Sau đây là một bài bình thơ “Ông Đồ Già“. Bài này của một tác giả khuyết danh, và đã được đăng trên nguyệt san “Kiến Thức Ngày Nay”, các bạn nên tham khảo thôi còn khi làm bài thì nhớ phát triển theo ý kiến cá nhân của mình nhé.
Ông đồ – Vũ Đình Liên
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
(1936)
Bình bài thơ Ông Đồ
Tất cả, năm khổ thơ với vỏn vẹn trăm từ, thoáng qua như một phim tài liệu cực ngắn. Nhưng do đâu điệu buồn của nó chưa thôi day dứt lớp người ở những năm cuối của thế kỷ 20, mà phần lớn xa lạ với Hán học và có khi chưa một lần nhìn thấy hình ảnh ông đồ khăn đóng, áo the của một thời ! Những bạn đọc của thời mở cửa, đang háo hức với một ngoại ngữ phổ biến hơn cả thứ tiếng đã thay thế chữ nghĩa của ông đồ ngày nào, đồng cảm thế nào với bài thơ ? Họ tìm thấy điều gì gần gủi ở ông già cô đơn ấy khi ngay những kẻ cùng thời đã tỏ ra hững hờ ?
Trong một bài phỏng vấn, tác giả đã giải đáp hộ điều mà bao lâu những bạn đọc tinh ý lấy làm ngờ. Đúng là nhà thơ có dụng ý mượn hình ảnh hoa đào và không khí bùi ngùi, man mác của Thôi Hộ trong bài Đường thi lưu danh thiên cổ. Lạ cho loài hoa nổi tiếng phương Đông, đẹp và sang đến thế, lại thêm một lần bị thi nhân bắt chứng kiến chuyện biệt ly, dâu bể. Ai chẳng biết so về nhan sắc với mỹ nhân thì chỉ thiệt thòi cho ông đồ già, nhưng sự vắng bóng của ông khi hoa đào y như năm cũ lại nở — hợp qui luật thiên nhiên mà cũng vô tình biết bao — vẫn gây được hiệu quả tình cảm và nghệ thuật.
Không có cái chắt lọc, đài các như ngôn ngữ Thôi Hộ. Ngôn ngữ của Vũ hiền lành, giản dị, nhịp điệu chậm rãi, khoan thai như bất giác lây lan phong thái của nhân vật “Ông đồ”. So với
“Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến – Một phương trời mây lạc bóng trăng khuya.”
cũng chính của tác giả và cùng một đề tài hoài cổ, thì thấy rõ lối hành văn giản dị ở đây là kết quả của sự dụng công.
Sự gò bó và giọng đều đều thường thấy ở thơ ngũ ngôn lại giúp cho bài thơ mở đầu có giọng khách quan, kềm chế tình cảm. Hai khổ thơ toàn tả thực cũng hỗ trợ tốt cho mục đích này :
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
…………….
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài.”
Nhưng chỉ qua khổ thơ thứ 3, giọng khách quan này liền bị phá vỡ bởi hai câu thơ vào loại xuất thần : “Giấy đỏ buồn không thắm – Mực đọng trong nghiên sầu..”
Chao ôi, đến hoa mà phương Đông tin là có thần, có hồn còn vô tình “y cựu tiếu đông phong”, nghĩa là hóa ra vẫn là loài vô tri, vô giác, nói chi hạng giấy, mực. Thứ mực phảng phất sầu và loại giấy buồn mà không thắm ấy chỉ có thể là thứ giấy và mực bị nhòe đi, rưng rưng trước mắt nguời biết chuyện đấy thôi !
Màu giấy đỏ và sắc hoa đào. Những xác lá vàng lay lắt rơi rơi quanh cái dáng đen sẫm, bất động của ông đồ già. Tình người nhạt dần theo mỗi khổ thơ:
“Nhưng mỗi năm một vắng
Người thuê viết nay đâu ?
…………….
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay.”
Cho đến khi lụi tàn hẳn, và đất trời hình như cũng muốn hòa vào cuộc ngậm ngùi chung bằng làn mưa bụi bay và cái tiết trời bỗng dưng da diết.
