Soạn bài Bên Kia Sông Đuống

SOẠN BÀI BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

(Hoàng Cầm)
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
   1. Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ được viết vào một đêm tháng 4 / 1948. Khi đang công tác văn nghệ tại chiến khu Việt Bắc, nghe tin giặc Pháp đánh phá quê hương mình, với tâm trạng xúc động cao độ, tác giả đã viết một mạch bài thơ này.
   2. Chủ đề: 
Qua nỗi xót xa đau khổ khi quê hương bị giặc tàn phá, bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu nhân dân đằm thắm thiết tha của tác giả.
II. NỘI DUNG CHÍNH: 
Cảm xúc của nhà thơ khi viết về quê hương – vừa yêu mến tự hào,vừa nuối tiếc xót xa – gợi lên tình cảm sâu lắng với mọi miền quê của đất nước Việt Nam.
1. 10 câu đầu: Cái nhìn toàn cảnh từ “Bên này” về “Bên kia sông Đuống”:
Đoạn thơ được viết bằng kỷ niệm, bằng hoài niệm về vùng đất quê hương. 
– Nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ về quê hương (Em ơi buồn làm chi. Anh đưa em về sông Đuống). 
– Nhớ về dòng sông hiền hòa, tỏa sáng lấp lánh (Ngày xưa cát trắng phẳng lì. Sông Đuống trôi đi. Một dòng lấp lánh)-> sáng tạo hình ảnh con sông Đuống “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. 
– Nhớ cảnh vật bên sông tươi đẹp, tràn đầy sự sống (Xanh xanh…biêng biếc…).
– Nhà thơ thấy đau đớn xót xa nhớ tiếc khi vùng quê tươi đẹp như thơ, rất bình yên nay lại vắng lặng lo âu, vì đã rơi vào tay giặc: (Đứng bên này sông sao nhớ tiếc. Sao xót xa như rụng bàn tay).
=> Đoạn thơ thể hiện nỗi đau đớn nhớ tiếc, xót xa về quê hương khi bị giặc tàn phá→ cũng là cảm xúc chung của cả bài thơ.
2. Đoạn tiếp: Hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp và đau xót vì hiện thực mất mát: (Bên kia sông Đuống… Những chuyện muôn đời không nói năng)
– Nhà thơ nhớ và tự hào về những sản vật và những giá trị văn hóa cổ truyền của quê hương: “Quê hương ta…giấy điệp”
– Chú ý cách diễn tả: Cụm từ “Quê hương ta”- thể hiện sự gắn bó máu thịt và niềm tự hào của nhà thơ – Hình ảnh quê hương được khắc họa bằng hương vị “Lúa nếp thơm nồng” nhằm miêu tả cuộc sống sung túc của nhân dân. Đặc biệt, nhà thơ miêu tả tranh Đông Hồ với những đề tài giản dị, quen thuộc (gà lợn, đám cưới chuột), với đường nét tươi trong, màu sắc tươi sáng, đậm đà chất dân tộc; chất liệu độc đáo (giấy điệp) -> biểu hiện được cái “hồn dân tộc”, những ước mơ bình dị, khỏe khoắn của người dân Kinh Bắc.
– Nhà thơ nhớ về Kinh Bắc với những đền chùa cổ kính, với những hội hè đình đám thật đầm ấm tươi vui (núi Thiên Thai, Chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài…)
– Nhớ về Kinh Bắc với những con người đáng yêu, xinh đẹp tảo tần (nàng môi cắn chỉ, cụ già tóc trắng, em sột soạt quần nâu, cô hàng xén răng đen…)
– Đó chính là dấu ấn của thời bình yên, trù phú, ấm no, là bề dày lịch sử quê hương “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”- Nay chỉ còn trong ký ức “bây giờ tan tác về đâu”.
– Tác giả diễn tả cảm xúc của mình khi giặc kéo đến quê hương: Là nỗi đau xót, dằn vặt khôn nguôi.
+ Nhà thơ gọi đó là “ngày khủng khiếp” và diễn tả lại tất cả những mất mát, đau thương, tang tóc bằng những hình ảnh gợi ấn tượng mạnh (Ruộng khô, nhà cháy, lửa hung tàn), những từ láy gợi cảm (khủng khiếp, ngùn ngụt, hoang tàn, kiệt cùng, tan tác)…
+ Gọi lũ giặc là “chó ngộ”, so sánh kẻ thù như một bầy thú điên với những tội ác vô cùng của chúng (Lưỡi dài lê sắc máu, kiệt cùng ngõ thẳm, Mẹ con đàn lợn- Chia lìa đôi ngả, Đám cưới chuột – tan tác về đâu)
+ Phác họa hình ảnh mẹ già còm cõi, già nua bị gạt khỏi phiên chợ nghèo, bơ vơ đơn độc “Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong. Dăm miếng cau khô. Mấy lọ phẩm hồng. Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm…”; hình ảnh đàn cò tan tác bay qua dòng sông Đuống; hình ảnh em thơ sống thiếu thốn, lo sợ cả lúc thức lẫn ngủ, ngày lẫn đêm “Ngày tranh nhau một bát cháo ngô. Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn…”.
+ Mỗi đọan thơ đều được mở đầu là cảnh vui vẻ thanh bình ngày xưa “Bên kia sông Đuống”, kết thúc là cảnh tan tác khi giặc tới, với điệp khúc “Bây giờ đi đâu về đâu, Bây giờ tan tác về đâu”. Đó là những câu hỏi không có lời đáp, gợi bao cảnh ngộ đau lòng.
– Bộc lộ trạng thái bàng hoàng, uất ức vì cái đẹp bị hủy hoại, sự nghẹn ngào, đau xót trước tội ác của kẻ thù với quê hương. Cả bài thơ là một dòng thác tình cảm đi từ tiếc thương,đau đớn đến uất hận căm hờn và bừng bừng khí thế chiến đấu và chiến thắng.
III. KẾT LUẬN:
– Hình ảnh, âm điệu thơ gợi cảm, từ ngữ đặc sắc, sinh động với màu sắc cổ kính đậm đà tính dân tộc; lời thơ chân thành tha thiết, gợi những tình cảm sâu đậm về quê hương đất nước từ một miền quê cụ thể.
– Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết đối với quê hương đất nước, được viết bằng dòng cảm xúc chân thực, đậm đà tính dân tộc, với những hình ảnh cụ thể, sống động của vùng đất Kinh Bắc. Đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về quê hương đất nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp.