ÔN TẬP: CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA – Nguyễn Minh Châu.
1. Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh Chiếc thuyền ngoài xa.
– Chiếc thuyền ngoài xa là ẩn dụ cho cách nhìn cuộc đời, cách nhìn nghệ thuật.
Chiếc thuyền ngoài xa là ẩn dụ cho cuộc đời. Đó là chiếc thuyền có thật trong cuộc đời, là không gian sinh sống của gia đình người hàng chài. Cuộc sống khó khăn đói kém chật chội… làm con người thay đổi tâm tính. Trước đây, anh là một người hiền lành, lấy chị- một người đàn bà xấu xí nhưng hết sức chăm lo cho cuộc sống gia đình; đông con, cuộc sống túng quẫn là nguyên nhân làm cho người chồng trở nên cục cằn, thô lỗ và biến vợ thành đối tượng của những trận đòn. Những cảnh tượng đó , những thân phận đó nếu nhìn từ xa, ở ngoài thì sẽ không thấy được.
– Chiếc thuyền ngoài xa là ẩn dụ cho nghệ thuật.
Chiếc thuyền là biểu tượng cho sự toàn bích mà chiêm ngưỡng nó, anh thấy tâm hồn mình trong ngần. Nhưng chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, chứng kiến cảnh đánh đập vợ của người đàn ông kia, anh đã kinh ngạc và dứt chiếc máy ảnh xuống đất. Anh nhận ra rằng, cái đẹp ngoài xa kia cũng ẩn chứa nhiều oái oăm, ngang trái và nghịch lí. Nếu không đến gần thì chẳng bao giờ anh phát hiện ra. Nhận ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, xa và gần, bên ngoài và thẳm sâu… đó cũng là cách nhìn, cách tiếp cận của nghệ thuật chân chính.
2. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.Anh (chị) hãy làm rõ điều đó.
– Nghệ sĩ Phùng đến ven biển miền Trung chụp tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau, anh thấy cảnh đẹp như tranh vẻ. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh lại chứng kiến người chồng đánh đập vợ, ba hôm sau cảnh đó lại tiếp diễn. Anh nhận ra đó là nghịch lí giữa nghệ thuật và đời sống.
– Tình huống truyện mang ý nghĩa sâu sắc, thấm thía, nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
3. Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa.
Tình huống truyện là tình huống tự nhận thức. Nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu đều phải trải quá trình quanh co để “vỡ ra” chân lí:
– Phùng gặp một cảnh “đắt” trời cho, một vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích” nơi vùng đầm phá miền Trung đã “tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, nhưng rồi anh đã nhận ra sự “trật khớp” giữa cái đẹp ngoại cảnh với số phận cực nhọc, tăm tối của con người nơi đó.Anh biết rằng trong bức ảnh lịch không thể thiếu hình ảnh con người.
– Vị chánh án tin pháp luật công bằng và thiện chí của cá nhân anh sẽ giúp thay đổi số phận của người đàn bà hàng chài. Anh đã răn đe giáo dục chồng bà ta nhiều lần nhưng không mấy kết quả. Anh đành khuyên bà ta bỏ chồng để khỏi bị hành hạ.Nhưng anh lại không đủ khả năng để bác bỏ lí lẽ của bà ta: “Là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Trong đầu vị chánh án “một cái gì vừa mới vỡ ra”, anh đã có thể hiểu những nghịch lí của đời sống mà con người phải chấp nhận.
4. Tóm tắt tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
Để có thể xuất bản bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý, trưởng phòng đề nghị nghệ sĩ nghiếp ảnh Phùng đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Nhân chuyến đi thăm Đẩu, người bạn chiến đấu năm xưa, giờ đang là chánh án tòa án huyện, Phùng đi tới một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh thời chống Mĩ. Phùng đã phục kích mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức ảnh nào. Sau gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm, Phùng quyết định thu vào tờ lịch tháng bảy năm sau cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh. Phùng đã chụp được bức ảnh tuyệt đẹp và toàn bích. Nhưng anh không ngờ từ chính chiếc thuyền ngoài xa thật đẹp ấy lại bước xuống một đôi vợ chồng hàng chài và lão đàn ông thẳng tay quật vợ để giải tỏa nỗi uất ức, buồn khổ của mình. Phùng chưa kịp xông ra can ngăn thì thằng Phác, con lão, đã kịp tới che chở người mẹ đáng thương. Biết Phùng chứng kiến sự tàn bạo của cha mình, thằng bé Phác đâm ra căm ghét anh. Ba hôm sau, cũng trong làng sương sớm, Phùng lại chứng kiến lão đàn ông đánh vợ, cảnh cô chị gái tước đoạt con dao găm mà đứa em trai định dùng làm vũ khí để bảo vệ mẹ. Không thể nén chịu được nữa, Phùng xông ra buộc lão chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông đánh trả. Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của tòa án huyện. Ở đấy, anh đã nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài với bao sự cảm thông và ngỡ ngàng, ngạc nghiên. Anh hiểu được người đàn bà dù bị đánh đập tàn bạo đến mấy vẫn cần có chồng, cần một người đàn ông sức vóc trên chiếc thuyền ngoài biển khơi để kiếm sống nuôi đàn con. Phùng thấm thía: không thể đơn giản và sơ lược khi nhìn nhận mọi hiện tượng của của cuộc đời.
5. Phân tích sự thay đổi về nhận thức của hai nhân vật Phùng và Đẩu( xem phần tình huống truyện).
6. Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài.
– Trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gây ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ.
– Sức chịu đựng và sự hi sinh thầm lặng vì những đứa con.
Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, bà vẫn thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. Bà coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản bởi trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên.
– Qua những lời giải bày thật tình của người mẹ đáng thương ở tòa án huyện, người ta càng thấy rõ nguồn gốc của sự chịu đựng, hi sinh của bà là tình thương vô bờ bến đối với những đứa con: “Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng sắp nhỏ con nhà nào cũng trên dưới chục đứa…phải sống cho con chứ không phải cho mình”. Suy nghĩ ấy khiến cho người đàn bà âm thầm chịu đựng mọi nỗi khổ.Tình thương con, cũng như nỗi đau và việc thâm trầm trong sự thấu hiểu lẽ đời hình như chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra ngoài.
– Người đàn bà ấy cũng rất tự trọng. Chỉ sau khi biết được hành động vũ phu ấy của chồng bị thằng Phác và người khách lạ chứng kiến, chị mới thấy “đau đớn- vừa đau đớn vừa vô cùng nhục nhã”. Chắc chắn đây không chỉ là đau đớn về thể xác.Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà đã trào ra. Chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót, kể cả thằng Phác, đứa con yêu của chị, và nhất là một người lạ.
– Đấy là người đàn bà thấu hiểu lẽ đời. Cho dù bị đánh đập tàn bạo của người chồng vũ phu, đồng thời nhận được lời đề nghị giúp đỡ của chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng, chị nhất quyết không bỏ người chồng ấy. Chị không hề cam chịu một cách vô lí; không nông nổi một cách ngờ nghệch mà thực ra là người rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. “Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”.