Bài tập chữa lỗi diễn đạt
I. Một vài chú ý khi viết câu:
– Khi viết câu, ngoài việc phải chú ý viết đúng ngữ pháp, còn cần chú ý đến mối quan hệ lô-gíc giữa các thành phần câu và các từ ngữ trong câu.
– Về mặt lô-gíc, cần chú ý tránh một số lỗi sau:
+ Lỗi mâu thuẫn lô-gíc giữa chủ ngữ và vị ngữ: Cái bàn này vuông.
+ Lỗi liệt kê không đồng loại: Em rất thích học văn, sử và nhiều môn học tự nhiên khác.
+ Quan hệ giữa các vế câu không lô-gíc: Vì trời mưa nên em vẫn đi học.
II. Luyện tập
Bài tập 1: Phát hiện lỗi lô-gíc trong các câu sau.Chữa lại các lỗi đó.
- Tố Hữu là một nhà thơ lớn, ông đã để lại hàng trăm bài văn tuyệt tác.
- Nếu không tin bạn thì sao em lại cố tình không nói những bí mật của em.
- Tuy nhà rất xa trường nhưng hôm nào em cũng đi học muộn.
- Trời đã bắt đầu tối nên em nhìn rõ bạn Nam đang vẫy em ở đầu phố.
Bài tập 2: Những câu sau mắc lỗi lô-gíc nào? Hãy chữa lại các lỗi đó.
- Em hứa sẽ học tốt các môn toán, lí, hoá và các môn khoa học xã hội khác.
- Con thích mua xe hay xe đạp?
- Trong việc học tập nói chung và lao động nói riêng, bạn Nam đều rất gương mẫu.
Bài tập 3: Đọc lại các bài tập làm văn của em và phát hiện các lỗi lô-gíc. Chữa lại các lỗi đó (nếu có).
Gợi ý
Bài tập 1: Chú ý đến mối quan hệ lô-gic giữa các vế câu.
- nhà thơ lớn – bài văn tuyệt tác
- Cặp quan hệ từ: nếu – thì
- Cặp quan hệ từ: tuy – nhưng
- Quan hệ từ: nên
Tham khảo cách chữa sau:
- Tố Hữu là một nhà thơ lớn, ông đã để lại hàng trăm bài thơ tuyệt tác.
- Vì không tin bạn nên em cố tình không nói những bí mật của em.
- Tuy nhà rất xa trường nhưng hôm nào em cũng đi học đúng giờ.
- Trời đã bắt đầu tối nhưng em vẫn nhìn rõ bạn Nam đang vẫy em ở đầu phố.
Bài tập 2: Chú ý đến mối quan hệ lô-gic giữa các từ ngữ cùng chức vụ ngữ pháp.
- quan hệ giữa: toán, lí, hoá và các môn khoa học xã hội
- quan hệ giữa: xe hay xe đạp
- quan hệ giữa: việc học tập nói chung và lao động nói riêng
Tham khảo cách chữa sau:
- Em hứa sẽ học tốt các môn toán, lí, hoá và các môn khoa học xã hội.
- Con thích mua xe máy hay xe đạp?
- Trong cả việc học tập và lao động, bạn Nam đều rất gương mẫu.
Bài tập 3: Các bạn tự phát hiện các lỗi lô-gíc tương tự, phân tích và tìm cách chữa lỗi, nên ghi ra sổ riêng để tránh mắc lại lỗi này.