Kỹ năng phân tích Thơ – Chương 4 – Bài 5

Soạn bài online – Ôn tập môn Văn
Chương IV:  PHÂN TÍCH NGÔN NGỮ THƠ VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
Bài 5
d-Các biện pháp tu từ cú pháp :
Lớn hơn cấp độ từ ngữ, trong thơ tiếng việt thường xuất hiện biện pháp tu từ cú pháp. Đó là những biện pháp tu từ thể hiện trên cấp độ câu thơ. Khái niệm câu thơ mà chúng tôi dùng được hiểu ở nghĩa tương đối là dòng thơ. Trong thơ tiếng Việt, có những kiểu câu thơ đặc biệt và hướng tiếp nhận như sau:

* Câu thơ có cấu trúc câu hỏi tu từ :
Là loại câu thơ có hình thức câu hỏi nhưng không cần phải trả lời. Nội dung biểu hiện được thể hiện trực tiếp trên câu  thơ. Sử dụng cấu trúc câu hỏi tu từ, nhà nghệ sĩ có dụng ý nhấn mạnh nội dung biểu đạt của câu thơ.
Ví dụ1:
“ Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
( Tống biệt hành – Thâm Tâm )
Đoạn thơ sử dụng điệp câu hỏi tu từ. Người đọc không phải tìm kiếm lý do có “tiếng sóng” hay tại sao “đầy hoàng hôn trong mắt “. Cái chính cần thấy là nhà thơ mượn hình thức câu hỏi để nhấn mạnh nỗi lòng của người ở lại qua các hình ảnh  “tiếng sóng” và bóng “hoàng hôn trong mắt  trong”
Ví dụ 2 :
“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay?”
( Bên kia sông Đuống  – Hoàng Cầm)
Để cực tả, nhấn mạnh nỗi đau xót khi quê hương bị tàn phá, Hoàng Cầm cùng một lúc sử dụng hai thủ pháp nghệ thuật: so sánh và điệp cấu trúc câu hỏi tu từ .
Ví dụ3 :
“Một tiếng trên không ngỗng nước nào ?”
( Thu vịnh – Nguyễn Khuyến )
Câu thơ mượn tiếng ngỗng để miêu tả sự tĩnh lặng của bức tranh thu chứ không phải là sự thắc mắc của Nguyễn Khuyến về xuất xứ tiếng ngỗng, giống ngỗng. Nếu không tĩnh táo, người đọc sẽ bị chữ  “nước nào” đánh lừa và  hiểu sai dụng ý của câu thơ. Hình thức câu hỏi tu từ có chức năng gây ấn tượng đối với độc giả, vừa thể hiện sự tĩnh lặng  của bức tranh, sự tĩnh lặng trong lòng thi nhân
Ví dụ 4:
“Sao anh không về chơi thôn vĩ ?”
(Đâythôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử )
Câu thơ này được cảm nhận theo nhiều hướng khác nhau ở độc giả. Nguyên nhân là do sự cảm nhận khác biệt về đại từ “ anh” và câu hỏi tu từ. Câu thơ không phải là câu hỏi của cô gái mà thực chất là lời tự vấn của tác giả. “Anh” không phải là ngôi thứ hai mà thực chất là ngôi thứ nhất, là sự phân thân của tác giả. Câu hỏi tu từ gợi  nên những trăn trở trong lòng thi
nhân về thôn Vĩ, người thôn Vĩ. Đây là sự gợi mở tất cả mạch cảm xúc của bài thơ. Nếu để ý thêm ta thấy: Bài “Đây thôn Vĩ Dạ “ sử dụng nhiều câu hỏi tu từ :”Vườn ai mướt quá xanh như ngọc? “, “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó? “, “Ai biết tình ai có đậm đà?". Tất cả làm nên cái mơ hồ, man mác của cảm xúc. Đó chính là sức sống của “ Đây thôn Vĩ Dạ”.
 
