SOẠN BÀI MẢNH TRĂNG CUỐI RỪNG
(Nguyễn Minh Châu)
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
– Nguyễn Minh Châu là nhà văn quân đội, viết nhiều về đề tài chiến tranh và người lính. Từ thập niên những năm tám mươi, Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới văn học.
– “Mảnh trăng cuối rừng” là truyện ngắn hay của ông và của văn xuôi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Truyện được viết vào thời kỳ đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc, in trong tập “Những vùng trời khác nhau” (xuất bản năm 1970).
– Qua sự gặp gỡ cũng như những hành động, thái độ và tình cảm của hai nhân vật Nguyệt và Lãm, nhà văn muốn thể hiện vẻ đẹp hào hùng đầy chất lãng mạn của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chốngMỹ cứu nước.
II. NỘI DUNG CHÍNH:
1. Nhân vật Nguyệt:
Một cô gái đi nhờ xe, xuất hiện bất ngờ. Trong chuyến đi nhờ xe ấy, Nguyệt đã bộc lộ những vẻ đẹp của nhân cách và tâm hồn.
– Nguyệt là một cô gái hồn nhiên, xinh đẹp và sống có lý tưởng: Ngoại hình của Nguyệt hoàn toàn tương phản với khung cảnh của chiến tranh (“Gót chân hồng sạch sẽ”, “Một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ”, …Dưới ánh trăng, gương mặt Nguyệt “ngời lên đẹp lạ thường”). Vừa rời ghế nhà trường, Nguyệt đã xung phong đi “kiến thiết miền Tây”. Chiến tranh xảy ra, cô có mặt ở tuyến lửa ác liệt nhất để bảo vệ đường cho xe chạy.
– Thông minh, dũng cảm, có tinh thần đồng đội cao: Thể hiện rõ nhất trên con đường đầy hiểm nguy đến Ngầm Đá Xanh (gặp đoạn đường khó đi, Nguyệt xuống “xi nhan” cho Lãm lái xe; chủ động nhường sự an toàn cho người lính lái xe, tình nguyện theo anh một chặng đường nguy hiểm; khi bị thương, máu “chảy đỏ cả cánh tay áo”, vẫn bình thản nói với Lãm: “Vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng, em có thể đi lên đến tận trời được”.
– Có tình yêu trong sáng, thủy chung, có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, con người (yêu người con trai chưa một lần gặp mặt vì tin rằng, một chàng trai dám “trốn nhà đi bộ đội”, chắc chắn không phải là người tầm thường; suốt mấy năm trời, vẫn thủy chung, từ chối biết bao lời cầu hôn…). Tình yêu trong sáng, thủy chung của Nguyệt khiến Lãm rất cảm phục: “Trong tâm hồn người con gái bé nhỏ, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”
-> Đó cũng là vẻ đẹp nhân cách và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
2. Nhân vật Lãm:
– Một chiến sĩ lái xe dũng cảm, có ý thức kỷ luật cao đồng thời là người có tình cảm sâu lắng, có lòng tự trọng trong tình yêu. Anh rất tế nhị và luôn khám phá cái bí ẩn và vẻ đẹp của người mình muốn yêu. Lãm tìm thấy ở Nguyệt những vẻ đẹp đáng khâm phục, làm xao động trái tim của mình.
– Trong tình yêu, Lãm vẫn giữ một khoảng cách vừa gần gũi, vừa xa lạ. Tình cảm của Lãm đối với Nguyệt chân thành, thơ mộng.
3. Hình ảnh trăng :
Nhân vật thứ ba trong truyện (Trăng cũng chính là Nguyệt). Trăng tạo nên chất lãng mạn, trữ tình của thiên truyện. Trăng làm tăng thêm về giá trị, ý nghĩa của mối tình giữa thiên nhiên và con người, giữa con người và con người, giữa Lãm và Nguyệt. Trăng ở đây không còn là ánh trăng cụ thể. Trăng là hiện thân cho vẻ đẹp kỳ diệu – lãng mạn của con người trong cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ.
III. NGHỆ THUẬT :
– Kết hợp khá nhuần nhị, điêu luyện giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn; kết hợp giữa sự miêu tả chân thật sự kiện, con người với dòng chảy hồi ức tạo nên một ấn tượng đặc biệt.
– Xây dựng tình huống truyện bất ngờ, vừa để nhân vật bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình, vừa tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm.
– Lối kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn.
IV. KẾT LUẬN:
– Truyện ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.Soạn bài online chúc các bạn học tốt./.