Ôn tập: Những đứa con trong gia đình

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH – Nguyễn Thi

1. Tóm tắt truyện.

Truyện kể về một chú tân binh tên là Việt, bị thương trong một trận đánh lớn, thất lạc với đồng đội.Trong tình trạng ngất đi, khi tỉnh lại, Việt nhớ về quá khứ của mình, nghĩ tới những người thân: cha, mẹ, anh , em, xóm làng…Từ đó ta thấy được cả một tập thể những con người yêu nước, gan dạ, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Nổi bật là hai chị em Chiến và Việt. Cả cha lẫn mẹ đều hi sinh trong chiến đấu, cha bị giặc bắt cắt đầu, mẹ bị đạn pháo. Việt và Chiến lớn lên, quyết trả thù, xung phong đi bộ đội, tiếp nối truyền thống yêu nước của dòng họ, mà chú Năm đã ghi thành cuốn gia phả đặc biệt như một cuốn sử riêng của gia đình

2. Giải thích ý nghĩa nhan đề “ Những đứa con trong gia đình ”.

  – Nhan đề truyện “Những đứa con trong gia đình” không chỉ có giá trị thông báo về vị trí thế hệ của hai nhân vật chính mà còn gợi nhiều ý nghĩa.

      + Đó là những con người được nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình có truyền thống tốt đẹp đáng tự hào.

      + Họ là những con người đã tiếp nối xứng đáng truyền thống cách mạng của gia đình.

  – Khẳng định, ngợi ca mối liên hệ bền chặt, thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình, giữa con người với gia đình

3. Những đứa con trong gia đình gắn bó với nhau như thế nào? Phân tích sự gắn bó ấy ( giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc).

  – Họ gắn bó bởi tình cảm ruột thit của những người trong gia đình.

  – Họ còn gắn bó với nhau bởi truyền thống gia đình cách mạng và yêu nước.

Từ má Việt, chú Năm đến thế hệ chị em Chiến Việt, mỗi người có kiểu yêu nước riêng của mình. Chú Năm rất tự hào về cuốn sổ ghi những chiến công của các thành viên trong gia đình. Mẹ Việt bơi xuồng chở bà con đi đấu tranh, dọ tình hình bọn lính. Chị em Chiến và Việt tranh nhau đi bộ đội.

4. Chuyện được thuật kể chủ yếu qua dòng hồi tưởng của nhân vật nào? Sự thuật lại như vậy có tác dụng như thế nào với kết cấu truyện và đối với việc thể hiện các nhân vật, các tình tiết.

Chuyện được thuật kể chủ yếu qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt. Lúc này Việt bị thương nặng. Dòng hồi ức của Việt khi đứt khi nối sau những lần ngất đi tỉnh lại. Lối kết cấu dựa vào dòng hồi tưởng như thế làm cho truyện giàu cảm xúc, diễn biến linh hoạt, không phụ thuộc vào thời gian. Mỗi lần liên tưởng, một số sự kiện được chấp nối và các nhân vật khác trong gia đình lần lượt hiện ra, được tô đậm dần dần. Đồng thời bản thân người hồi tưởng cũng dần thể hiện rõ bản lĩnh và tính cách của mình, đặc biệt là trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

5. Phân tích tính cách của nhân vật Chiến và Việt.

* Chị Chiến:

– Giống mẹ ở tính đảm đang, tháo vát: quản lí việc nhà, thay mẹ nuôi em, tính toán thu xếp việc nhà đâu vào đấy, trước lúc lên đường khiến Việt và chú Năm phải phục.

–   Là  người chị thương em và luôn nhường em: có một điều cô không nhường Việt là đi bộ đội “đến tết này nó mới mười tám anh à !Em nói để em đi trước, nó ở nhà, thủng thẳng để chú Năm em thu xếp hãy đi mà nó không chịu”. Những tình tiết trên cho thấy cô luôn luôn sục sôi với gánh nặng thù nhà nợ nước. Mặt khác cô không muốn em mình chịu đạn bom nguy hiểm.

– Giống mẹ ở tính gan góc: “ Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”.

– Ở nhân vật này tuy có lúc trẻ con( tranh công bắt ếch, tranh bắn tàu giặc,tranh đi tòng quân với em). Nhưng vẫn nhớ mình là chị( Thương em nhường em). Và đúng là một cô gái( luôn luôn có một cái gương trong túi), biết lo nghĩ toan tính kiểu người lớn.

 * Việt:

-Yêu thương tha thiết:

    + Yêu quê hương nồng nàn:

          Nghe tiếng ếch nhái kêu, Việt nhớ về quê hương với những chi tiết cụ thể: “Ở quê Việt những đêm như đêm nay, đèn soi nhấp nhánh đầy đồng. Cứ trời vừa dứt hột, Việt đã cởi trần ra, hai chị em, hai cái đèn soi lớp ngớp đi”

   +Yêu những người thân thiết tha:

         Lúc bị thương, lạc đơn vị, hình ảnh những người thân luôn chập chờn quanh anh với bao kĩ niệm.

