Viên Mai bàn về thơ

VIÊN MAI BÀN VỀ THƠ

(Trích “Tuỳ Viên thi thoại”)

I – GỢI DẪN

  1. Thể loại

Thi thoại là loại sách bình luận về thơ, nói chuyện về phép làm thơ, hay ghi lại những câu chuyện về các nhà thơ. Đọc Thi thoại, người đọc sẽ được cung cấp những tri thức rất bổ ích về thơ ca, nâng cao năng lực cảm thụ và thưởng thức văn học. Nền lí luận văn học của Trung Quốc phát triển khá sớm và đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền văn học của quốc gia này.

  1. Tác giả

Viên Mai (1716 – 1797) là nhà thơ, nhà lí luận phê bình văn học Trung Quốc đời Thanh, tự Tử Tài, hiệu Giản Trai, người Tiền Đường, Hàng Châu. Từng làm tri huyện, sau từ quan về ẩn ở vườn cũ họ Tuỳ, nên người đời gọi là Tuỳ Viên tiên sinh. Trước tác có nhiều lĩnh vực, song nổi tiếng về lí luận phê bình thơ. Ông đứng đầu phái Giang Tả nổi tiếng thời Càn Long. Ông cho rằng thơ là thể hiện tình cảm của con người, ông đưa ra thuyết “tính linh” – thơ phải dựa vào “linh cảm”. Ông phản đối tư tưởng “thần vận” của Vương Sĩ Trinh, ông cho rằng “thần vận” tìm cái hư không, phiêu diêu là thoát li “tính tình thật”. Ông chê thơ đời Thanh có ba bệnh : một là dùng nhiều điển, bài thơ thành đầy tử khí mà lại lấy đó tự khoe là học rộng ; hai là thiếu uẩn súc, cứ nói thẳng ruột ngựa mà lại tự khoe là thành thực ; ba là quá chú trọng thanh điệu, lấy bằng trắc mà định giá trị của thơ. Qua những chủ trương và những phản đối của ông, cũng cho thấy ông đòi hỏi sự giải phóng thơ khỏi những ràng buộc có tính chất hình thức, máy móc ; đòi hỏi sự chú trọng cá tính của nhà thơ. Chính vì vậy mà chủ trương này có tính chất tiến bộ, đổi mới. Trong Tuỳ Viên thi thoại (Chuyện thơ trong vườn họ Tuỳ) ông đã vận dụng những chủ trương của mình để bình phẩm thơ ca kim cổ, trong đó chú ý đến nhiều nhà thơ nữ chưa được người đời biết đến. Thơ ông không hay lắm, song nhìn chung trong sáng, trôi chảy, ít bị ràng buộc bởi cách điệu truyền thống (Theo Trần Lê Bảo : Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường, Sđd).

  1. Tác phẩm

Trong Tuỳ Viên thi thoại, Viên Mai đã đưa ra một số luận điểm rất quan trọng về văn học nghệ thuật, có giá trị nhất là những đoạn văn bàn về thi ca đích thực. Nhà văn đã thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng và những suy nghĩ rất sắc sảo về thi ca. Phần trích học gồm hai đoạn :

– Đoạn trích thứ nhất viết về lối nói gián tiếp trong thơ.

– Đoạn thứ hai nói về việc dùng điển cố trong thơ.

  1. Cách đọc

Sau khi đọc lướt một lần, đọc các chú thích. Đọc lại lần thứ hai bằng giọng bình luận, chậm rãi, khúc chiết.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Quan niệm của Viên Mai về cong hay chính là lối nói gián tiếp trong thơ

Mở đầu đoạn trích, tác giả so sánh : “Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ văn thì quý cong”. Tại sao “làm thơ văn thì quý cong” ? Bởi vì, đặc điểm nổi bật của thơ văn là khả năng khơi gợi – nhất là thơ. Ngôn ngữ thơ thường có tính hàm súc rất cao. “Cong” – lối nói gián tiếp, là một trong những cách thể hiện hàm ý. Trong bài Thăm bạn, Vương Tử Viên nói đến điểm sáng lung linh trên lầu là nói đến sự tĩnh mịch, nói đến cái nhìn hướng lên của người đến thăm bạn và tiếng gõ cửa chưa vang lên kia, tiếng đọc sách đêm vẳng lên kia là để nói cái tĩnh, yên ả của không gian đêm. Cũng như vậy, “cong” thể hiện qua việc vịnh mai mà liên tưởng đến tấm lòng của cây dương liễu và con mắt của chú bé chăn trâu,… “Ý tại ngôn ngoại” là một đặc sắc của thơ.

