Chử Đồng Tử

CHỬ ĐỒNG TỬ

I – GỢI DẪN

1. Thể loại

Chử Đồng Tử là một truyện cổ tích thần kì đã được truyền thuyết hoá. Đây chính là một “giấc mơ đẹp” của nhân dân, giấc mơ về hạnh phúc gia đình, thể hiện khát vọng tự do hôn nhân và ước mơ đổi đời, thoát khỏi nghèo đói mang đậm màu sắc dân gian. Tác phẩm tiêu biểu cho thi pháp truyện cổ tích ở cả hai phương diện : nội dung và nghệ thuật trần thuật.

2. Tác phẩm

Đây là câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh rất sâu sắc. Những khát vọng lớn nhất của con người đều được tác giả dân gian gửi gắm ở đây :

– Khát vọng và mơ ước về tình yêu tự do và hôn nhân hạnh phúc : thể hiện ở mối tình kì lạ giữa Chử Đồng Tử – người con trai nghèo có hiếu và Tiên Dung – nàng công chúa xinh đẹp có tư tưởng tiến bộ. Hai con người thuộc hai thái cực của xã hội đã bén duyên nhau giữa một khung cảnh thiên nhiên thật đẹp và phóng khoáng. Tình duyên của họ đã vượt ra mọi khuôn phép của xã hội phong kiến. Và tình yêu ấy đã giúp họ có được một cuộc sống hạnh phúc.

– Khát vọng và ước mơ về một cuộc sống ấm no, một xã hội phát triển : Vợ chồng Chử Đồng Tử đã cùng nhau xây dựng được xóm làng trù phú. Con người đã xây dựng được những lâu đài lớn.

– Khát vọng chinh phục vũ trụ : Vợ chồng Chử Đồng Tử đã trở thành thần tiên giúp đỡ nhân dân đánh giặc.

3. Tóm tắt

Cha con Đồng Tử ở làng Chử Xá nghèo đến nỗi chỉ có một cái khố. Khi cha chết, Chử Đồng Tử lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn. Hàng ngày, Chử Đồng Tử đánh cá, đổi lấy gạo sống qua ngày. Một hôm, công chúa Tiên Dung chèo thuyền qua và giăng màn để tắm đúng chỗ Chử Đồng Tử đang vùi mình dư­ới cát. Cho là do duyên trời, Tiên Dung nguyện lấy Chử Đồng Tử. Vua nghe tin nổi giận lôi đình. Tiên Dung sợ cha đành ở lại với chồng tìm kế sinh nhai.

Chử Đồng Tử ra biển gặp sư­ Phật Quang, đ­ược ban phép lạ và cho một cây gậy, một cái nón. Về nhà, chàng truyền phép cho vợ rồi hai vợ chồng bỏ xóm làng đi tìm nơi thanh vắng để ở. Gặp trời tối, hai ngư­ời cắm cậy gậy xuống đất, lấy nón úp lên đầu gậy, tựa vào nhau mà ngủ. Tỉnh dậy, họ thấy mình trong cung điện lộng lẫy, có kẻ hầu ng­ười hạ… Vua biết, cho là vợ chồng làm loạn, xui quân đến đánh. Toàn khu Chử Đồng Tử và Tiên Dung đang ở bay cả lên trời, chỉ còn lại bãi đất giữa đầm là bãi Tự Nhiên ngày nay.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Truyện Chử Đồng Tử như một bài ca bất hủ về tình người và tình yêu cao đẹp. Điều đó thể hiện qua nhân vật Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Tiên Dung là một công chúa yêu thiên nhiên, thích cuộc sống tự do, “tuổi đã lớn mà không chịu lấy chồng, chỉ thích chèo thuyền đi xem sông núi”. Nàng có một tính cách mạnh mẽ, không phân biệt sang hèn : khi gặp Chử Đồng Tử, nàng quyết định gắn bó số phận với chàng – một người mồ côi, nghèo khổ ; nàng quyết tâm từ bỏ cuộc sống giàu sang, quyền quý, chấp nhận cuộc sống dân thường. Còn Đồng Tử, chàng là một người cần cù, chăm chỉ làm ăn, và giàu lòng tự trọng, không tham giàu sang, phú quý. Không những thế, Chử Đồng Tử còn là người ham hiểu biết : gặp Phật Quang, chàng bỏ quyết định ra biển để ở lại theo học. Cuộc hôn nhân giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh ước mơ tự do hôn nhân, xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp, tầng lớp để hướng đến một cuộc sống bình đẳng, đại đồng. Với Chử Đồng Tử, một người mồ côi nghèo và hiếu thảo thì cuộc hôn nhân đó còn thể hiện ước mơ đổi đời, hạnh phúc cho những con người nhỏ bé, bất hạnh và bộc lộ thái độ đề cao đức hiếu thảo của nhân dân (nhà chỉ có một cái khố, cha chết, Chử Đồng Tử lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn).

