Ôn tập: Hồn Trương Ba, Da hàng thịt

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

Lưu Quang Vũ

1. Tóm tắt tác phẩm.

 Trương Ba giỏi đánh cờ bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết.Trú nhờ linh hồn trong thể xác hàng thịt, Trương Ba gặp nhiều phiền toái: Lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương ba cũng cảm thấy xa lạ,…mà bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm phải một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân ông. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn xác kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.

2. Phân tích mâu thuẩn kịch và chủ đề vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Vở kịch bắt nguồn từ một truyện cổ dân gian. Tác giả dân gian đã dùng trí tưởng tượng hóm hỉnh của mình để tạo ra câu chuyện có tính huyền thoại, éo le: Hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt khiến cho hai bà vợ xung đột quyết liệt, phải tìm đến cửa quan để giải quyết.

Lưu Quang Vũ đã chuyển câu chuyện oái oăm đó thành một vở kịch và khai thác mâu thuẩn giữa một linh hồn nhân hậu, cao thượng ( hồn Trương Ba) và một thân xác cục cằn, thô bỉ( xác hàng thịt). Đây là xung đột giữa khát vọng muốn sống đúng là mình với hoàn cảnh trớ trêu, bó buộc khiến con người trở nên khác lạ với bản thân, hay nói cách khác là bị tha hóa. Tác giả đã nêu lên một vấn đề tư tưởng sâu sắc: Nỗi bất hạnh của những nhân cách không làm chủ được bản thân mình, không được sống là chính mình. Sống như thế thà chết còn hơn.

3. Phân tích nỗi đau khổ mà nhân vật Trương Ba phải gánh chịu khi nhập vào xác anh hàng thịt.

– Không được những người thân trong gia đình( vợ, con, cháu) thông cảm. Đây là cái khổ của việc không được chia sẻ và thấu hiểu.

– Tự thấy mình là nguyên nhân gây nên những rắc rối, xáo trộn và bất an trong gia đình, trong khi chỉ muốn đưa đến cho mọi người những điều tốt đẹp. Nỗi khổ này lớn hơn nỗi khổ trên do nhân vật “trót” mang trong mình bản tính vị tha và biết tự ý thức.

– Thấy mình bị tha hóa, nhiều khi phải thỏa hiệp với những đòi hỏi của xác thịt, không còn giữ được bản tính cao khiết ngày trước và con người luôn tồn tại trong tình thế mâu thuẩn “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.Đây là nỗi khổ không làm chủ được bản thân.

  Nhìn chung, nỗi đau khổ của Trương Ba chủ yếu thuộc phương diện tinh thần. Nó mang tính phổ quát, khi con người phải phân thân và sống trong một hoàn cảnh không phù hợp với lí tưởng và mong ước.

4. Phân tích nét đặc sắc trong cuộc đối thoại giữa hồn và xác ở phần đầu đoạn trích.

– Nội dung đối thoại xoay quanh vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người, từ đó nói lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân.

– Lí lẽ của đôi bên đối thoại đều có những điểm đúng đắn khó bề bác bỏ, khiến việc thắng bại khó được giải quyết một cách chóng vánh, đơn giản một chiều. Xây dựng cuộc đối thoại này, Tác giả tỏ ra có cái nhìn rất biện chứng về vấn đề: một mặt hết sức ủng hộ khát vọng sống thanh cao của con người, mặt khác vạch rõ khía cạnh siêu hình của thái độ coi thường vật chất và những lạc thú trần tục. Bên cạnh đó, tác giả cũng tự bộc lộ một quan điểm hiện thực sâu sắc khi nhận thấy có nhiều trở lực đang làm nản lòng những kẻ cố vượt lên hoàn cảnh.

– Cuộc đối thoại vừa toát lên giọng điệu nghiêm trang vừa thắm đượm ý vị mỉa mai, hài hước. Những câu chuyện thể hiện sự núng thế hay đuối lí của hồn Trương Ba luôn ẩn chứa một nụ cười. Phải có một bản lĩnh nghệ thuật rất cao mới viết nổi những lời thoại đa thanh như vậy.