2. Về việc dùng điển cố trong thơ

Dùng điển cố là một nghệ thuật tinh tế. Theo Viên Mai, dùng điển cố “như hoà muối vào trong nước, làm sao chỉ thấy vị muối mà không thấy chất muối”. Trong đoạn trích, bằng hình ảnh so sánh giản dị, Viên Mai chỉ rõ những bất lợi của lối dùng điển cố hiểm hóc.

3. Các đoạn trích Thơ văn quý ở chỗ cong, Dùng điển cố trong thơ cho thấy nghệ thuật lập luận sáng rõ, sắc sảo của tác giả. Chỉ bằng những lời lẽ ngắn gọn, Viên Mai đã chỉ ra được những đặc điểm quan trọng của sáng tạo văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Các dẫn liệu phong phú được sử dụng khéo léo có tác dụng thể hiện nổi bật, sinh động quan niệm về đặc điểm gián tiếp của ngôn ngữ thơ ca và tiêu chuẩn của việc dùng điển cố trong thơ. Bên cạnh đó, lối diễn đạt giàu hình ảnh đã tạo ra sức hấp dẫn rõ rệt cho những vấn đề lí luận vốn trừu tượng, khô khan.

III – LIÊN HỆ

Đọc một số đoạn trích tiêu biểu trong Tuỳ Viên thi thoại của Viên Mai :

1. Dương Thành Trai nói rằng :

“Xưa nay những người tài phận thấp kém thường hay nói cách điệu mà không hiểu phong thú. Vì sao vậy ? Vì cách điệu là một thứ khung rỗng, có giọng điệu nhất định dễ bắt chước theo ; còn phong thú thì chuyên tả tính linh, nếu không phải người có tài năng thì không thể làm được”.

Tôi rất thích câu nói ấy. Phải biết, có tính tình thì sẽ có cách luật, cách luật không nằm ngoài tính tình. Ba trăm bài thơ Kinh Thi, phân nửa đều là câu hát của những người lao khổ, những người đàn bà nhớ thương buột miệng nói lên tình cảm của mình, nào có ai bày cho họ cách thức, điệu luật gì đâu, thế mà những người bàn về cách điệu đời nay có ai vượt ra ngoài phạm vi ấy được ? Huống chi điệu ca thời Vũ, Cao không giống với điệu ca của Kinh Thi, thể thơ Quốc phong không giống với thể thơ Nhã, Tụng, cách luật có gì nhất định đâu ! Hứa Hồn có câu thơ :

Ngâm thi hảo tự thành tiên cốt,

Cốt lí vô thi mạc lãng ngâm.

(Thơ hay như thể thành tiên cốt,

Trong cốt không thơ chớ ngâm bừa)

Cho nên thơ có quan hệ ở cốt chứ không phải ở cách.

(Quyển I)

2. Tôi từng nói rằng : Thi nhân là người giữ được tâm hồn trẻ thơ. Thẩm Thạch Điền làm thơ về hoa rụng có câu :

Hạo kiếp tín vu kim nhật tận,

Si tâm nghi hữu biệt gia khai

(Hương sắc đến đây là hết kiếp,

Ngây thơ nghĩ sẽ nở vườn ai)

Thơ Tống có câu :

Lão tăng chỉ khủng vân phi khứ,

Nhật ngọ tiên giao yểm tự môn.

(Sư già chỉ sợ mây bay mất,

Sai khép cửa chùa tự giữa trưa)

Gần đây Trần Sở Nam đề bức tranh mĩ nhân ngoảnh mặt như sau :

Mĩ nhân bối ỷ ngọc lan can,

Trù trướng hoa dung nhất kiến nan.

Kỉ độ hoán tha, tha bất chuyển,

Si tâm dục trạo hoạ đồ khan.

(Quay lưng người đẹp dựa lan can,

Buồn thấy mặt hoa thật khó khăn.

