà thâm trầm và lặng lẽ thể hiện nỗi đau của mình một cách điềm đạm. Bản lĩnh ấy đã tạo cho văn học một thi phẩm có giá trị nhân văn lớn. Bài thơ đã thể hiện được một tình bạn đẹp, góp phần khẳng định giá trị và vai trò quan trọng của tình cảm giữa con người với con người trong cuộc sống. Sự sẻ chia niềm vui và nỗi buồn giữa những người bạn, những người thân là yếu tố quan trọng nhất để mỗi người đứng vững giữa cuộc đời đầy rẫy bất trắc và bộn bề phức tạp.
Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, hai nhà nho có tài và có nhân cách đã để lại cho đời một biểu tượng cao đẹp về tình bạn. Khóc Dương Khuê không chỉ thể hiện tấm lòng sâu sắc và tình cảm tha thiết của một người bạn với một người bạn, bài thơ còn là một biểu hiện xúc động cho vẻ đẹp nhân cách của một nhà nho chân chính. Những tâm sự, nỗi đau thời thế ẩn sau nỗi đau mất bạn đã tạo nên chiều sâu nhân bản cho bài thơ.