Đề luyện HSG Văn 8 số 1
I. Phần trắc nghiệm
* Có đoạn văn:
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Hầu như bạn và tôi không bao giờ để ý rằng bài ca dao đã đổi vần một cách đột ngột…Đổi vần có khác nào như dòng nước đang chảy xuôi, ta dựng lên một cái đập, hoặc buộc dòng nước đổi chiều; đổi vần để bắt ta phải chú ý chỗ dòng thơ cuộn lên, buộc ta phải chứng kiến, phải quan sát một sự kiện gì đây…Nhịp thư dồn dập, khẩn trương….Tưởng có gì mới! Té ra tác giả lại nhắc lại câu thứ hai trong bài ca dao ấy: Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng, chỉ có điều là đã lật ngược lại thứ tự các hình ảnh: nhị vàng ở cuối câu trước thì nay lại để lên đầu câu sau….Nhưng chính cái mới lại nằm trong chi tiết ấy. Chính nhờ sự đảo ngược hình ảnh ấy mà chúng ta như thấy hiện lên bàn tay của ai đó đang lật từng lá sen xanh, chỉ từng bông sen trắng, đếm từng nhị sen vàng, như để phân bua cùng chúng ta: Đấy, bạn thấy rõ nhé…nào nhị vàng, nào bông trắng, nào lá xanh (tôi đã lật đi lật lại từng cái một cho bạn xem kĩ); và: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Bây giờ thì bạn đã được thuyết phục hoàn toàn; cái chân lý hoa sen trong sạch giữa bùn nhơ (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) đã nhập tâm bạn, không cưỡng được.
* Trả lời bằng cách khoanh tròn vào chữ cái in hoa ở đầu các câu. (Nếu cả 4 câu đều không đúng thì để nguyên; nếu có 2 hoặc 3, hoặc cả 4 câu đều đúng thì khoanh tròn 2,3 hoặc cả 4.)
1. Tác giả của đoạn văn trên là:
A. Hoài Thanh C. Huy Cận
B. Đặng Thai Mai D. Tế Hanh
2. Đoạn văn trên thuộc kiểu loại văn bản:
A. Thuyết minh C. Tự sự
B. Miêu tả D. Nghị luận
3. Các từ xanh, trắng, vàng thuộc trường nghĩa nào? tìm thêm từ 4 –6 từ khác cùng trường nghĩa ấy. Các từ bùn, hôi tanh có thuộc trường nghĩa trên không? Vì sao?
4. Trong đoạn văn trên có mấy câu văn được đặt trong dấu ngoặc đơn? Tác dụng của các dấu ngoặc đơn ấy dùng để làm gì?
A. 1 câu, để chú thích.
B. 2 câu, để giải thích
C. 2 câu: câu 1 để bổ sung chi tiết: 2 câu để giải thích cụ thể
D. 1 câu, 1 ngữ (cụm từ) để giải thích, bổ sung.
5. Trong đoạn văn trên có mấy câu cảm? Nếu có, em hãy chép lại câu cảm ấy và chỉ rõ nó gợi lên cảm xúc gì?
A. 1 câu, chỉ cảm xúc vui thích
B. 2 câu, chỉ cảm xúc hài lòng.
C. 3 câu, chỉ cảm xúc ngạc nhiên, chấp nhận và sung sướng.
D. 1 câu, chỉ cảm xúc ngạc nhiên
6. Câu: Hầu như bạn và tôi không bao giờ để ý rằng bài ca dao đã đổi vần một cách độ ngột thuộc loại câu gì trong A hay B? C hay D?
A. Câu đơn. C. Câu nghi vấn.
B. Câu ghép D. Câu trần thuật.
7. Câu: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn thuộc loại câu nào?
A. Câu khẳng định. C. Câu cảm thán
B. Câu phủ định D. Câu cầu khiến
8. Trong hai câu ca dao:
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Tác giả dân gian đã dùng biện pháp lựa chọn trật tự từ như thế nào và để làm gì?
A. Miêu tả lần lượt từng bộ phận của đối tượng từ trong ra ngoài.
B. Miêu tả lần lượt từng bộ phận của đối tượng từ ngoài vào trong
C. Để người đọc ngạc nhiên vì sự thật rõ ràng mà chẳng mấy ai để ý nhận ra.
D. Để chuẩn bị cho câu kết khái quát phẩm chất đặc biệt của đối tượng.
9. Tìm và chép những câu văn miêu tả, biểu cảm trong đoạn văn trên và nêu rõ tác dụng của chúng. Miêu tả và biểu cảm có phải là mục đích chủ yếu của đoạn văn trên không? Vì sao?
10. Nếu chuyển đoạn văn trên thành căn bản thuyết minh về cây sen thì sẽ hình thành một dàn ý khái quát như thế nào?
II. Phần tự luận (bài văn ngắn).
Đề bài:
* Chọn một trong các đề sau, để viết thành bài văn dài tối đa 01 trang giấy thi.
Đề 1 . Bàn về tác hại của việc hút thuốc lá riêng đối với học sinh.
Đề 2. Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ, hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
(Trích Quê hương, Tế Hanh)