Mấy bận gọi nàng, nàng chẳng ngoảnh,

Ngây ngô muốn lật hoạ đồ xem)

Cái hay của các câu thơ trên ở chỗ đều như lời nói của trẻ thơ.

(Quyển III)

3. Cõi thơ rất rộng lớn. Có những bậc học sĩ đại phu đọc đến muôn quyển sách, cùng đời hết hơi mà vẫn không tìm được bí ẩn của nó. Ngược lại có những người đàn bà con gái quê mùa, ít học, ngẫu nhiên làm được một đôi câu, dẫu Lí Bạch, Đỗ Phủ sống lại cũng phải cúi đầu bái phục. Thơ sở dĩ lớn lao là ở chỗ ấy. Người làm thơ nhất thiết phải biết hai lẽ đó, rồi sau mới có thể tìm đọc thơ ở trong sách và có được thơ ở ngoài sách.

(Quyển III)

4. Thơ nên mộc mạc không nên khéo léo, nhưng phải là cái mộc mạc từ trong khéo léo lớn mà ra. Thơ nên nhạt không nên nồng, nhưng phải là cái nhạt sau khi đã nồng. Ví như một ông quan to, công thành danh toại, rồi xoã tóc, cởi dây ấn, thì là danh sĩ phong lưu. Còn nếu bọn thiếu niên con nhà giàu sang cũng vội bắt chước thái độ ấy thì phải đánh đòn. Nhà giàu phải chạm ngọc giát vàng cho có quy mô khác người, rồi sau có dùng ghế tre, giường mây cũng không có bộ mặt nghèo nàn của người thôn dã.

(Quyển V)

5. Làm người không nên có cái tôi, có cái tôi thì bệnh tự cao tự đại sẽ rất nặng. Vì thế Khổng Tử không cố chấp, không có cái tôi vậy. Thế nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi, không có cái tôi thì cái tệ sao chép, phô diễn lại ý người khác sẽ rất lớn. Vì thế Hàn Xương Lê nói rằng : “Lời thơ học của người xưa nhưng tất phải tự mình mà ra”. Tổ Oánh người thời Bắc Nguỵ cũng nói : “Làm văn chương nên tự mình đề ra nề nếp, làm thành phong cách riêng một nhà, không thể gửi thân dưới hàng giậu nhà người ta được”.

(Quyển VII)

Chú thích:

– Dương Vạn Lí, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng thời Tống, tự Đình Tú, hiệu Thành Trai, tác phẩm : Dịch truyện, Thành Trai tập, Thành Trai thi thoại. Về thơ, ông có khuynh hướng yêu cầu thơ phải thể hiện tính chân thực. Ông được Viên Mai đánh giá rất cao.

– Tính linh : tính tức tính tình, tình cảm. Linh ý nói đến sự nhạy cảm, linh diệu. Tính linh nói chung tức là tình cảm chân thực, linh diệu nhất của con người.

– Vũ : ông vua đầu tiên của nhà Hạ, Cao : bề tôi giỏi của vua Thuấn ; thời Vũ, Cao: chỉ thời thượng cổ của Trung Quốc.

– Quốc phong, Nhã, Tụng : ba phần trong Kinh Thi. Quốc phong là ca dao của nhân dân ở các địa phương Trung Quốc, Nhã là những bài ca của quý tộc, Tụng là những bài ca dùng trong tế lễ ở cung đình.

– Hứa Hồn : nhà thơ thời Đường, tự Trọng Hối, tác phẩm: Đinh Mão tập.

– Thẩm Thạch Điền: tức Thẩm Chu, nhà thơ thời Minh, hiệu Thạch Điền. Thơ ông chịu ảnh hưởng của thơ Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Lục Du. Tác phẩm có : Thạch Điền tập, Giang Nam xuân từ, Thạch Điền thi sao.

– Hàn Xương Lê : tức Hàn Dũ, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thời Đường.

– Tổ Oánh : người thời Bắc Ngụy, thuở nhỏ ham đọc sách, lớn lên rất coi trọng văn chương. Ông chủ trương nhà thơ sáng tác thơ ca phải có phong cách riêng.

(Theo Tuỳ Viên thi thoại, Nguyễn Đức Vân dịch, NXB Giáo dục, 1999)