Ôn tập tổng hợp Văn 8

Ôn tập tổng hợp Văn 8

 Bài tập 1: Tác giả nào?

A. 1, Ông sinh năm 1911 và mất năm 1988, quê ở ngoại ô thành phố Huế.

2, Ông sáng tác văn thơ từ trước cách mạng.

3, Sáng tác của ông toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.

 (Thanh Tịnh)

B. 1, Ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học VN.

2, Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996.

3, Ông nổi tiếng với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.

(Nam Cao)

C. 1, Ông quê ở Nam Định nhưng sống chủ yếu trong một xóm lao động nghèo ở thành phố cảng Hải Phòng.

2, Ngòi bút của ông hướng về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương thắm thiết.

3, Ông được mệnh danh là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng.

 (Nguyên Hồng)

D. 1, Ông vừa sáng tác vừa biên soạn lại các truyện cổ tích và cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng.

2, Tên tuổi của ông gắn liền với đất nước Đan Mạch và loại truyện kể cho trẻ em.

3, Ông là tác giả của truyện Cô bé bán diêm.

(An-đéc-xen)

E. 1, Ông là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng.

2, Ông làm thơ cũng là để làm cách mạng.

3, Ông là cây đại thụ của nền thơ ca cách mạng VN.

(Tố Hữu)

G. 1, Ông là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc.

2, Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần 2 và 3, ông được giao trọng trách làm Tiết chế thống lĩnh toàn quân.

3, Ông đã viết bài hịch nổi tiếng để kêu gọi tướng sĩ đồng tâm giết giặc.

  (Trần Quốc Tuấn)

H. 1, Tác phẩm của ông nhằm đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội Pháp TK XVII .

2, Điều ý nghĩa nhất mà ông đem đến cho khán giả là tiếng cười sảng khoái và sâu sắc.

3, Ông là nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp, tác giả của nhiều vở hài kịch kinh điển.

(Mô-li-e)

Bài tập 2: Tác phẩm nào?

A. 1, Văn bản thể hiện sâu sắc niềm tự hào dân tộc.

2, Văn bản trình bày 1 quan niệm toàn diện và hoàn chỉnh về quốc gia , dân tộc.

3, Văn bản có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta ở TK XV.

(Nước Đại Việt ta)

B. 1, Đây là một văn bản nghị luận nổi tiếng ra mắt độc giả vào năm 1925.

2, Bút pháp trào phúng là một trong những yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm.

3, Trong văn bản này, tác giả đã kết án đanh thép tội ác của chế độ thực dân.

 (Thuế máu)

C. 1, Bài thơ thể hiện tâm sự bất hoà sâu sắc với thực tại xã hội tầm thường, nhàm chán.

2, Thi sĩ muốn thoát li khỏi thực tại đó bằng mộng tưởng.

3, Đó là một giấc mộng thoát li thể hiện rõ chất đa tình và rất ngông.

(Muốn làm thằng Cuội)

D. 1, Bài thơ thể hiện phong thái ung dung, đường hoàng của người tù trong cảnh giam cầm.

2, Người tù ấy đã biết vượt lên trên cảnh ngộ, giữ vững khí phách kiên cường và theo đuổi đến cùng khát vọng giúp đời cứu nước.

3, Đấy là những lời tâm huyết của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác)

E. 1, Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên đắm say của thi nhân.

2, Tình yêu thiên nhiên ấy được bộc lộ trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

3, Ở đó, người và trăng đã vượt qua mọi cản ngăn để đến với nhau như một đôi bạn tri âm tri kỉ.

(Ngắm trăng)

G. 1, Tác phẩm là một bài ca về lòng yêu thương con người.

2, Ở đó, dù sống nghèo khổ nhưng những người nghệ sĩ vẫn không nguôi khát vọng sáng tạo ra những kiệt tác.

3, Những tác phẩm NT được coi là kiệt tác khi nó được sáng tạo vì sự sống của con người.

