Ôn tập bài thơ Đất Nước – Nguyễn Đình Thi

SOẠN BÀI ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN ĐÌNH THI

I. GIỚI THIỆU CHUNG:
Đất nước là bài thơ hay và tiêu biểu của Nguyễn Đình Thi và của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
– Bài thơ là sự đúc kết những suy ngẫm và cảm xúc của tác giả về đất nước trong suốt những năm dài kháng chiến gian khổ.
 II. NỘI DUNG CHÍNH: 
  1. Mùa thu gợi cảm nghĩ chung về đất nước : (3 câu thơ đầu)
  1.1. Từ cảnh thu ở Việt Bắc, hồi tưởng về cảnh thu Hà Nội trong quá khứ.
 – Khơi nguồn cho cảm xúc và suy ngẫm về đất nước là những cảm xúc được nảy sinh trong một sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
– Cảm giác mát trong của thời tiết mùa thu ở chiến khu Việt Bắc được truyền qua chuỗi âm thanh trong trẻo nhẹ nhàng và êm dịu của câu thơ mở đầu làm tác giả liên tưởng đến những ngày thu đã xa – ngày thu Hà Nội Năm xưa.
1.2. Mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ. (4 câu thơ tiếp theo)
 – Những cụm từ “chớm lạnh, xao xác hơi may” nói lên khung cảnh Hà Nội sớm vào thu. Hà Nội trong những ngày thu với những nét tĩnh lặng, đẹp và buồn -> Cảm nhận tinh tế của tác giả.
– Những người thanh niên Hà Nội phải giã từ thành phố thân yêu để lên đường tham gia kháng chiến:
 Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Người ra đi “đầu không ngoảnh lại” vì sợ những tình cảm riêng tư làm chùn bước chân mình. Tuy nhiên, dù không ngoảnh đầu nhìn lại nhưng họ vẫn lắng nghe được tiếng lá rơi đầy trên thềm nắng -> Yêu quê hương, lưu luyến trước lúc chia xa.
1.3. Hình ảnh mùa thu ở chiến khu Việt Bắc.
– Từ hoài niệm về mùa thu năm xưa ở Hà Nội, nhà thơ đã vẽ lên một bức tranh mùa thu ở chiến khu Việt Bắc với một tâm trạng hoàn toàn thay đổi : “Mùa thu nay khác rồi ”.
– Cuộc đời thay đổi, thiên nhiên mang nhiều màu sắc mới.
– Những chi tiết , hình ảnh thiên nhiên gợi tả mùa thu cũng thay đổi. Mùa thu đã thay áo mới, hiện diện bằng những hình ảnh bình dị, dân dã, khỏe khoắn và tươi sáng (Núi đồi, rừng tre, trong biếc…). Thiên nhiên không lặng im mà như đang lên tiếng nói “rừng tre phấp phới”, “trong biếc nói cười thiết tha.”
 -> Đây là một nét mới mà Nguyễn Đình Thi đem đến cho thơ ca viết về mùa thu 
 * Lưu ý: 2 bức tranh mùa thu trên đây thể hiện rõ sự thay đổi tâm trạng của nhà thơ trong hiện tại và trong quá khứ.
 1.4. Cảm nghĩ chung về đất nước
 Từ cảm hứng mới mẻ về mùa thu, mạch thơ vận động khá tự nhiên dẫn đến niềm tự hào được làm chủ non sông đất nước:
– Khẳng định chủ quyền dân tộc :
 Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta… 
 – Tự hào về một đất nước giàu đẹp :
 Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
 – Tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông :
 Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
 Cảm hứng về quyền tự do làm người giữa đất trời, Tổ quốc được tác giả thể hiện như là kết quả của một quá trình đấu tranh đầy đau thương và hy sinh, mất mát.
 * Chú ý các biện pháp nghệ thuật : điệp ngữ “của chúng ta”, điệp từ “Những”, những tính từ “ thơm mát, bát ngát, đỏ nặng”…
2. Hình ảnh đất nước đau thương, tang tóc trong chiến tranh:
 Nếu như cả đoạn thơ đầu chủ yếu là niềm vui, niềm tự hào của tác giả về quê hương, đất nước thì đoạn thơ sau, mạch thơ lại chuyển sang một ý lớn khác nhưng vẫn không tách khỏi mạch chính của toàn bài.
 – Mở đầu cho đoạn thứ hai :
 “ Ôi những cánh đồng quê chảy máu,
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
 * Phân tích kỹ 2 câu: “ Ôi những cánh đồng quê chảy máu. Dây thép gai đâm nát trời chiều”.
 3. Đất nước vùng lên và chiến thắng.
 – Những câu thơ còn lại của bài thơ diễn tả tội ác của giặc và nói lên cảm hứng tự hào về thế phản công, những chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến.
 – Khổ thơ kết thúc là những hình ảnh có thực về những người dân từ bùn đất đứng lên nhưng đồng thời cũng là sự khái quát về tương lai tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ không chỉ thuyết phục người đọc về ý mà còn gây nên những ấn tượng mạnh nhờ những hình ảnh thực tế nhưng lại giàu chất so sánh, tượng trưng.
 III. KẾT LUẬN:
– “Đất nước” là bài thơ hay nhất trong đời thơ của Nguyễn Đình Thi.
– Bài thơ có cái nhìn tổng hợp, sâu sắc về đất nước ; thể hiện tình yêu sâu nặng của nhà thơ đối với đất nước.