Luyện đề Nước Đại Việt ta
Bài tập 1: Trắc nghiệm
Câu 1: Bình Ngộ đại cáo được sáng tác theo thể văn nào?
A. Văn vần | C. Văn biền ngẫu |
B. Văn xuôi | D. Cả A,B,C đều sai |
Câu 2: Dòng nào dưới đây nói lên đúng nhất chức năng của thể cáo?
A. Dùng để ban bố mệnh lệnh của nhà vua hoặc thủ lĩnh một phong trào.
B. Dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả một việc lớn để mọi người cùng biết.
C. Dùng để kêu gọi, thuyết phục mọi người đứng lên chống giặc.
D. Dùng để tâu lên vua những ý kiến, đề nghị của bề tôi.
Câu 3: Dòng nào dịch sát nghĩa nhất nhan đề Bình Ngô đại cáo?
A. Tuyên cáo rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô.
B. Thông báo về việc dẹp yên giặc ngoại xâm.
C. Công bố rộng khắp về việc dẹp yên giặc ngoại xâm.
D. Báo cáo tình hình bình định giặc Ngô.
Câu 4: Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
A. Đúng B. Sai
Câu 5: Bình Ngô đại cáo được công bố vào năm nào?
A. 1425 C.1430
B. 1429 D.1428
Câu 6: Dòng nào nói đúng nhất hoàn cảnh sáng tác của Bình Ngô đại cáo?
A. Khi nghĩa quân Lam Sơn đã lớn mạnh.
B. Sau khi quân ta đã đại thắng giặc Minh xâm lược.
C. Trước khi quân ta phản công quân Minh xâm lược.
D. Khi giặc Minh đang đô hộ nước ta.
Câu 7: Mục đích của “ Việc nhân nghĩa” thể hiện trong Bình Ngô đại cáo?
A. Nhân nghĩa là lối sống có đạo đức và giàu tình thương.
B. Nhân nghĩa là để yên dân, làm cho nhân dân được sống ấm no.
C. Nhân nghĩa là trung quân, hết lòng phục vụ vua.
D. Nhân nghĩa là duy trì mọi lễ giáo phong kiến.
Câu 8: ý nào dưới đây thể hiện trình tự mà Nguyễn Trãi đưa ra để khẳng định tư cách độc lập của dân tộc?
A. Cương vực, lãnh thổ, nền văn hiến, truyền thống lịch sử, chủ quyền, phong tục.
B. Nền văn hiến, cương vực lãnh thổ, phong tục, truyền thống lịch sử, chủ quyền.
C. Truyền thống lịch sử, nền văn hiến, chủ quyền, cương vực lãnh thổ, phong tục.
D. Chủ quyền, truyền thống lịch sử, phong tục, nền văn hiến, cương vực lãnh thổ.
Câu 9.Tác phẩm nào trước Nguyễn Trãi cũng đã khẳng định chủ quyền của dân tộc ta?
A. Tụng giá hoàn kinh sư – Trần Quang Khải
B. Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn
C. Nam quốc sơn hà ( Sông núi nước Nam) – Lí Thường Kiệt (?)
D Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão
Câu 10. Trong đoạn trích Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi chủ yếu sử dụng phương thức biểu đạt nào?
A. Nghị luận C. Thuyết minh
B. Tự sự D. Miêu tả
Câu 11. Dòng nào chỉ ra đúng nhất các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn “ Từ Triệu, Đinh Lí, Trần bao đời xây nền độc lập … Song hào kiệt đời nào cũng có”?
A.So Sánh C. Điệp từ
B. Liệt kê D. gồm ý A và B
Bài tập 2 Hãy xác định vị trí của đoạn trích và ý nghĩa của đoạn văn này đối với toàn bộ bài cáo.
Bài tập 3: Trong hai câu đầu, tác giả nêu lên tư tưởng gì? Phân tích để nêu bật nội dung của tư tưởng đó.
Bài tập 4: Tính chất của một bản Tuyên ngôn độc lập được thể hiện ở những phương diện nào trong đoạn văn này? Theo em trong đó phương diện nào là quan trọng nhất? Vì sao?
Bài tập 5: Có bản dịch câu “Từ Triệu, Đinh Lí, Trần bao đời xây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương” là “Từ Triệu, Đinh, Lí,Trần bao đời xây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương”. Theo em, cách dịch nào hợp lý hơn? vì sao?
Bài tập 6: Hãy chứng minh sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và thực tiễn trong đoạn văn này.
