Ôn tập Văn thuyết minh

ÔN TẬP VĂN THUYẾT MINH

I. Kiến thức cơ bản:

  1. Nắm vững kĩ năng thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (bao gồm kĩ năng quan sát, thu thập tài liệu và kĩ năng tổ chức bài văn)
  2. Nắm lại một cách có hệ thống các kiến thức cơ bản về văn bản thuyết minh:

 – Vai trò và tác dụng của VB thuyết minh trong đời sống.

– Những đặc điểm của văn bản thuyết minh.

– Những phương pháp thuyết minh.

– Những phương pháp thuyết minh thường được chú ý vận dụng.

– Các kĩ năng lập dàn ý và viết đoạn văn thuyết minh ở từng kiểu bài cụ thể.

II. Luyện tập:

 Bài 1: đọc văn bản và trả lời câu hỏi:

(1) Hà nội có nhiều danh lam thắng cảnh. (2) Tuy nhiên nếu bạn là khách phương  xa đến thăm Hà Nội thì bạn nên dành thời gian đến thăm chùa Một Cột. (3) Chùa nằm ở trung tâm quận Ba Đình, phía bên phải lăng Bác, trên một con phố nhỏ cùng tên: phố Chùa Một Cột.

(4) Xét về tổng thể, chùa như một bông sen mọc lên trong lòng một cái hồ nhỏ. (5) Ngay giữa chính lòng hồ, người ta xây một trụ đá lớn, đường kính 1,2 m, nhô lên cao khỏi mặt nước 4m. (6) ở trên khối đá lớn này là hệ thống các thanh giằng, xà đỡ chắc chắn cho một mặt phẳng hình vuông mỗi chiều dài 3m. (7) Trên là một toà lầu nhỏ, kiến trúc cổ mái cong. (8) ở trong toà lầu, người ta thờ Phật Bà Quan Âm. (9) Để vào được chùa phải đi ngang qua một chiếc cầu thang bằng đá xây từ mép hồ. (10) Trên cửa có đề ba chữ “Liên Hoa đài”. (11) Đây là tên đúng của chùa. (12) Tuy vậy, chúng ta thường gọi đó là chùa Một Cột – đơn giản và thân thuộc.

(13) Nguồn gốc ra đời của chùa Một Cột rất thú vị. (14) Tương truyền rằng vua Lí Thái Tông nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngự trên toà sen nghìn cánh. (15) Nhà vua được Phật Bà dắt tay lên đài sen đứng cạnh mình. (16) Vua đem giấc mộng kể cho các quan. (17) Bá quan trong triều đều cho đấy là điềm lành và xin xây dựng một ngôi chùa thờ Quan Thế Âm. (18) Vì vậy, năm 1049 chùa được xây dựng với kiến trúc đồ sộ, gọi là chùa Diên Hựu. (19) Chùa được xây dựng trong một hồ nước có tên là hồ Linh Chiều. (20) ở giữa, nhà vua cho xây dựng một trụ đá lớn. (21) Phía trên xây đá tượng trưng cho đài sen nghìn cánh. (22) Trên đó đặt một lầu cao, bên trong có tượng Phật Bà bằng đá quý. (23) Vòng quanh hồ là dãy hành lang. (24) Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đầu có cầu vồng bắc để đi qua. (25) Tất cả hợp thành một quần thể kiến trúc thật quy mô, đồ sộ.

(26) Trải qua thời gian, chùa giờ không còn tồn tại nữa. (27) Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, Pháp ra lệnh nổ mìn phá huỷ chùa. (28) Khi vào tiếp quản Thủ đô, chính quyền đã cho xây dựng lại chùa với quy mô nhỏ hơn, mô phỏng hình ảnh chùa cũ. (29) Đến tháng 4 năm 1955, việc xây dựng được hoàn tất. (30) Trong chùa có trồng một cây bồ đề mà Tổng thống ấn Độ Pra-xát tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (31) Cả hai vị nguyên thủ đã cùng trồng cây bồ đề này. (32) Đến nay, nó đã trở thành một cây đại thụ, tán lá vươn rộng che rợp cả khu vườn.