– Phần kết của màn đối thoại cũng chứa đựng những yếu tố rất bất ngờ. Mới nghe phần đầu của cuộc đối thoại, hẳn người đọc khó mà hình dung được cuối cùng, “Hồn Trương Ba bần thần nhập lại vào xác hàng thịt” chịu thỏa hiệp với những lí lẽ vừa khó chịu vừa chứa đựng chân lí của xác hàng thịt: “Thôi. Đừng cãi cọ nhau nữa ! Chẳng còn cách nào khác đâu ! Phải sống hòa thuận với nhau thôi ! Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này !”

5. Quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba cho ta hiểu gì về con người ấy?

 Sau những dằn vặt, đau khổ, cuối cùng hồn Trương Ba “đòi chết”,không chịu nhập vào thân xác của ai nữa. Quyết định này cho thấy nhân vật có tâm hồn cao thượng, biết đấu tranh với mình vì niềm tin vào giá trị đích thực của cuộc sống và vì tư tưởng vị tha.

6. Tìm hiểu ý nghĩa những thông điệp xã hội và triết lí mà tác giả muốn gởi tới công chúng trong đoạn trích này.( mục c, câu 8)

7. Nhận xét về nghệ thuật kịch của Lưu Quang Vũ( mục b, Câu 8)

8. “Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ  đã xây dựng thành một vở kịch hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng triết lí và nhân văn sâu sắc”.

a. Vở kịch bắt nguồn từ một truyện cổ dân gian. Tác giả dân gian đã dùng trí tưởng tượng hóm hỉnh của mình để tạo ra câu chuyện có tính huyền thoại, éo le: Hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt khiến cho hai bà vợ xung đột quyết liệt, phải tìm đến cửa quan để giải quyết.

  Lưu Quang Vũ đã chuyển câu chuyện oái oăm đó thành một vở kịch và khai thác mâu thuẩn giữa một linh hồn nhân hậu, cao thượng ( hồn Trương Ba) và một thân xác cục cằn, thô bỉ( xác hàng thịt).

b. Tính hiện đại của vở kịch.

 – Xây dựng và triển khai xung đột kịch rất khéo, cùng một lúc đề cập nhiều vấn đề xã hội và triết lí sâu sắc.

 – Xây dựng được những nhân vật có tính cách đa dạng, phức tạp, sống động như chính cuộc đời.

 – Tạo ra hành động kịch tập trung, hợp logic, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hành động bên ngoài( gắn liền với các biến cố khách quan) và hành động bên trong( gắn liền với xung đột nội tâm).

 – Ngôn ngữ kịch vừa có tính chất dân dã, bình dị, dí dỏm vừa có tính chất triết lí thâm trầm.

c. Đoạn trích chứa đựng nhiều thông điệp và triết lí sâu sắc:

  – Cần tạo cho con người có được cuộc sống hài hòa hai mặt tinh thần và vật chất. Cuộc sống con người chỉ thực sự hạnh phúc, chỉ có giá trị khi được sống đúng là mình, được sống tự nhiên trong một thể thống nhất.

– Tình trạng con người phải sống giả, không dám và không được là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người tới chỗ tha hóa do danh và lợi. Nếu sống vay mượn, sống chấp vá, không có sự hài hòa giữa vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và nhu cầu vật chất thì con người chỉ gặp bi kịch mà thôi.

Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của kẻ khác là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng biết”

“Có những cái sai không thể sửa được. Chấp vá gượng ép chỉ càng sai thêm.”

– Ai cũng biết tâm hồn là quí, là đáng trọng mà chẳng chăm lo tới đời sống vật, kì thị những đòi hỏi vật chất của con người, lấy cớ đó là những ham muốn tầm thường, “mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có tội lỗi gì nào?”, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn thì chỉ là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, sự lười biếng.