Cảnh ấy, sắc ấy, tình ấy hòa hợp với nhau đưa cảm xúc cao dần để tiếng thở dài cuối cùng: “Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ ?”
trở nên sâu lắng hơn, lay động tình người hơn.
Ở mặt khác bài thơ lại đan chéo những cặp đối nghịch: cái tất bật của khách qua đường và sự đơn độc của ông đồ, cái buồn thấu xương của kiếp người bên cảnh phố phường rộn ràng mừng xuân mới, và bất nhẫn làm sao, sự lặng lẽ của người đại diện cuối cùng của nền Hán học tàn tạ, lặng lẽ cả lúc rút lui, lại diễn ra ở một nơi ồn ào, trần ai bậc nhất trên thế gian: hè phố ! Cái đám tang tự đưa giữa phố đông hững hờ mà người tri âm duy nhất lại có mặt khi cỗ xe khuất bóng từ lâu rồi !
Có sự dồn nén thái quá những cặp hòa hợp và đối nghịch trên vuông thơ nhỏ hẹp có 100 từ này. Nhưng là sự thái quá làm nên kiệt tác. Mỗi chúng ta sau phút lặng người, và gần như tránh mặt nhau vì cái cảm giác đồng trách nhiệm nào đó, bỗng bắt đầu giành nhau lên tiếng. Nhưng tất cả như bị hút, bị dạt đi trong cái từ trường do chính sự im lặng của nhân vật. Vâng, âm thanh có trọng lượng nhất mà bài thơ tạo được chính là sự im lặng tuyệt đối của ông đồ. Nó đè nặng lên tim. Nó khuấy động não bộ. Nó tạo trạng thái tinh thần bất ổn cần thiết để đối mặt với bất cứ một vấn đề nghiêm túc nàọ. Có điều đâu thực sự là v/đ, là tầng cảm xúc chính của bài thơ ?
Theo Hoài Thanh thì “Ông Đồ” là “lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đang đi về cõi chết”, những con người mà một thời họ đã “xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu”. Nhà phê bình đã có một trích dẫn quan trọng từ bức thư của chính Vũ Đình Liên: “Ông chính là di tích đáng thương của một thời tàn”, và dựa vào ý này, tác giả “Thi nhân Việt Nam” kết luận: “Bài thơ của người có thể xem là một việc nghĩa cử”
Sẽ là một chuyện thất lễ và dường như vô lý nữa khi nghi ngờ ý kiến của chính tác giả và nhà phê bình uy tín. Nhưng khi ở một đoạn khác, Hoài Thanh gọi đối tượng của nhà thơ bằng cụm từ không úp mở “Những kẻ thân tàn ma dại” đang “đi về cõi chết” thì chúng tôi e rằng giọng tuyên ngôn hùng hồn mà ông bắt buộc phải dùng khi hạ huyệt thơ cũ và tôn xưng vị trí của thơ mới có ảnh hưởng phần nào tới việc bình thơ chăng ? Nếu đọc một bài thơ khác cũng cùng điệu hoài cổ, bài “Lòng ta là một hàng thành quách cổ”, chúng ta nhận ra giọng thương tiếc trang trọng hơn là lối thương hại của kẻ thắng cuộc. Và tiếng thở dài băn khoăn ở cuối bài thơ “Ông Đồ” có một chiều sâu hơn thứ tình cảm biết điều của người đang đi dự tang lễ, đang đi làm chuyện nghĩa cử. Khi một cực là Đường Thi với Thôi Hộ, và cực kia là ý thơ của Francois Villon (Làm sao tìm lại được tuyết năm xưa ? Mais où sont les neiges d’antan ?) đã gợi hứng cho “Ông Đồ” như chính tác giả thừa nhận, thì cái sầu thuần một màu tê tái trong cả hai dòng thơ Đông Tây rõ ràng cùng một gam màu với điệu buồn trong những câu thơ của Vũ Đình Liên. Nói khác đi, sự dùng dằng kẻ ở người đi trong cõi nhân tình không thể giản đơn, rành rẽ mới, cũ như những nhà chính luận mong muốn. Nghệ thuật luôn cần cái lung linh mê hoặc dễ len vào hồn người\.