(33) Tuy chỉ là mô hình thu nhỏ nhưng chùa Một Cột trở thành hình ảnh in sâu vào tâm linh mỗi người dân Hà Nội. (34) Đây cũng là một di tích lịch sử có một không hai trên đất nước. (35) Ngay từ năm 1962, chùa đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc.

a. Ngôi chùa được thuyết minh theo trình tự nào?

b. Các câu từ 13 đến 17 có thuộc VB tự sự không?

c. Yếu tố biểu cảm xuất hiện ở phần nào của VB? Có hợp lí và cần thiết không?

d. Phần MB và KB có quan hệ như thế nào?

5. VB đã huy động những kiến thức nào để giới thiệu về chùa Một Cột? Chỉ rõ câu văn có liên quan.

  Bài 2: a. Nêu yêu cầu của bài văn TM giới thiệu một danh lam thắng cảnh?

b. Dàn bài TM về một danh lam thắng cảnh?

c. Giới thiệu một danh lam thắng cảnh: Thủ đô Hà Nội (dàn ý)?

Bài 3: a. Nêu yêu cầu của bài văn TM một trò chơi?

b. Dàn bài TM một trò chơi?

c. Giới thiệu một trò chơi dân gian: Chi chi chành chành.

Bài 4: a. Nêu yêu cầu của BVăn TM một món ăn dân tộc?

b. Dàn bài TM một món ăn dân tộc?

c. Giới thiệu một món ăn dân tộc: Chả cá Hà Nội.

GỢI Ý

Bài 1: a. Ngôi chùa được thuyết minh theo hai trình tự:

– Trình tự không gian: từ dưới lên trên, từ chính giữa mở rộng ra xung quanh (từ câu 4-10, từ câu 19-25).

– Trình tự thời gian: từ thời nhà Lí đến ngày nay (từ câu 18-32).

b. Từ câu 13-17 không thuộc kiểu VB tự sự vì nó không nhằm kể chuyện mà nhằm cung cấp tri thức về nguồn gốc của chùa, đồng thời giải thích đặc điểm cấu tạo của chùa: Có thờ Phật Bà Quan Âm, có những kiến trúc bằng đá trông giống đài sen,…

c. Yếu tố biêủ cảm xuất hiện chủ yếu ở phần kết bài. Sự xuất hiện của yếu tố này là cần thiết. Đây là TM về một danh lam thắng cảnh – TM về cái đẹp trên quê hương đất nước nên cho phép bộc lộ tình cảm, sự rung động của người TM ở mức độ nhất định. Điều này khiến cho VB TM thêm hấp dẫn.

d. Phần MB giới thiệu về chùa Một Cột. Phần KB vừa là tổng hợp của phần TB vừa ngầm giải thích lí do vì sao ở phần MB lại khuyên người ta đến thăm chùa. Bài TM vì thế có sự hô ứng, tạo ra sự liền mạch và mối quan hệ chặt chẽ giữa các phần trong bài.

e. Các kiến thức được sử dụng để viết:

– Truyền thuyết dân gian: từ câu 13 – 17.

– Kiến thức lịch sử: câu 18, từ câu 27 – 31.

– Kiến thức về kiến trúc: từ câu 4 -10, từ câu 19 – 25.

Bài 2:

a. Yêu cầu: Muốn viết bài văn giới thiệu danh lam thắng cảnh thì phải:

– Tra cứu sách vở.

– Đến nơi tham quan, quan sát, hỏi han những người hiểu biết để có kiến thức đáng tin cậy về nơi ấy.

– Bài giới thiệu nên có bố cục đủ 3 phần.

– Bài giới thiệu dựa trên cơ sở kiến thức đáng tin cậy về nơi được giới thiệu.

– Lời văn chính xác và biểu cảm.

– Lời giới thiệu ít nhiều có kèm theo miêu tả, bình luận thì sẽ hấp dẫn hơn.

b. Dàn bài TM một danh lam thắng cảnh:

Mở bài: Giới thiệu danh lam thắng cảnh (thường bằng một câu định nghĩa: chỉ ra đặc điểm)

Thân bài:

– Nêu vị trí của danh lam thắng cảnh.

– Nêu lịch sử hình thành của danh lam thắng cảnh (hoặc xuất xứ của tên gọi).

– Nêu các phần của danh lam thắng cảnh.

– Miêu tả DLTC.

– Nêu đặc điểm của DLTC.

Kết bài: Lời đánh giá nhận xét về DLTC.

c. VB TM một danh lam thắng cảnh: Thủ đô Hà Nội (dàn ý).