Ngoài ra, truyện Chử Đồng Tử còn thể hiện ước mơ khác của nhân dân lao động. Đó là ước mơ cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc (hoàn cảnh nghèo khó của cha con Chử Đồng Tử và duyên may gặp được công chúa, được nhà sư Phật Quang ban vật thần hoá thành cung điện lộng lẫy với đầy đủ mọi thứ), ước mơ tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ (Tiên Dung cùng chồng ở lại với dân, tìm kế sinh nhai. Nàng làm ăn ngày một thịnh vượng, sau đó có người khuyên nàng cho người ra biển tìm những vật lạ đem về đổi lấy các thứ khác), ước mơ về cuộc sống của con người hoà hợp với tự nhiên,…

Trong truyện Chử Đồng Tử, tác giả dân gian đã tạo ra những tình huống truyện đặc biệt : hai cha con chỉ có một cái khố, cuộc gặp gỡ đầy ngẫu nhiên và khác thường giữa Tiên Dung và Đồng Tử, công chúa ở lại sinh sống với dân thường. Bên cạnh đó, truyện còn sử dụng một số yếu tố kì ảo như : Chử Đồng Tử gặp Phật Quang và được truyền cho phép lạ, cái nón và cây gậy thần kì hoá thành toà cung điện, toàn khu lâu đài của Đồng Tử và Tiên Dung bay cả lên trời.

III – LIÊN HỆ

Tâm thức Tiên Dung

Hỡi gió thở động màn the rủ

Còn xoa dấu chân phiêu lãng hành trình

Chỉ vì cây xao xuyến trước thân thần nữ

Vì cát đá run lên…

Lúc người bỏ tóc quanh mình…

Và, góc cô tịnh bờ hoang

Nước dội, trôi mảng cát

Lộ mình trần sạm nắng gió quê hương

Và thế rồi

Bến Đa Hoà sông vòng uốn khúc

Chưa có lần phong ba

Chợt nổi sóng cồn

Cơn sóng ngầm trong lòng sao tỏ rõ

Nghĩa nhân duyên huyền nhiệm đến vô cùng

Lau mắt lệ – “Cha ơi cha – xin không về nữa”

Thôi, cả lầu son gác tía

Con ra đi, rũ vạn sự vô thường

Đoạn nửa kiếp phù du ngang ngửa…

Trong nhân gian, tìm đất mới nương thân

Bến bờ sương pha… Thuyền con mái nhỏ…

Rồi lứa đôi chắp cánh về trời…

Cho tới ngày để người trần thương nhớ

Nhìn dòng sông chảy mãi bao đời

Mối tình phi thời gian, không gian

Cuộc đời – trang sử mộng

Nếp đất, chưa mở dấu cũ… miếu rêu phong

Sớm chiều tiếng đồng nhỏ

Vương cành tre mái chùa

Nghe sư già kể

Rằng ngày xưa… Chử Đồng Tử – Tiên Dung

Ngày nay thập phương về lễ hội

Những con thuyền đua lấy nước sông trong

Gái trai từng đôi hành hương tìm nguồn cội

Như cuộc sống trôi đi

Từ cuộc sống khơi nguồn.

(Bàng Sĩ Nguyên)