  • Việt nghĩ tới chị Chiến, nhớ ngày hai chị em đưa bàn thờ má sang nhà chú Năm, Việt “thấy thương chị lạ”.
  • Việt nhớ tới chú Năm, “Việt thương chú năm vì hồi đó chú hay bênh Việt”.
  • Nhiều nhất là nhớ tới mẹï. Trong hồi ức của Việt, hình ảnh của người mẹ luôn hiện ra. Việt nhớ tiếng chân “má đi lịch bịch vào nhà”.Việt còn nhớ cả mùi mồ hôi của má. Rồi có lúc Việt mơ ước được má xoa đầu như những ngày còn bé.
  • Việt cũng nhớ về đồng đội như in: “Những khuôn mặt anh em mình hiện ra…cái cằm nhọn hoắc của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công”.

– Căm thù mãnh liệt:

  • Lòng căm thù chất chứa từ thưở ấu thơ, khi theo mẹ đi đòi đầu ba: “Đầu ba ở dưới đất không lượm, cứ nhè cái thằng vừa liệng mà đá”.
  • Lớn lên mối thù trở thành khối lượng cụ thể trên vai: “Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”.

– Hành động dũng cảm:

       Bị thương hết chín ngón tay, chỉ còn mỗi ngón cái nhúc nhích, nhưng nghe động đậy có giặc tới gần thì đã rờ vào súng:”Việt chợp súng lên đạn. Cả mười ngón tay không ngón nào còn lên nổi, Việt ghé răng giật mạnh cơ bẩm. Một viên đạn lên nòng”…

– Dưới ngòi bút Nguyễn Thi, nhân vật Việt có nét thú vị, sống động riêng khó lẫn. Đó là tính ngây thơ, trẻ con rất rõ: thích giành phần hơn chị, đi bộ đội vẫn đem theo cái ná thun, giấu chị, sợ mất chị, chưa lo nghĩ nhiều, chỉ biết đánh giặc trả thù cho ba má.

6. Phân tích đoạn đối thoại giữa hai chị em Chiến và Việt trước ngày nhập ngũ. Tâm lí và tính cách của mỗi nhân vật thể hiện như thế nào qua đoạn đối thoại này?

   Đoạn đối thoại rất sinh động thể hiện rõ cá tính của từng nhân vật. Cùng thương má, cùng mang mối thù chung của gia đình, cùng quyết tâm giết giặc nhưng Chiến thì tỏ rõ cá tính của người chị, một cô gái mới lớn, còn Việt thì cá tính vẫn còn trẻ con, là cậu con trai vô tư, vô tâm

7. Trong truyện ngắn “ Những đứa con trong gia đình ”, nhân vật chú Năm nói: “ Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”.

 Hãy phân tích và chứng minh, trong truyện ngắn này đã có dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy từ những thế hệ ông cha đến đời chị em Chiến, Việt

         Câu nói của chú Năm đã khái quát một trong những phương diện cơ bản nhất chủ đề của truyện.Qua truyện ngắn này, Nguyễn Thi đã khám phá, phân tích và lí giải sức mạnh, chiến công của thế hệ trẻ miền Nam trong thời kì chống Mĩ cứu nước, không chỉ ở tinh thần thời đại mà còn ở nguồn gốc sâu xa trong truyền thống gia đình. Chính sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước

        Trong truyện ngắn “Những đứa con  trong gia đình”, thực sự có một dòng sông của truyền thống gia đình. Dòng sông ấy đã liên tục chảy từ các thế hệ ông cha đến thế hệ của những chiến sĩ trẻ anh dũng thời kì chống Mĩ cứu nước. Trong quan niệm của Nguyễn Thi, mỗi con người, mỗi đời người trong một gia đình phải là khúc sông trong dòng sông truyền thống.

    Khi phân tích và chứng minh ý niệm về một dòng sông truyền thống gia đình của Chiến và Việt liên tục chảy, cần làm rõ những con người thuộc các thế hệ nối tiếp nhau:

       * Hình tượng chú Năm.

+ Một người lao động chất phác giàu tình cảm, biểu hiện ở tâm hồn dạt dào cảm xúc khi cất tiếng hò.

+ Đặc biệt tự hào về truyền thống gia đình. Trong cuốn sổ gia đình, chú có ghi đủ tội ác của giặc và chiến công của các thành viên trong gia đình.