MB: Theo tài liệu TG nghiên cứu lịch sử các thủ đô ở vùng Nam á như Viên Chăn, Phnômpênh, Băng Kôc, Kualalămpua, Giakacta,… thì trong số các thủ đô, Hà Nội là thủ đô nhiều tuổi hơn cả.

TB:

– Vị trí: Thủ đô Hà Nội thuộc đồng bằng sông Hồng, phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, phía tây giáp tỉmh Vĩnh Phúc, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, phía nam giáp tỉnh Hoà Bình.

– Xuất xứ tên gọi: Thủ đô HN ngày nay xuất hiện trong lịch sử Việt Nam chính thức vào năm 1010 (mùa thu tháng 7 năm canh tuất) với tên gọi Thăng Long. Nhà vua đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Khi đoàn thuyền của nhà vua vừa cập bến sông Nhị (sông Hồng), có rồng vàng hiện ra, thấy điềm lành, vua Lí cho đổi tên Đại La thành Thăng Long (Rồng bay lên), nay là HN. HN được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên. Do đó, HN gắn với sông Hồng mật thiết như con với mẹ. Xưa kia người ta đã gọi sông Hồng là sông Cái – sông Mẹ. Tên gọi Hà Nội có nghĩa là vùng đất bên trong sông.

– Các điểm tham quan du lịch ở HN:

+ Chùa Một Cột: Là di tích lâu đời của HN, tên chữ là Diên Hựu, có nghĩa là phúc lành dài lâu. Chùa ở phía tây thành phố, xây dựng năm 1049 thời vua Lí Thái Tông.

+ Hồ Tây – Đường Thanh Niên – Chùa Trấn Quốc: là một quần thể cảnh đẹp ở phía tây bắc thành phố. Có thể ví đường Thanh Niên như một cái cầu bắc ngang hai hồ nước, một bên là Hồ Tây, một bên là hồ Trúc Bạch.

+ Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn: nằm ở vị trí trung tâm thành phố, giống như một lẵng hoa giữa lòng HN. Hồ gắn với truyền thuyết trả gươm của vua Lê Thái Tổ.

+ Vườn thú và công viên Thủ Lệ: ở phía tây thành phố, trên một khu đất rộng hơn 30 ha, có hồ nước, có thế đất tự nhiên như hình rồng lượn.

+ Chợ Đồng Xuân: đã có hơn 100 năm, là chợ lớn nhất HN, nơi hội tụ sản vật trên rừng dưới biển của cả nước. Chợ Đồng Xuân là chiến luỹ oanh liệt của các chiến sĩ cảm tử bảo vệ HN năm 1946.

+ Phố cổ – Phố Nghề: đặc điểm chung của các phố cổ HN là nhiều tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó. VD: Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Mã,…

KB: đánh giá danh lam thắng cảnh.

– Thủ đô HN là trung tâm văn hoá chính trị của cả nước.

–  Với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, HN còn là một trung tâm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

Bài 3:

a. Yêu cầu:

– Trước tiên phải quan sát, tìm hiểu kĩ đặc điểm, đối tượng và cách chơi.

– Khi trình bày, cần giới thiệu lần lượt đặc điểm của trò chơi, những đối tượng chơi và nói rõ cách chơi để cho người đọc hiểu được.

 – Bố cục bài viết nên có đủ các phần: MB, TB, KB.

b. Dàn bài thuyết minh một trò chơi:

MB: Giới thiệu trò chơi. (thường bằng một câu định nghĩa: qui sự vật được định nghĩa vào loại của nó, chỉ ra đặc điểm hoặc công dụng riêng.)

TB: Nêu đặc điểm, đối tượng của trò chơi và cách chơi.

KB: Lời nhận xét về trò chơi.

c. Giới thiệu một trò chơi dân gian: chi chi chành chành.

MB: Giới thiệu trò chơi: Trò chơi dân gian là vốn quý của dân tộc, đã từng gắn liền với đời sống

lao động, các cuộc hội hè và đình đám của nhân dân, nhất là đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ.

TB:

– Đặc điểm của trò chơi: trò chơi tập thể, luyện nhanh nhẹn, phản xạ, không đòi hỏi phải có sân chơi.

– Đối tượng chơi: nhi đồng, thiếu niên.