* Kiểu câu thơ đảo trật tự thành phần
Trật tự là một trong  những phương tiện ngữ pháp quan trọng của tiếng Việt dùng để diễn đạt các ý nghĩa ngữ pháp. Do đó, thay đổi trật tự thành phần thì quan hệ ngữ pháp, chức năng ngữ pháp của các thành tố cú pháp cũng thay đổi và ý nghĩa của nó cũng thay đổi.
Trật tự bình thường của câu thường mang sắc thái trung hoà. Trong những hoàn cảnh nhất định, nhà thơ đã đảo các thành phần trong thơ nhằm tăng thêm sắc thái biểu cảm. Thông thường, nhà thơ đưa lên đầu dòng thơ thành phần, thành tố nào muốn nhấn mạnh.
Ví dụ 1:” Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám”
( Ta đi tới – Tố Hữu)
Câu thơ đã đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ nhằm thể hiện cảm hứng tự hào của tác giả về những chiến thắng oanh liệt cùng những thành quả trong công cuộc xây dựng đát nước sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Ví dụ 2:
"Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà "
( Qua đèo Ngang –  Bà Huyện Thanh Quan)
Câu thơ đảo vị ngữ ra phía trước và số từ, từ chỉ loài ra cuối câu, nhằm nhấn mạnh tính chất xơ xác quạnh hiu của bức tranh thiên nhiên và con người. Đây là ngoại cảnh góp phần tô đậm tâm trạng cô đơn của tác giả trước cảnh đất nước hoang tàn.
Các nhà Việt ngữ học có một nhận xét về hiện tượng đảo vị trí như sau: Vị trí đầu câu thường có sắc thái nhấn mạnh, vị trí cuối câu gây ấn tượng cụ thể,  vị trí giữa câu có sắc thái trung hoà. Ta thử kiểm chứng qua sự đối sánh sau:
– “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe khe yến cá nghe kinh”
(Hương Sơn phong cảnh ca –  Chu  Mạnh Trinh)
Thử  sửa lại: “Rừng mai chim thỏ thẻ cúng trái
                     Khe yến cá lững lờ nghe kinh”                   (1 )

                               " Rừng mai chim cúng trái thỏ thẻ
                               Khe yến cá nghe kinh lững lờ"                   (2 )
            Rõ ràng sắc thái biểu đạt về vẻ đẹp tĩnh lặng thoát tục của Hương Sơn ở trường hợp ( 1 ) và ( 2 ) không bằng nguyên tác.
            * Kiểu câu thơ đồng tâm : 
Là kiểu những câu thơ có cùng nội dung biểu đạt, cùng mô hình cấu trúc ngữ pháp, nhưng hình ảnh thơ , sắc thái biểu
đạt khác nhau, bổ sung cho nhau.   
            Kiểu câu thơ này còn được gọi kiểu câu thơ trùng điệp, Nguyễn Phan Cảnh gọi là câu thơ phương trình. Loại câu thơ này cho phép tầng tầng lớp lớp cảm xúc chồng chất lên nhau, giá trị  của nó sẽ mạnh mẽ và gây ấn tượng hơn.
            Ví dụ 1: " Buồn trông của bể chiều hôm,
                        Thuyềnai thấp toáng cánh buồm xa xa
                        Buồn trông ngọn nước mới sa,
                        Hoa trôi man mác biết là về đâu.
                        Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
                        Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
                        Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
                        Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
                                                                        (Truyện Kiều – Nguyễn Du )
            Xét về mặt từ vựng, đoạn thơ sử dụng phép điệp ngữ buồn trông ". Xét về nội dung diễn đạt, bốn cặp câu thơ đều tập
trung diễn tả nỗi buồn của Kiều. Xét về mặt cấu trúc , bốn cặp câu thơ đều có cấu trúc : " Buồn trông + X ( X là một ngữ danh từ miêu tả thiên nhiên ).
Như vậy, bốn cặp câu thơ trên có tâm chung về nội dung diễn đạt và cấu trúc cú pháp. Nhưng mỗi cặp câu thơ có sắc thái biểu cảm riêng, bổ sung và cụ thể hoá nỗi buồn của kiều trước lầu Ngưng Bích.
            Ví dụ 2 :         " Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
                                    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
                                    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
                                    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều …"
                                                                                    (Vội vàng – Xuân Diệu )
            Cấu trúc chung của đoạn thơ là : " Ta muốn +  động từ + X ( X là ngữ danh từ chỉ thiên nhiên ) và nội dung câu thơ thể
hiện cái khát vọng tận hưởng cuộc sống của một người vội vàng, nôn nóng trướcdòng chảy của thời gian.

