LUYỆN ĐỀ: KHI CON TU HÚ
I. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
– Tố Hữu (1920 – 2002) được coi là đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị Việt Nam thời hiện đại. Với ông, đường đến với cách mạng cũng là đường đến với thơ ca. Ông là “nhà thơ của lẽ sống lớn, niềm vui lớn”. Sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu, vì thế, trước hết xuất phát từ niềm say mê lý tưởng, từ những khát vọng lớn lao: Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát – Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta.
– Khi con tu hú được viết vào tháng 7- 1939 tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Đang say mê lý tưởng, đang nhiệt tình dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa, nhà thơ cảm thấy ngột ngạt trong cảnh giam cầm. Nhưng với tinh thần cách mạng kiên trung, nhà thơ vẫn hướng về cuộc đời rộng lớn bằng tình cảm thiết tha và khát vọng tự cháy bỏng.
– Về phương diện nghệ thuật, bài thơ cho thấy lục bát thực sự là thể thơ sở trường của Tố Hữu. Bài thơ giản dị thể hiện khả năng liên tưởng phong phú của nhà thơ và cách xây dựng hình ảnh gợi cảm, nhuần nhị.
II. Luyện tập:
1. Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào? Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến tâm hồn người chiến sĩ – thi sĩ Tố Hữu?
2. Nhận định nào nói đúng nhất ý nghĩa của nhan đề bài thơ “Khi con tu hú”?
A. Gợi ra sự việc được nói đến trong bài thơ.
B. Gợi ra tư tưởng được nói đến trong bài thơ.
C. Gợi ra hình ảnh nhân vật trữ tình của bài thơ.
D. Gợi ra thời điểm được nói đến trong bài thơ.
3. Tìm những chi tiết nói về vẻ đẹp của mùa hè. Nét độc đáo trong cách cảm nhận của nhà thơ?
4. Điền cụm từ thích hợp nhất để hoàn thành câu nhận xét về cảnh mùa hè được miêu tả trong 6 câu thơ đầu của bài thơ.
“Bằng tưởng tượng, nhà thơ đã khắc hoạ sinh động một bức tranh mùa hè…”
A. tràn ngập âm thanh C. ảm đạm, ủ ê
B. có màu sắc tươi sáng D. náo nức âm thanh và rực rỡ sắc màu
5. Phân tích tâm trạng của nhà thơ thể hiện trong 4 câu cuối. Từ đó em thấy ý nào dưới đây nói đúng nhất tâm trạng đó?
A. Uất ức, bồn chồn, khao khát tự do đến cháy bỏng.
B. Nung nấu ý chí hành động để thoát khỏi chốn ngục tù.
C. Buồn bực vì chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
D. Mong nhớ da diết cuộc sống bên ngoài.
6. Trong bài thơ, tiếng tu hú được nhắc đến mấy lần? Chỉ ra sự thay đổi tâm trạng của nhà thơ khi nghe tiếng tu hú.
7. Các nhận định dưới đây về bài thơ đúng hay sai?
a. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.
A. Đúng B. Sai
b. Bằng khả năng quan sát nhạy bén, Tố Hữu đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong 6 câu thơ đầu.
A. Đúng B. Sai
8.Thời gian bị giam cầm ở nhà lao Thừa Phủ, Tố Hữu có một bài thơ khác là Tâm tư trong tù viết tháng tư năm 1939. Bài thơ này mở đầu như sau:
Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu.
Em hãy chỉ ra điểm giống nhau về cảm hứng nghệ thuật của đoạn thơ này và bài thơ Khi con tu hú.
GỢI Ý
1. Tháng 4 – 1939, Tố Hữu bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế), sau đó bị chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Tháng 3 – 1942, Tố Hữu vượt ngục và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Hiểu hoàn cảnh ra đời bài thơ, ta sẽ hiểu rõ hơn tâm trạng của nhà thơ.
Năm 1938, Tố Hữu đã từng có những vần thơ say sưa ngợi ca niềm vui khi bắt gặp lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác – Lê Nin:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Đang hăm hở, hăng say hoạt động cách mạng thì bị bắt. Bởi thế, trong hoàn cảnh tù đày, người thanh niên ấy luôn khao khát tự do, khao khát được “sổ lồng” để tiếp tục hoạt động. Những âm thanh của cuộc đời vọng vào nhà tù đã khơi thức những dòng cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ về chân trời tự do. Khi tu hú gọi bầy cũng là lúc hè đến, người tù càng cảm thấy ngột ngạt trong cảnh giam cầm, càng khao khát tự do đến cháy bỏng.
2. Đáp án D.
3. Cảnh mùa hè đến được miêu tả rất sinh động :
– Rộn rã âm thanh: âm thanh tu hú, âm thanh tiếng ve.
– Rực rỡ sắc màu: màu vàng của bắp, màu hồng của nắng.
– Hương vị: chín, ngọt.
– Không gian cao rộng và sáo diều chao lượn tự do,…
Cần chú ý các từ chỉ sự vận động của thời gian (đang chín, ngọt dần) sự mở rộng của không gian (càng rộng, càng cao) sự náo nức của cảnh vật (đôi con diều sáo lộn nhào từng không)…. một mùa hè tràn đầy sinh lực.
Điều độc đáo là tất cả những cảm nhận ấy hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ qua âm thanh tiếng tu hú. Những cảnh sắc đẹp đẽ của mùa hè cho ta thấy trí tưởng tượng hết sức phong phú của nhà thơ. Đó là mùa hè đẹp đẽ, là khung trời tự do tràn đầy sức sống.
4. Đáp án D
5.Tâm trạng của nhà thơ trong 4 câu thơ cuối:
– Tiếng ve và âm thanh của cuộc sống tự do khiến nhà thơ cảm nhận sâu sắc sự ngột ngạt trong cảnh ngục tù.
– Khát vọng tự do cháy bỏng.Câu thơ “Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!” là câu thơ muốn phá tung xiềng xích. Giọng điệu thơ mạnh mẽ qua việc sử dụng m nhiều từ gây cảm giác mạnh (đập tan, chết uất ), sự thay đổi nhịp thơ 6/2 ở câu 8 và 3/3 ở câu 9, màu sắc cảm thán (ôi, thôi, làm sao),…
– Đáp án A
6. Trừ nhan đề, trong bài thơ tác giả hai lần nhắc đến tiếng kêu của chim tu hú.
– Lần 1 (ở câu đầu): Gợi ra cảnh mùa hè đẹp đẽ, tràn đầy nhựa sống, khơi thức khát vọng tự do.
– Lần 2 (câu cuối): Tiếng chim khiến nhà thơ thấy bực bội, khổ đau, day dứt.
Nhưng cả hai lần tiếng chim đều vang lên như tiếng gọi của tự do.
7. a. Đáp án A ; b. Đáp án B
8. Giống nhau:
– Tâm trạng buồn chán trong cảnh ngục tù.
– Lòng yêu đời tha thiết.
– Khát vọng tự do cháy bỏng.