– Cách chơi: một người xoè bàn tay ra, các người khác giơ một ngón trỏ ra đặt vào lòng bàn tay đó. Người chơi đọc nhanh bài đồng dao:”chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, tam vương ngũ đế, chấp chế đi tìm, ù à ù ập, đóng sập cửa vào.” Đến chữ cuối cùng của bài đồng dao, người chơi nắm tay lại, còn mọi người thì cố rút tay ra thật nhanh. Ai rút không kịp, bị người chơi nắm trúng thì phải xoè tay, đọc bài đồng dao trên cho những người khác chơi.

KB: Lời nhận xét: Trò chơi dân gian vừa thể hiện sức sáng tạo, lạc quan của người lao động, vừa là phương tiện giải trí thoải mái sau những giờ phút mệt nhọc hoặc bày tỏ niềm vui được mùa, chiến thắng thiên nhiên. Đặc biệt là những bài đồng dao kèm theo sẽ làm trò chơi hứng thú và đọng mãi trong kí ức tuổi thơ mỗi người.

Bài 4: Thuyết minh một món ăn mang bản sắc dân tộc:

a. Yêu cầu:

– Trước tiên phải quan sát, tìm hiểu kĩ nguyên vật liệu và cách chế biến món ăn.

– Khi trình bày, cần giới thiệu lần lượt khâu chuẩn bị nguyên liệu, nói rõ cách thực hiện và yêu cầu kĩ thuật của nó, sao cho người đọc hiểu.

 – Bố cục bài viết nên có đủ các phần: MB, TB, KB.

b. Dàn ý TM một món ăn mang bản sắc dân tộc:

MB: Giới thiệu ngắn gọn: (thường bằng một câu định nghĩa: qui sự vật được định nghĩa vào loại của nó, chỉ ra đặc điểm hoặc công dụng riêng.)

TB: Giới thiệu nguyên liệu, cách thực hiện, yêu cầu kĩ thuật.

KB: Lời nhận xét về món ăn.

c. Thuyết minh một món ăn mang bản sắc dân tộc: Chả cá HN.

MB: Giới thiệu món ăn: Sức sống mãnh liệt của món ăn đặc sản này đã được chứng minh bằng một sự kiện không ai phủ nhận: một tên phố của Hà Nội phải bỏ đi (phố Hàng Sơn) để lấy tên món ăn này đặt tên cho phố đó: Phố Chả Cá.

TB:

– Xuất xứ tên gọi: Sự nhường tên đó đã diễn ra cách đây gần 100 năm. Có thể coi đó cũng là tuổi của món chả cá HN, mà công khai sáng thuộc về gia đình họ Đoàn ở số nhà 14. Để khách dễ nhớ nhà hàng của mình, họ Đoàn có sáng kiến bày tượng ông Lã Vọng cầm cần câu và xách xâu cá ngay ở ngoài cửa hàng. Vì vậy mà hình thành tên gọi chả cá Lã Vọng.

– Cách thực hiện:

+ Chuẩn bị: Để thưởng thức món ăn cầu kì này, xin mách nhỏ các bạn: nếu chỉ có ít thời giờ muốn ăn vội để đi công việc thì không nên ăn chả cá. Một khi bạn đã ngồi vào bàn, nhà hàng lần lượt bày trước lên bàn các thứ phụ trợ: bát mắm tôm vắt chanh đánh nổi bọt trắng, điểm mấy lát ớt đỏ tươi lại được nhỏ thêm vài giọt rượu cho thơm. Đĩa lạc rang đã sát vỏ lộ một màu vàng óng, hạt đều tăm tắp. Cạnh đó là đĩa bún sợi nhỏ mượt, trắng phau. Rau thơm, rau mùi, thì là xanh mượt, hành củ tước nhỏ trắng toát như cánh hoa huệ.

+ Thực hiện: Khúc dạo đầu với những mùi vị và sắc màu như vậy thật gợi cảm biết bao. Khách sẵn

lòng chờ đợi đến lượt món chính ra mắt. Đây rồi, nhà hàng đã bê ra cái hoả lò than đặt lên bàn, chảo mỡ trên hoả lò đang sôi sèo sèo. Những cặp chả cá đã nướng trong bếp được đưa lên, gỡ ra cho vào chảo mỡ để khách tự gắp vào bát cho nóng.

KB: Lời nhận xét: Bây giờ Hà Nội có nhiều nhà hàng bán chả cá, chất lượng và chả cá cũng như nhà hàng Lã Vọng. Vậy các bạn có thể tiện đâu dùng đấy.