Bài tập7:
So sánh với bài “Sông núi nước Nam” để thấy những nét mới và sâu sắc trong tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện qua đoạn trích “ Nước Đại Việt ta”
————————–
GỢI Ý
Bài 1: C – B – A – A – D – B – B – B –C – A – D ( tương ứng với câu 1 -11)
Bài 2. Đoạn văn trên đây thuộc phần đầu của bài cáo. Đây là phần nêu lên luận để chính nghĩa và tư tưởng cốt lõi xuyên suốt toàn bộ bài. Nếu thiếu phần này, kết cấu của bài sẽ bị phá vỡ và các phần sau sẽ trở nên chông chênh, thiếu sức thuyết phục vì bài cáo thiếu một tiền đề tư tưởng vững chắc.
Bài 3. Trong hai câu đầu, tác giả nêu lên tư tưởng nhân nghĩa. Cốt lõi của tư tưởng ấy là Yên dân và trừ bạo. Yên dân là làm cho dân được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Đó chính là mục đích lớn nhất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cũng chính là lý tưởng lớn nhất trong cuộc đời Nguyễn Trãi. Muốn yên dân thì phải trừ bạo. Như vậy, nếu yên dân là mục đích thì trừ bạo là phương cách hành động. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ta thấy, trừ bạo là trừ quân Minh xâm lược, yên dân là vì hạnh phúc của người dân Đại Việt đang bị kẻ thù đầy đoạ. đây là nét mới trong tư tưởng Nguyễn Trãi: Trong quan niệm của nho giáo, nhân nghĩa chủ yếu nói đến mối quan hệ giữa người với người. Nguyễn Trãi đã nâng tư tưởng nhân nghĩa lên một tầm cao mới: Mối quan hệ giữa dân tộc này và dân tộc khác, giữa cá nhân và dân tộc.
Bài 4. Các phương diện đã được Nguyễn Trãi nói đến.
– Nền văn hiến lâu đời( Vốn xưng nền văn hiến đã lâu)
– Cương vực, lãnh thổ ( Núi sông bờ cõi đã chia).
– Phong tục tập quán ( Phong tục Bắc Nam cũng khác)
– Lịch sử và truyền thống giữ quyền độc lập ( Từ triệu, Đinh… xưng đế một phương).
Đây là những phương diện cơ bản nhất xác định quyền độc lập, tự chủ của một dân tộc.
Bài 5. Câu hỏi này không bắt buộc vì kiến thức và chữ Hán và văn học vượt quá hiểu biết của HS lớp 8. Tuy nhiên, chúng tôi nêu lên như một tham khảo:
– Đây là hai câu đặt các triều vua nước ta song song, ngang hàng với các triều đại Trung Quốc(riêng Triệu tức Triệu Đà, kẻ cướp nước Âu Lạc nhưng Nguyễn Trãi nhầm, có lẽ vì trước đây trong sử sách có tài liệu coi đó là một triệu đại của nước ta).
– Dịch là “hùng cứ một phương” không có gì sai nhưng chưa khẳng định được lòng tự tôn dân tộc và chưa thấy được tư thế ngang hàng của vua Nam với hoàng đế phương Bắc. Trước đây, vua Trung Quốc tự coi mình là đế, còn vua các nước xung quanh chỉ là vương ( thấp hơn đế). Vậy nên, cách dịch “xưng đế một phương” hợp lí hơn. Hơn nữa, cách dịch này sát với nguyên tác của Nguyễn Trãi.
Bài 6:
Mở bài
+ Giới thiệu tác phẩm Bình Ngô đại cáo.
+ Giới thiệu luận đề : Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tế.
Thân bài
1. Nêu nội dung chính của đoạn trích: tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về chủ quyền độc lập của dân tộc.
2. Chứng minh: hai chân lí trên đã được khẳng định bằng cách kết hợp giữa lí lẽ và thực tế.
a.Tư tưởng nhân nghĩa được nêu lên bằng một lí lẽ mới mẻ và giàu sức thuyết phục.
b.Chủ quyền độc lập của dân tộc Đại Việt được khẳng định bằng một lí lẽ chặt chẽ, thể hiện một quan niệm sâu sắc và toàn diện về quốc gia dân tộc, tràn đầy niềm tự hào dân tộc.
c. Dùng những dẫn chứng thực tế lịch sử cụ thể và xác đáng để khẳng định sức mạnh của chân lí, của chính nghĩa.
Kết bài: đánh giá ý nghĩa của đoạn văn.
Bài 7. Nét mới của Nguyễn Trãi
– Quan niệm về quốc gia, dân tộc hoàn chỉnh hơn. Trong Sông núi nước Nam, tác giả mới nói đến hai yếu tố: Lãnh thổ và chủ quyền : còn trong Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi bổ sung thêm ba yếu tố: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử dân tộc.
– Sự sâu sắc thể hiện ở chỗ Nguyễn Trãi khẳng định văn hiến và truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất khẳng định sự tồn tại bền vững của một quốc gia độc lập.