Tam đại con gà

TAM ĐẠI CON GÀ

(Truyện cười)

I – GỢI DẪN

1. Thể loại

Truyện cười là một thể loại văn học dân gian xuất hiện từ thời xã hội phân chia giai cấp, rất phát triển và có sức sống lâu bền. Cho đến nay, kho tàng truyện cười vẫn tiếp tục được bổ sung. Truyện cười thường có dung lượng ngắn nhưng với ngôn ngữ tinh và sắc, nghệ thuật kể chuyện đầy bất ngờ, truyện cười có giá trị phê phán rất lớn. Tác giả dân gian thường tạo nên những tình huống đối lập nhau, rất dễ nhận ra để gây cười và để phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc sống.

2. Tác phẩm

Tam đại con gà là một truyện cười dân gian phê phán thói giấu dốt. Tác giả đã tạo nên một tình huống gây cười rất độc đáo : Một anh học dốt nhưng đi đâu cũng lên mặt “văn hay chữ tốt”, đã thế còn cả gan đi dạy học. Nhận ra cái dốt, luôn giấu dốt, nhưng anh ta lại có tài chống chế. Và chính sự chống chế của một kẻ ngốc là chi tiết gây cười.

Truyện cười thường có giá trị phê phán rất lâu dài. Câu chuyện này cũng vậy. Xã hội đã hiện đại, nhưng không phải đã hết những kẻ giấu dốt và thích khoe mẽ. Vì thế, câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh rất sâu sắc.

3. Tóm tắt

Xưa có anh học trò dốt nát nhưng cứ lên mặt văn hay chữ tốt. Có hôm đang dạy học trò, gặp chữ không biết, anh nói liều rồi bảo học trò đọc khẽ. Sau xin được đài âm dương, anh mới bảo trẻ đọc to. Người nhà thấy anh dạy chữ “kê” sai liền thắc mắc, anh tìm kế chối quanh: “tôi dạy cháu thế là để nó biết tận tam đại con gà kia”!

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Cái dốt, lại là cái dốt của học trò thì đáng chê mà không đáng cười ; còn dốt mà cố làm ra giỏi, sĩ diện hão, giấu dốt mới là cái đáng cười. Đối tượng của tiếng cười trong truyện Tam đại con gà chính là cái dốt và thói sĩ diện hão, giấu dốt vẫn thường thấy trong đời sống.

Nghệ thuật xây dựng mâu thuẫn gây cười trong truyện Tam đại con gà thể hiện ở sự phát triển của mâu thuẫn gây cười: thầy dạy chữ, gặp chữ kê, nghĩa là “gà”, thầy mù tịt, học trò hỏi gấp, thầy cuống lên nói liều : “Dủ dỉ là con dù dì”. Cái láu cá ở đây là “Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ”.

Láu cá nhưng không chịu học hỏi, gặp chữ khó, thầy tìm đến thổ công gieo âm dương để xác nhận đúng sai, ba đài âm dương ngửa, thầy đắc chí, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường cho học trò đọc rõ to. Mâu thuẫn được đẩy cao thêm khi chạm trán với chủ nhà, thói giấu dốt của thầy bị “lật ngửa” thảm hại. Nhưng không dừng ở đấy, sự nhanh nhảu, láu cá “chữa cháy” của thầy càng khiến thói giấu dốt được dịp phơi bày đến cùng : “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà !”. Cách giải thích vòng vo, nguỵ biện vô căn cứ của thầy đồ giấu dốt đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm, là yếu tố gây cười thú vị.

Truyện cười không chỉ mang đến cho người đọc những giây phút giải trí thoải mái sau những giờ làm việc vất vả, truyện cười còn góp phần phê phán để loại trừ những thói hư tật xấu trong xã hội. Gửi vào tiếng cười những ý nghĩa nhân sinh thiết thực, tác giả dân gian đã làm cho truyện cười có sức sống mạnh mẽ cùng các thể loại văn học khác.

III – LIÊN HỆ

Đáng lẽ phải hỏi người biết chữ hoặc tìm đọc trong sách thì thầy đồ lại đi hỏi ông thổ công. Đó là cách hỏi ngược đời, trái tự nhiên xưa nay chưa từng có. Chi tiết thầy đồ “xin ba đài âm dương” để hỏi ông thổ công về cái chữ “dủ dỉ”, thật là một sáng tạo độc đáo của tác giả dân gian. Với sự sáng tạo độc đáo này, tác giả dân gian đã làm cho truyện Tam đại con gà phát triển thêm một bước cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

Về nội dung, mở rộng thêm phạm vi và đối tượng bị phê phán, chế giễu. Ngoài thầy đồ còn có thêm ông thổ công cũng dốt. Và thầy đồ không những dốt chữ mà còn dốt cả về phương pháp học hỏi, tin theo “đài âm dương” một cách mù quáng, đáng cười.

Về nghệ thuật, việc đưa thêm nhân vật “thổ công” tham gia vào chuyện tuy là hư cấu, “bịa đặt” nhưng rất hợp lí và cần thiết. Nó làm cho truyện phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và độc đáo hơn. Sau khi xin ba đài âm dương, được ông thổ công đồng ý, thầy đồ mới đắc chí và vững dạ cho học trò gào to (“Dủ dì là con dù dì”). Và do đó người chủ nhà đang làm vườn mới nghe được cái chữ “dủ dỉ” lạ tai, lạ đời ấy để chất vấn thầy đồ, dồn thầy đồ đến chân tường, buộc “thầy” phải bộc lộ đầy đủ sự giấu dốt ngoan cố của mình.

Khi thầy đồ nói : “Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà !” thì rõ ràng là sự giấu dốt đã phát triển đến độ cao đặc biệt của nó. Bởi vì ở đây khi cái dốt đã bị truy đuổi đến cùng, không còn nơi để ẩn nấp, lẩn trốn, thì lại được công khai biện hộ và chứng minh là rất uyên bác và thâm thuý ! Cái hay của tác phẩm, cái tài của tác giả chính là ở chỗ đó.

Truyện Tam đại con gà có tất cả bốn nhân vật (thầy đồ, học trò, ông thổ công và chủ nhà). Trong đó, thầy đồ là nhân vật chính đồng thời là đối tượng chủ yếu của tiếng cười phê phán. Với mức độ và tính chất khác nhau, ba nhân vật kia đều là phương tiện và điều kiện cần thiết để cho nhân vật chính bộc lộ cái đáng cười của nó.

Còn một điều đáng chú ý nói thêm là ở đây dường như tác giả có dụng ý tạo ra sự khác nhau, thậm chí đối lập nhau giữa hai nhân vật phụ là ông thổ công và người chủ nhà. Người chủ nhà thì giỏi chữ và truy vấn, phản bác thầy đồ đến cùng ; còn ông thổ công lại dốt chữ và đồng tình, chấp nhận cái dốt của thầy đồ. Sự trái ngược đó giữa hai nhân vật là rất cần thiết đối với cốt truyện. Nhân vật “thổ công” tuy chỉ được nói đến và thể hiện qua việc xin đài âm dương của thầy đồ nhưng vai trò và tác dụng rất đáng chú ý. Có thể coi đây là một nhân vật “lưỡng tính”, vừa có tính chất đối tượng, vừa có tính chất phương tiện của tiếng cười phê phán. Loại nhân vật “lưỡng tính” này cũng có trong một số truyện cười dân gian khác (Ví dụ em bé tối dạ trong truyện Lạy cụ Đề ạ, người lính hầu trong truyện Cái tăm quan huyện, người đầy tớ trong truyện Đầy tớ thanh minh cho chủ…).

 (Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian, NXB Giáo dục, 2001)