Soạn bài online – Ôn tập môn Văn
Chương IV: PHÂN TÍCH NGÔN NGỮ THƠ VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
Bài 4
c – Các thủ pháp dùng từ trong thơ:
Lựa chọn và sử dụng từ ngữ là công việc cần thiết, mang tính đặc trưng của người làm thơ. Từ ngữ phải dùng đúng thanh, đúng nghĩa,vừa có tính tạo hình vừa có tính biểu hiện.
Dùng từ độc đáo, sáng tạo, có tính nghệ thuật sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của thi phẩm. Từ ngữ chính xác là con mắt, là ánh sáng đưa ta thâm nhập vào thế giới cái đẹp của thơ ca. Có được chìa khoá để vượt qua cánh cửa từ ngữ, người đọc sẽ bước vào và sống với vũ trụ huyền ảo của thơ.
Giai thoại về nhà thơ Giả Đảo giúp ta hiểu hơn về nghệ thuật dùng từ trong thơ:
“Một hôm, Giả Đảo (1779-1843)-một nhà thơ hoàn tục – cưỡi ngựa về Tràng An. Ông đương bận nghĩ đến hai câu thơ vừa mới sáng tác:
“Điểu túc trì biên thụ
Tăng thôi nguyệt hạ môn”
(Chim đậu ở cây (cạnh) bờ ao
Nhà sư đẩy cửa dưới trăng)
Giả Đảo phân vân chưa biết nên để chữ “thôi” (đẩy cửa) hay “xao” (gõ cửa). Ông bèn buông cương ngựa, huơ tay bắt chước nhà sư lúc đẩy cửa, lúc gõ cửa.Con ngựa đi vào đám quân của một ông quan đi kinh lý. Quân lính bắt người cưỡi ngựa có vẻ điên cuồng kia đem nạp quan. May qua, ông quan này chính là Hàn Dũ. Giả Đảo tỏ bày sự thực. Hàn Dũ góp ý rằng nên dùng chữ “xao”(gõ cửa), có lẽ gõ tạo nên một hình tượng về âm thanh. Người đời sau hay dùng chữ “thôi, xao” với ý nghĩa cân nhắc từng chữ để sửa chữa bài thơ, bài văn cho tốt ”.
C1: Nghệ thuật sử dụng động từ:
Động từ là từ miêu tả trạng thái vận động của con người và sự vật. Động từ luôn làm cho sự vật có sinh khí, câu thơ sống động.
Trong thơ Bác, trăng hiện lên như một người bạn tri âm. Lúc ở tại nhà tù Tưởng Giới Thạch, Người và trăng như giao cảm với nhau:
Nhân hướng trong tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
(Vọng Nguyệt)
Động từ “khán” tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa tác giả với trăng. Tuy nhiên, hai người bạn còn cách xa nhau trong không gian tĩnh lặng. Đến câu thơ “Nguyệt thôi song vấn: “Thi thành vị ?”” thì trăng thực sự trở thành người bạn. Các động từ “thôi” “vấn” đã nhân hoá hình ảnh ánh trăng và khiến nó trở thành tri âm tri kỷ với Bác.
Để lên án tội ác dã man của thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi viết:
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da”
(Đất nước)
Ba động từ: giằng, đè, lột là những động từ mạnh đặc tả những hành động thô bạo, dã man của bọn giặc. Cũng theo phương thức thể hiện này, Hoàng Cầm viết:
“Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo Xì xồ cướp bóc “
(Bên kia sông Đuống)
hay Giang Nam trong bài quê hương có viết:
“Giặc bắn em rồi quăng mất xác”
Các động từ mạnh vừa lột tả tội ác dã man của kẻ thù, vừa làm tăng thêm nỗi đau và lòng căm thù của tác giả.
Câu văn 14, 15 trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”( Nguyễn Đình Chiểu) sở dĩ có chất lượng hình ảnh cao, diễn tả tinh thần hăng hái dũng cảm của các nghĩa sĩ cũng nhờ vào các động từ: đạp, lướt, bắn, xô, xông, liều mình, đâm, chém, hè, ó..
“Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc như không; Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô của xông vào liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng, súng nổ.”
…
Bức tranh thiên nhiên trong bài “Tảo giải” (Hồ Chí Minh) được miêu tả trong trạng thái đang vận động. Các động từ lột tả bản chất luôn vận động của tự nhiên vũ trụ, vừa thể hiện nhận thức thâm trầm, tinh tế của Bác – như một hiền triết Phương Đông. Thử xét câu thơ: “Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san”. Ba tạo vật của tự nhiên là: tinh (sao), nguyệt (trăng), san (núi) đi liền với ba động từ: quần (tụ hội), ủng (nâng đỡ), thướng (đi lên). Vũ trụ đang trong cuộc đại hành trình – hành trình từ đêm tối hướng đến bình minh tươi sáng. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ chứa đựng một sự giao hoà cảm xúc của bậc đại nhân, sự mẫn tiệp của bậc đại trí và chất thép của bậc đại dũng.
Bồng bột chất đời hơn, trong tác phẩm “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên đã sử dụng hàng loạt động từ liên
quan đến việc ẩm thực:
quan đến việc ẩm thực:
– Ngoài cửa ô ? Tàu đói những vầng trăng.
– Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa.
– Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.
– Lấy cả những cơn mơ ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng.
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng.Các động từ “đói”, “thèm”, “uống” đã diễn tả được khát vọng mạnh mẽ của thế hệ trẻ nói chung và tác giả nói riêng vươn đến và chiếm lĩnh cái đẹp trong cuộc sống. Hơn nữa, đó không chỉ là những khát vọng mà còn là những nhu cầu thường trực, tối thiểu cần được đáp ứng.
C2: Nghệ thuật sử dụng tính từ:
Tính từ là những từ miêu tả tính chất, đặc điểm của sự vật hiện tượng. Tính từ góp phần tạo nên những đường viền giới hạn, nét khác biệt cho sự vật hiện tượng. Nói cách khác, nó có chức năng định tính cho các danh từ.
“Bên kia sống Đuống” (Hoàng Cầm) là bài thơ độc đáo trong việc sử dụng các tính từ chỉ màu sắc. Hoàng Cầm sử dụng gần 20 màu để thêu dệt bức tranh quê hương Kinh Bắc từ quá khứ thanh bình đến hiện tại đau thương và tương lai tươi sáng.
Quá khứ thanh bình, dòng sông Đuống êm đềm trôi xuôi, rực rỡ trong sắc màu trắng tinh khiết:
– “Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh”
Các cô gái làng quan họ thì:
– “Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng”
Ngày giặc đến, quê hương đầy “lũ quỷ mắt xanh”, nhuốm màu tang tóc đau thương bởi máu, lửa.
– “Chó ngộ” một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Nhưng đến ngày mai, dòng sông Đuống cuộn trào quật khởi. Tương lai huy hoàng tươi sáng được mở ra. Con người nối lại giấc chiêm bao bị dứt quãng. Bức tranh tương lai là một ngày hội lễ rực rỡ sắc màu:
– “Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”
Cũng chính vì vậy mà Phạm Tiến Duật đã nói đọc “Bên kia sông Đuống” ta dễ bị vấy phải màu – những sắc màu tươi nguyên truyền thống của làng Hồ, của dân tộc Việt Nam.
Để xây dựng hình tượng đất nước giàu đẹp, rộng lớn, bên cạnh việc sử dụng điệp từ “những”, Nguyễn Đình Thi còn sử dụng các tính từ có chất lượng tạo hình cao.
– “Những ngả đường bát ngát
Những cánh đồng thơm mát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Đấtnước).
C3. Nghệ thuật sử dụng từ láy.
Trong tiếng Việt, từ láy là loại từ có chức năng tạo hình và biểu cảm cao. Có nhiều loại từ láy và có nhiều phương thức láy, mỗi loại mỗi phương thức đảm đương chức năng biểu hiện riêng. Từ láy không chỉ góp phần tạo nên nhạc điệu, mà còn có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt nội dung của bài thơ (…).
