Ôn tập bài Vợ Nhặt

SOẠN BÀI VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN

I. GIỚI THIỆU CHUNG:

1. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác:

– Viết về nạn đói khủng khiếp xảy ra 1945 do phát xít Nhật gây ra. Lúc đầu truyện có tên là “Xóm ngụ cư” (tiểu thuyết). Sau hòa bình lập lại (1954), tác giả dựa vào một phần cốt truyện cũ, viết lại truyện ngắn, lấy tên “Vợ nhặt”.

 2. Chủ đề:

 Tác phẩm tố cáo tội ác của thực dân phát xít đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp, đồng thời ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người lao động Việt Nam- dù sống cận kề cái chết, vẫn yêu thương, cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, cùng khao khát hạnh phúc gia đình, hướng đến sự sống và tin tưởng ở tương lai.

II. NỘI DUNG CHÍNH:

1. Nhan đề “Vợ nhặt”:

– Nhan đề “Vợ nhặt” có ý nghĩa phản ánh hiện thực: vì đói, người ta có thể đánh đổi cả thân phận để được ăn, được sống, được tồn tại – Giá trị của con người trong những ngày đói (đặc biệt là người phụ nữ) thật rẻ rúng nên vợ cũng có thể nhặt được một cách dễ dàng – Vì lúc đó “sống còn” quan trọng hơn hạnh phúc lứa đôi.
→Nhan đề độc đáo phù hợp với nội dung tác phẩm.

 2. Tình huống truyện:

 Tác phẩm xây dựng được tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn: Anh Tràng xấu xí, “thô kệch”, không ai thèm lấy, bỗng nhiên nhặt được vợ một cách dễ dàng, nhanh chóng, ở ngay giữa đừơng giữa chợ nhờ mấy bát bánh đúc.
→ Trong hòan cảnh đói khát, chết chóc lúc đó, việc Tràng lấy vợ là tình huống éo le, óai oăm, vui buồn lẫn lộn. Buồn vì cuộc sống khó khăn, Tràng nuôi mẹ, nuôi mình đã khó, nay lại thêm người- nên lại càng khó. Nhưng vui vì vốn xấu xí, nghèo, ế vợ nay vẫn lấy được vợ như sự may mắn chợt đến, làm mọi người ngạc nhiên, ngay chính Tràng cũng nhiên và lo lắng.

3. Phơi bày cuộc sống khốn cùng của người dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945:

– Cái đói đã tràn về xóm ngụ cư từ lúc nào. Xóm làng vắng vẻ, buồn bã, tối sầm vì đói khát, trẻ con ngồi ủ rũ; đoàn ngừơi đói lê la, dắt díu nhau “xanh xám như bóng ma, ngổn ngang khắp lều chợ”; những xác người có thể thấy khắp nơi…
– Người đàn bà rách rưới đói khát, gạ gẫm để được ăn, sẵn sàng theo về làm vợ người vì đói; bữa ăn ngày cưới chỉ có cháo và cám…
– Tràng nhặt được vợ chỉ với bát bánh đúc và câu nói đùa.
=> Tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động nạn đói khủng khiếp năm 1945 của nhân dân ta, qua đó tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân phát xít.

4. Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam:

 * Nhân vật Tràng:
 – Có ngoại hình xấu xí, dân ngụ cư, sống cảnh mẹ góa con côi nghèo khổ.
– Giàu tình cảm, nhân hậu (Yêu quý trẻ con, hiếu thảo với mẹ, sẵn sàng tiếp nhận người đàn bà đói trong cảnh đói nghèo).
– Khát hạnh phúc và có niềm tin vào tương lai. Chỉ vì một câu nói đùa mà người đàn bà theo anh về làm vợ. Lúc đầu, anh cũng lo nhưng sau thì “Chặc, kệ”. Nghĩa là anh chấp nhận cưu mang một người nghèo khổ mặc cho cuộc sống ra sao đi nữa. Tràng không chỉ thương người mà tận sâu thẳm trong tâm hồn, anh luôn khao khát một mái ấm gia đình.
– Nhà văn miêu tả sâu sắc diễn biến tâm lý nhân vật Tràng khi có vợ (sung sướng, ngỡ ngàng vì đã có vợ, quên cả cái đói ghê gớm; nhận ra sự thay đổi kỳ diệu của ngôi nhà và nhận ra sự thay đổi của những người thân; thấy mình “nên người” và thấy có trách nhiệm với vợ, với gia đình và hướng về tương lai cuộc sống…).
→ Hình ảnh bình dị, chân chất luôn khao khát mái ấm gia đình hạnh phúc của người lao động nghèo.
  * Bà cụ Tứ:
 – Người mẹ nghèo nhưng giàu lòng yêu thương, nhân hậu.
– Tâm lý nhân vật bà cụ Tứ khi Tràng có vợ diễn ra rất phức tạp. Thấy Tràng dẫn vợ về, bà ngạc nhiên, xót xa, đau đớn, lo âu xen lẫn tủi hờn, tuy vậy bà vẫn cảm thông, ân cần tiếp nhận con dâu và lạc quan, động viên khuyên bảo vợ chồng Tràng.
-> Bà trở thành chỗ dựa tinh thần cho các con, giúp các con quên đi cảnh đói khổ trước mắt và hướng đến tương lai.
 * Người vợ nhặt:
 – Tuy lâm vào hoàn cảnh đáng thương nhưng vẫn khao khát sống. Chị đã đánh mất sự e dè, lòng tự trọng của một người phụ nữ, chấp nhận làm “vợ theo” để được tồn tại. Nhưng sau đó, chị trở nên “hiền hậu, đúng mực”, làm tròn bổn phận của một người vợ, một nàng dâu.
– Những câu chuyện tình cờ của chị (người dân mạn ngược không đóng sưu thuế hay Việt Minh phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo) đã gợi mở cái nhìn lạc quan về tương lai cho Tràng.
=> Họ là những con người có phẩm chất đáng quí trọng: Dù rơi vào cảnh nghèo đói, cùng quẫn vẫn yêu thương, cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, cùng khao khát hạnh phúc gia đình, hướng đến sự sống và tin tưởng ở tương lai. Hình ảnh lá cờ đỏ thắm ở cuối truyện khi Tràng nghĩ tới là hình ảnh của Cách mạng, làm cho Tràng và những người lao động khốn cùng có được niềm tin mới vào tương lai.

III. KẾT LUẬN:

– Nghệ thuật dựng truyện đơn giản nhưng chặt chẽ. Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, tự nhiên, chi tiết được lựa chọn độc đáo tạo ấn tượng
– Xây dựng được nhân vật chân thực, sinh động. Tính cách được khắc họa ở nhiều góc độ – từ ngọai hình đến diễn biến tâm lý.
– Qua tác phẩm, nhà văn thể hiện một quan điểm nhân đạo sâu sắc, cảm động: phát hiện và diễn tả khát vọng của người lao động, cho dù bị đẩy vào tình huống bi đát, phải sống trong sự đe dọa của cái chết, họ vẫn khao khát tình thương, khao khát có một tổ ấm gia đình, luôn hướng về sự sống, tin tưởng ở tương lai – mà tương lai này lại gắn liền với cách mạng, với lá cờ đỏ sao vàng.