Nhưng hoài cổ ở đây không phải là tiếc nuối thứ chữ “rồng bay phg múa” của ông đồ. Từ ngày ông đồ già không trở lại, x/h đã mấy lần chứng kiến cảnh thay bậc, đổi ngôi về ngôn ngữ — bản thân nhà thơ là một người giỏi tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ đã thay thế thứ chữ mà ông đồ đã viết trên giấy hồng điều thuở nào — nhưng không thấy s/tác nào về “Ông đồ” Tây hay “Ông đồ” Nga … xuất hiện. Chưa nói dẫu có, chúng cũng không thể tạo được sự đồng cảm rộng rãi như đã thấy với “Ông đồ”.
Sự thực, sự thay đổi từ Hán học qua Tây học có một ý nghĩa đặc biệt của nó. Suốt bao thế kỷ, Hán học gắn với dân tộc, gắn với những giá trị nhân bản của phương Đông. Đấy là thứ chữ ông cha ta đã dùng để trước tác. Nó không những là ngôn ngữ hành chính, thi cử mà còn là ngôn ngữ tâm linh của đền chùa, kinh kệ, văn tế… Tựa như gác chuông, tháp chùa, hình ảnh ông đồ, câu đối… từ lâu đã thân thuộc với mọi người\. Đã đành việc thế chân của Tây học là một tất yếu của thời đại và của hoàn cảnh đất nước ngày đó. Chưa nói cái học từ chương, nệ cổ đã góp phần suy vi sức mạnh của dân tộc. Nhưng một dân tộc tự trọng từng trải qua bao thế kỷ tự chủ và từng dùng chữ Hán như ngôn ngữ chính của một quốc gia độc lập, không thể quên rằng Tây học đã “nhập khẩu” vào đất nước mình như một áp đặt cùng với tàu chiến và đại bác, mà cảnh sụp đổ của cái học cũ luôn gợi lại vết thương vong quốc của mình.
Và có thể vượt qua ý đồ của t/g và nhà phê bình, bài thơ đã tìm thêm được sự đồng cảm trong tâm thức dao động, phức tạp của cả một dân tộc trong buổi giao thời khi giá trị tr/thống có nguy cơ mai một. Trong lúc cái mới chưa thu phục được nhân tâm, nó đánh vào lòng tự trọng bị xúc phạm và cả tâm lý phù suy, xót thương kẻ khó. Mặt khác, nó còn gợi tâm trạng khắc khoải đi tìm nguồn cội trước một cuộc triển lãm khổng lồ của những cảnh lố lăng, kệch cỡm thường thấy ở các buổi giao thời.
Sự biểu lộ tình cảm với ông đồ già và sự lưu luyến với hình ảnh đã mai một ấy trong lòng bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua, hẳn phản ảnh những tâm sự phức tạp, những ưu tư đa dạng hơn chúng ta tưởng.
Cuối thế kỷ 20, con tàu Việt Nam lại đang qua ngã rẽ mới. Không còn không khí tủi buồn thuở nào. Đất nước đang lạc quan. Nhưng tình tự về nguồn và việc xác lập lại những giá trị tinh thần đã được thử thách của dân tộc ở mặt nào đó sẽ gặp thách thức. Buổi “giao thời” hôm nay vẫn hứa hẹn những hoạt cảnh lố lăng, lai căng mà hơn một lần chúng ta đã chứng kiến. Sự vồ vập với những giá trị ngoại lai đáng nghi ngại, thái độ “vô tri bất mộ” đối với di sản quý báu của người đi trước, và nói riêng mặt ngôn ngữ, tiếng nói cha ông đang có nguy cơ trở thành một thứ “ngoại ngữ” thất sủng ngay trên quê hương mình.
Và vì vậy, người ta vẫn còn ngậm ngùi, băn khoăn khi đọc “Ông Đồ”. Việc rút lui lặng lẽ không đơn từ khiếu nại của ông không chỉ gợi thương tâm, mà tiếp tục mời gọi, khuấy động những vấn đề sâu xa cho xã hội cùng suy ngẫm.