C4-Nghệ thuật sử dụng số từ:
Số từ là từ chỉ số lượng sự vật hiên tượng được đề cập. Trong tiếng Việt có rất nhiều số từ, như: một, một ít, dăm, vài,dăm ba, mấy, những…Số từ cũng tham gia vào việc tạo hình, miêu tả sự vật, sự việc nào đó.
C5-Nghệ thuật sử dụng các lớp từ giàu sắc thái:
Trong tiếng Việt có một số lớp từ rất giàu sắc thái biểu cảm, như lớp từ Hán – Việt (vang về âm, nhoè về nghĩa), lớp từ khẩu ngữ…Thơ ca cũng khai thác triệt để các lớp từ ấy.
Trong truyện Kiều, không có ông quan nào được Nguyễn Du giới thiệu trịnh trọng như Hồ Tôn Hiến. Giới thiệu đầy đủ chức danh, họ tên, tài năng bằng những từ Hán- Việt sang trọng.
“Có quan tổng đốc trọng thần
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”
Giới thiệu bề ngoài bệ vệ, oai phong như vậy nhằm để tác giả đối lập nhấn mạnh bản chất xảo quyệt, tráo trở, hèn hạ, dâm ô, tàn bạo của vị quan này. Các từ Hán – Việt xuất hiện để làm nền, để tác giả thực hiện phép đối lập.
Trong thơ, lớp từ khẩu ngữ (dùng trong giao tiếp hàng ngày)cũng được dùng khá phổ biến. Sự xuất hiện của các từ thuộc lớp này làm cho câu thơ trở thành lời tâm sự, thủ thỉ, chuyện trò, như:
"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
(Bênkia sông Đuống – Hoàng Cầm)
C6:Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ biểu tượng
Ngôn ngữ thơ luôn được sử dụng theo cơ chế tiết kiệm nhất.Càng tiết kiệm thì thơ càng hàm súc. Sử dụng các biểu tượng ngôn ngữ giúp cho thơ thực hiện tốt cơ chế tiết kiệm này.
Biểu tượng chính là ẩn dụ được sử dụng rộng rãi, mang tính kí hiệu, tính quy ước. Ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng không hoặc ít phụ thuộc vào văn cảnh trong thi phẩm mà phần lớn phụ thuộc vào phong tục tập quán, quy ước chung của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Phạm vi hoạt động của biểu tượng rộng.
Hệ thống biểu tượng trong thơ tiếng Việt rất phong phú. Bộ phận văn học dân gian đã tạo ra nhiều biểu tượng và tác động đến cả văn học viết. Có thể chia biểu tượng ngôn ngữ thơ tiếng Việt thành nhiều loại: biểu tượng đơn (cò, hạt mưa…), biểu tượng kép (non – nước, mận – đào, trúc – mai, thuyền – bến..)
C7: Nghệ thuật sử dụng các biện pháp tu từ từ vựng:
Biện pháp tu từ từ vựng là cách thức sử dụng từ, ngữ cố định một cách sáng tạo để diễn đạt nội dung một cách nghệ thuật. Ngoài chức năng nhận thức, tu từ từ vựng sẽ tạo nên hình tượng nghệ thuật làm tăng tính biểu cảm và truyền cảm cho thơ. Có những biện pháp tu từ từ vựng thường gặp trong thơ như:
* Biện pháp so sánh:
*Biện pháp ẩn dụ:
Ẩn dụ là so sánh ngầm, là so sánh mà sự vật hiện tượng được so sánh A không xuất hiện trên văn bản và được hiểu ngầm. Trong từ vựng tiếng Việt có rất nhiều ẩn dụ cố định, tạo nên các nghĩa chuyển của các từ , như : chân núi, mặt nước, mắt thơ, cổ chai… Đó là ẩn dụ từ vựng. Ngoài loại ẩn dụ này, trong văn học có rất nhiều ẩn dụ tu từ.