       * Hình tượng má Việt.( xem câu 8)

       * Hình tượng Chiến và Việt. ( xem câu 4)

8. Truyện ngắn những đứa con trong gia đình viết về truyền thống nào của gia đình Chiến và Việt? Phân tích và so sánh nhân vật Chiến và Việt để làm rõ truyền thống của gia đình được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong những đứa con.

 Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”, nói về những  con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, thủy chung son sắc với quê hương, cách mạng.

Chính sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

 a – Nhân vật Chiến có nhiều nét giống má ( gan góc, đảm đang, tháo vát). Tuy có lúc còn rất “trẻ con”( tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc, tranh đi tòng quân với em), nhưng vẫn ý thức mình là chị( nhường nhịn em, thương em, lo cho em). Chiến đúng là một cô gái mới lớn, một người chị.

     – Qua ngòi bút Nguyễn Thi, ta thấy Chiến là một tính cách đa dạng: vừa là một cô gái mới lớn, vừa là người chị biết nhường em, biết lo toan, đảm đang, tháo vát.

     –  So với người mẹ, Chiến có những nét mới của những thế hệ sau: hồn nhiên, vui tươi, hay cười, thích làm dáng.Chiến bắn tàu giặc từ khi còn nhỏ, đi đánh giặc với lời thề: “Nếu giặc còn tao mất”.

b – Nhân vật Việt có nét riêng dễ mến của một cậu con trai mới lớn, tính tình ngây thơ rất trẻ con, hiếu động. Nếu Chiến luôn biết nhường nhịn em, thì trái lại, Việt hay tranh giành phần hơn với chị. Việt rất thích đi câu cá, bắn chim và khi đi bộ đội vẫn đem theo cái ná thun. Việt thương chị theo cách rất trẻ con( giấu chị, sợ mất chị). Mọi công việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày lên đường, Chiến lo toan thu xếp việc nhà đâu vào đấy còn Việt thì vô tư, “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay” rồi ngủ quên lúc nào không biết.

– Tuy vẫn còn có vẻ hồn nhiên, vô tư nhưng Việt cũng thật đường hoàng, chững chạc trong tư thế của người chiến sĩ trẻ dũng cảm, kiên cường.Trong dòng sông truyền thống, Việt là con sóng vươn xa nhất, là người tiêu biểu nhất cho tinh thần cách mạng

9. Phân tích nhân vật má Việt.

       Má Việt: Có những nét giống chị Út Tịch( Tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi)

– Gan góc khi còn là con gái:

       Chị đã từng phóng xuống sông lội sang bên kia bờ vì người thanh niên sau này là chồng chị, không cho chị quá giang.

– Rất mực thương chồng:

       Đó là người vợ lặn lội thân cò lo lắng cho chồng: “Lấy chồng rồi, má lại lặn lội thăm chồng. Lên rừng xuống biển má cũng đi, vai gánh chục dừa, một đầu thêm nãi chuối, một đầu thêm vài rê thuốc”

– Đồng thời cũng là người mẹ rất thương con:

     “Vì mong cho con mau lớn mà má trông từ cách con làm tới miếng cơm con ăn trong miệng”.

– Căm thù giặc sâu sắc:

     “Mỗi lần bọn lính bắn dọa mẹ con như vậy, mắt má lại sắc ánh lên nhìn bọn lính”.

– Đó là người phụ nữ đảm đang tháo vát, cắn răng chịu đựng đau thương để nuôi con đánh giặc:

      “Cái nón rách được ngả ra làm quạt, lưng áo bà ba đẫm mồ hôi đen lại không còn bạc nữa”. “Lâu lắm mới thấy má khóc. Đó là lúc chị em Việt ngũ cả, chỉ còn tiếng chuột chạy trên nóc nhà, tiếng chó sủa ở đầu xóm và tiếng mõ của dân canh trên đồn dân vệ. Má hay nghĩ ngợi lặng lẽ như vậy”.

10. Ý nghĩa chi tiết chị em Chiến và Việt đem bàn thờ má sang gởi nhà chú Năm để đi đánh giặc.

– Bàn thờ cha mẹ là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Cha mẹ chết hết, bây giờ hai đứa con lớn lên, muốn đi đánh giặc, thì bàn thờ cha mẹ làm thế nào? Hai chị em bàn tính một hồi, quyết định gởi bàn thờ qua nhà chú Năm.

– Chi tiết này rất có ý nghĩa.Trước hết, nó cho thấy hai đứa con vẫn đi theo truyền thống gia đình, coi bàn thờ là cái gì thiêng liêng, không thể bỏ được. Nhưng không vì thế mà để ràng buộc, vướng víu.

– Nguyễn Thi chọn chi tiết này rất khéo, nói lên tính cách thủy chung với truyền thống và ý chí đánh giặc vô cùng dứt khoát của nhân dân Miền Nam.