Soạn bài Việt Bắc của Tố Hữu

SOẠN BÀI VIỆT BẮC

(Tố Hữu)

I. GIỚI THIỆU CHUNG:

 
– Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học cách mạng. Thơ ông đậm chất trữ tình – chính trị. “Việt Bắc” là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông và của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp..
 
– Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), hòa bình được lập lại, một trang sử mới, một giai đoạn mới của cách mạng được mở ra. Tháng 10/1954, các cơ quan của Trung Ương Đảng và Chính Phủ rời chiến khu Việt bắc trở về Hà Nội. Người ra đi bâng khuâng nhớ thương, kẻ ở lại bịn rịn, bùi ngùi. Nhân sự kiện ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc” (10/1954). Bài thơ đó cũng trở thanh tên chung cho tập thơ thứ hai của ông: tập “Việt Bắc”.
 
II. NỘI DUNG CHÍNH: 
  1. Cảm xúc chủ đạo: 
– Nhà thơ tập trung nguồn cảm hứng chủ đạo để thể hiện những tình cảm nồng nàn giữa người cán bộ cách mạng đối với cảnh trí thiên nhiên và con người Việt Bắc trong suốt 15 năm: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. 
 
– Tình cảm sâu đậm và mặn nồng đối với núi rừng, thiên nhiên Việt Bắc, nhất là đối với con người Việt Bắc trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, đã trở thành mạch cảm xúc trữ tình sâu lắng chảy suốt bài thơ. 
 
2. Đoạn thơ mở đầu: (24 câu thơ đầu):
 
– Tác giả thể hiện sự lưu luyến giữa người đi (người chiến sĩ cách mạng), kẻ ở (người dân Việt Bắc) trong cuộc chia tay.
 
– Người ở lại chủ yếu gợi nhắc những kỷ niệm gian khổ từ thưở còn “hàn vi cách mạng” (Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh). Nỗi gian khổ ấy gắn chặt với nghĩa tình đồng bào, đồng chí, nghĩa tình dân tộc.
 
3. Nỗi nhớ của người chiến sĩ cách mạng về xuôi (từ câu 25 – 90):
      a) Nhớ thiên nhiên và con người Việt Bắc:(từ câu 25- 52):
– Nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc của người về xuôi rất sâu sắc, nhiều cung bậc: Có nỗi nhớ da diết (như nhớ người yêu), có nỗi nhớ ấm áp (Nhớ từng bản khói cùng sương. Sớm khuya bếp lửa người thương đi về); có nỗi nhớ gắn với những sinh hoạt ấm tình quân dân (Nhớ sao lớp học i tờ. Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan) v.v… 
 
– Đặc biệt, nỗi nhớ ấy được khắc họa trong bức tranh tứ bình về bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông ở Việt Bắc (Ta về, mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung).
 
    b) Nhớ Việt Bắc trong kháng chiến:(từ câu 53- 74):
– Nhà thơ nhớ hình ảnh Việt Bắc trong kháng chiến gian lao mà anh hùng. Không chỉ con người mà cả núi rừng cũng lập chiến công (Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây. Núi giăng thành lũy sắt dày. R ừng che bộ đội, rừng vây quân thù). 
 
– Miêu tả khí thế hào hùng của quân dân ta bằng bút pháp tráng ca.
 
* Chú ý những từ láy (đêm đêm, rầm rập, điệp điệp, trùng trùng, thăm thẳm…); những hình ảnh sinh động: (Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan. Dân công đỏ đuốc từng đoàn. Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay. .. Đèn pha bật sáng như ngày mai lên…) 
 
   c) Nhớ Việt Bắc – căn cứ địa vững chắc:(từ câu 75- 90):
– Nhớ về Việt Bắc với niềm tự hào: là cơ quan đầu não của kháng chiến – nơi diễn ra những cuộc bàn thảo của Trung ương, Chính phủ, nơi có cụ Hồ “sáng soi” … 
 
III. NGHỆ THUẬT :
 
“Việt Bắc” là một trong những bài thơ hay, có giá trị không chỉ về nội dung tư tưởng mà còn là bài thơ đánh dấu sự thành công trong việc tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. 
 
– Đây là bài thơ viết theo thể thơ lục bát. Thơ lục bát của nhà thơ Tố Hữu đạt trình độ nhuần nhị, điêu luyện trong vần, nhịp, âm hưởng. 
 
– Bên cạnh sự thành công về thể thơ, tác giả đã chọn một lối đối đáp dân gian cùng với việc chọn các đại từ nhân xưng “ ta” – “ mình” đầy biến hóa và sáng tạo. Hình thức đối đáp của bài thơ là một sự giả định – sự giả định này đạt hiệu quả nghệ thuật cao. 
 
– Tố Hữu thể hiện một phong cách thơ: chất trữ tình đằm thắm, lắng đọng. 
 
Xem bài phân tích tại đây.
 
IV. KẾT LUẬN:
 

 

“Việt Bắc” là bài thơ có giá trị trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Sự thành công về nội dung và hình thức của bài thơ đã góp phần khẳng định sự thành công của con đường thơ Tố Hữu .