            *Câu thơ bắc cầu :
Là kiểu câu thơ trong đó tín hiệu ngôn ngữ thứ nhất xuất hiện thì nhất thiết phải có tín hiệu ngôn ngữ thứ hai xuất hiện, và sau khi tín hiệu thứ hai xuất hiện lập tức nó réo gọi tín hiệu thứ ba xuất hiện … Giữa các tín hiệu ngôn ngữ réo gọi nhau
ấy luôn có một mối quan hệ cùng trường.
            Bản chất câu thơ bắc cầu là sự bắc cầu trong tư duy nhà thơ. Khi nhà thơ tư duy một hình ảnh nào đấy thì lập tức trong tư duy xuất hiện vô số hình ảnh khác có quan hệ tương cận với hình ảnh ấy và nhà thơ sẽ lựa chọn hình ảnh nào phù hợp nhất cho việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình.
            Ví dụ 1:          " Một tối bầu trời đắm sắc mây  
                                    Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy
                                    Hoa tìm xuống cỏ trong khi cỏ
                                    Nghiêng xuống làn rêu – một lối đầy. "
                                                                        (Xuân Diệu )
            Các tín hiệu " cây", " hoa ", " cỏ ", " rêu " là những từ ngữ cùng trường  ( chỉ thực vật ) liên tiếp gọi nhau và xuất hiện theo quan hệ định hướng của động từ " nghiêng xuống ". Bởi vì, cây nghiêng xuống thì đến cỏ, cỏ nghiêng xuống thì đến rêu chứ không phải là một cái gì khác. Tất cả tạo thành " môt lối đầy " ảm đạm, buồn tẻ và hiu quạnh.
            Ví dụ 2 :         " Lờ mờ đường lên mây
                                    Chén trăng vừa tầm với
                                    Chàng ơi vàng ròng đây          
                                    Kề môi say ân ái ."
                                                                        (Bích Khê )
            Tín hiệu " chén trăng " xuất hiện toạt nhiên nó réo gọi các động tác liên quan đến cái chén cụ thể . Mối quan hệ cố hữu giữa chén và sự ăn uống trở thành mối quan hệ  lâm thời cho " chén trăng " và " kề môi " để rồi " say ân ái " . Giả dụ , tác giả không viết " chén trăng " mà viết " mảnh trăng " hay một " x trăng " nào đó thì câu thơ thứ tư  " Kề môi say ân ái " sẽ bị lạc lõng ngay. Câu 2 bắc cầu với câu thứ 4 nhờ " chén trăng " bắc cầu với ' kề môi ".
            Ở một trường hợp khác, Bích Khê không dùng " chén trăng " mà dùng " sữa trắng"
                        " Nâng lên núm vú đồi
                        Sữa trăng nhi nhỉ giọt "
                                                ( Xuân tượng trưng )
            Hai câu thơ bắc cầu được với nhau nhờ mối quan hệ có thực giữa "vú" và " sữa". Và cũng nhờ hai hình ảnh này mà xuân tượng trưng căng đầy sức sống .
            * Kiểu câu thơ tách – gộp – qua hàng :
Đây là kiểu câu thơ được người nghệ sĩ sử dụng dấu câu và hình thức qua hàng tạo thành. Nhờ đó, nó mới lạ về hình thức và sâu sắc về nội dung.
            Ví dụ 1:          " Cát bụi tung trời.
                                      Đường vất vả
                                    Còn dài. Nhưng hãy tạm dừng chân . "
                                                            (Giây phút chạnh lòng – Thế Lữ )
            Nếu không có các dấu chấm giữa dòng thì các câu thơ trên xem ra bình thường. Sự ngắt câu qua hàng làm cho nhịp thơ mới lạ, nhạc điệu đầy ấn tượng. Và nhờ đó mà hình ảnh thơ được khắc sâu hơn trong tâm trí độc giả, hiệu quả lưu giữ và thẩm mỹ của câu thơ sẽ cao hơn.
            Ví dụ 2:          " Thoảng tiếng gáy của cu
                                    Cườm. Hiu hiu vàng đượm "  
                                                            (Bích Khê )
            Nếu " Thoảng tiếng gáy của cu " chưa có gì mới lạ, thì thao tác chiết tự qua hàng và chấm câu tạo thành " Cườm. Hiu hiu vàng đượm " đã làm bùng nổ giá trị thẩm mỹ của câu thơ. " Cườm " đứng ở đầu câu đã tạo cho câu thơ có cái gì đó long lanh, tĩnh tại. Tiếng chim cu như có hình khối và sắc màu