(Chiếc lá cuối cùng)

H. 1, Bài văn như một giai điệu thiết tha, nồng cháy về tình yêu quê hương của tác giả.

2, Tình yêu quê hương đó gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm, trong trẻo.

3, Sâu đậm và ý nghĩa nhất là những kỉ niệm trên đỉnh đồi, dưới gốc hai cây phong.

(Hai cây phong)

Bài tập 3: Nhân vật nào?

A. 1, Đây là nhân vật chính trong một tiểu thuyết hiện thực của văn học VN 1930-1945.

2, Nguyễn Tuân đã gọi nhân vật này là “cái đốm sáng đặc biệt” của tác phẩm.

(Chị Dậu)

B. 1, Đây là một nhân vật nhỏ tuổi.

2, Nhân vật này rất đáng thương trong đêm giao thừa.

(Cô bé bán diêm)

C. 1, Nhân vật này gây cười cho độc giả.

2, Cái đáng cười là thói rởm hợm lố lăng, thích học đòi làm quý tộc.

 (Ông Giuốc-đanh)

D. 1, Đây là một nhân vật người già rất đáng thương.

2, Nhân vật ấy đã bị gạt ra ngoài lề cuộc sống, bị quên lãng ngay cả khi vẫn còn hiện diện.

(Ông đồ)

Bài tập 4: Đúng hay sai? ( hãy bôi đen dấu ngoặc đơn để thấy đáp án)

1, Chủ đề của văn bản là đối tượng và vấn đề chính mà văn bản biểu đạt.(Đ)

2, Đôn-ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa là hai nhân vật có những nét tính cách trái ngược nhau cho nên không thể đồng hành cùng nhau trong các cuộc phiêu lưu.(S)

3, Các câu trong đoạn văn có nhiệm vụ triển khai và làm sáng tỏ chủ đề của đoạn bằng các phép diễn dịch, quy nạp, song hành,…(  )

4,  Trợ từ là những từ chuyên đi kèm với ĐT, TT để bổ sung ý nghĩa cho ĐT, TT đó. (S)

5, Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm .(Đ)

6, Trong văn bản thuyết minh, chỉ cần chú ý đến các tri thức được cung cấp, ngoài ra các yếu tố khác không cần quan tâm đến.(S)

7, Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu phần chú thích (giải thích, thuyết minh, bổ sung thêm).  (   )

8, Tóm tắt văn bản tự sự là dùng lời văn của mình kể lại các sự việc và nhân vật của VB đó. (S)

9, Khi trình bày luận điểm chỉ cần tìm đủ các luận cứ cần thiết, tổ chức lập luận theo một trật tự hợp lí. (S)

 10, Nhớ rừng là bài thơ diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt của nhân vật trữ tình. (Đ)

11, Muốn viết bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh thì tốt nhất phải đến nơi thăm thú, quan sát hoặc tra cứu sách vở, hỏi han những người hiểu biết về nơi ấy. (Đ)

12, Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định. (Đ)

13, Các luận điểm trong bài văn nghị luận vừa cầ liên kết chặt chẽ, lai vừa cần có sự phân biệt với nhau. Các luận điểm phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí: Luận điểm nêu trước chuẩn bị cơ sở cho luận điểm nêu sau, còn luận điểm nêu sau dẫn đến luận điểm kết luận.  (Đ)

14, Văn nghị luận rất cần có yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả.(Đ)

15,  Mục đích chính của văn bản Thuế máu là tố khổ cho người dân ở các nước thuộc địa. (S)

Bài tập 5:

 Chọn một trong các tác giả được nhắc đến ở bài tập 1 và viết thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 câu.

Bài tập 6:

Chọn một trong các tác phẩm được nhắc đến ở bài tập 2 và viết thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 câu.

Bài tập 7:

Chọn một trong các nhân vật được nhắc đến ở bài tập 3 và viết thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 câu.

Bài tập 8:

Sửa lại những trường hợp sai đã phát hiện ở bài tập 4 cho đúng.