Ví dụ:“Em tưởng giếng sâu em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”
(Ca dao)
* Biện pháp nhân hoá:
Nhân hoá là phép liên tưởng dựa trên những nét tương đồng giữa sự vật hiện tượng và con người. Nhờ cách liên tưởng này mà nhà nghệ sĩ đã phả vào sự vật vô tri một nguồn sinh khí, làm cho nó trở nên có hồn và sống động hơn. Thử đọc những câu thơ về trăng sau :
+ ” Gió tựa tường hoa lưng gió phẳng
Trăng nhòm cửasổ mắt trăng vuông”
+ ” Mở cửa nhìntrăng trăng tái mặt
Khép phòng đốtnến nến rơi châu”
+ ”Nhân hướngsong tiền khán minh nguyệt
Nguyệttòng song khích khán thi gia”
+ ”Nguyệt thôisong vấn: “Thi thành vị?"”
Nhân hoá là biện pháp tu từ thể hiện sự nhạy cảm của thi nhân trước tạo vật. Nhà thơ như phóng chiếu sinh khí từ tâm hồn mình vào tạo vật, bắt nó thay mình nói lên cảm xúc, biến nó trở thành con người để tâm sự, sẽ chia nỗi lòng. Nói cách khác, ở biện pháp này, nhà thơ nhìn sự vật như nhìn vào tâm trạng mình.
Ở những câu thơ trên, trăng không còn là trăng nữa, trăng là sự phân tâm của Hàn Mặc Tử, là người bạn tri âm của Hồ Chí Minh. Cũng nhờ biện pháp nhân hoá mà Phan Bội Châu bày tỏ những đau đớn tủi nhục của mình với bao thế hệ.
“Xuân ơi xuân xuân có biết chăng
Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót”
Chỉ có biện pháp nhân hoá, Huy Cận mới biến những pho tượng La Hán vô tri ở chùa Tây Phương thành những con người cụ thể ( Cha ông ta thế kỷ XVIII), để rồi từ đó, nhà thơ bày tỏ tinh thần nhân đạo sâu sắc trong việc tìm về cảm thông, chia sẽ nỗi đau, đồng thời trân trọng nâng niu tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông cha ta. Thiết nghĩ không còn cách diễn đạt nào sinh động hơn câu “Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi”. Nhờ nghệ thuật nhân hoá, Huy Cận đã miêu tả các pho tượng thực sự sống động, vừa có ngoại hình, vừa biết cử động, vừa có suy tư trăn trở, có đời sống nội tâm sâu sắc. Chính biện pháp này giúp Huy Cận qua vai được nhà điêu khắc. Xin trích một dẫn dụ:
“Có vị mắt giương mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi “
* Biện pháp hoándụ:
*Biện pháp chơi chữ :
Chơi chữ là biện pháp tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm, chữ viết, từ vựng ngữ pháp tiếng Việt nhằm tạo nên phần tin khác loại song song tồn tại với phần tin cơ sở. Phần tin khác loại này – tức lượng ngữ nghĩa mới- là bất ngờ về bản chất, có hoặc không có quan hệ phù hợp với phần tin cơ sở.
Xuất phát từ định nghĩa, ta có thể rút ra mấy nhận xét về biện pháp nghệ thuật này:
– Chơi chữ được thể hiện trên tất cả các cấp độ, đơn vị ngôn ngữ của tiếng Việt, trong khi các biện pháp ngôn từ khác chỉ thể hiện trên một vài cấp độ ngôn ngữ. Nói cách khác, phạm vi hoạt động của chơi chữ rất rộng
– Chơi chữ tạo ra một lượng ngữ nghĩa (thông tin) mới, về bản chất có hoặc không có quan hệ phù hợp với lượng ngữ nghĩa cơ sở, trong khi các biện pháp tu từ khác luôn tạo ra ý nghĩa có quan hệ phù hợp với nghĩa cơ sở. Như vậy, cách tạo nghĩa của chơi chữ thường khác với các biện pháp tu từ khác.
Từ những nhận xét trên, có thể thấy rằng, chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt đặc biệt, sao cho ở đó song song tồn tại hai lượng ngữ nghĩa thông tin khác hẳn hoặc giống nhau (trường hợp giống nhau hiếm hơn) bởi cùng một hình thức ngôn ngữ nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất ngữ nghĩa.Sự thú vị chính là hiệu quả thẩm mỹ của biện pháp nghệ thuật này.