Ngữ pháp Tiếng Anh căn bản- Bài 29: BỊ ĐỘNG CÁCH (PASSIVE VOICE)

   Từ trước giờ ta chỉ mới học cách nói chủ động. Điều này cũng dễ hiểu bởi cách nói chủ động là cách nói được dùng nhiều hơn. Tuy nhiên đôi lúc ta không thể không dùng câu bị động. Trong bài này ta sẽ học cách nói bị động.

 
* MỘT VÀI LƯU Ý: 
– Thông thường chúng ta dùng chủ động cách khi sử dụng ngôn ngữ. Đôi khi chúng ta lại có nhu cầu dùng bị động cách. 
* Thí dụ:
+ Con chó đó cắn tôi (CHỦ ĐỘNG).
+ Tôi bị con chó đó cắn. (BỊ ĐỘNG).
+ Cha nó tặng nó một chiếc xe hơi nhân ngày sinh nhật thứ 21 của nó. (CHỦ ĐỘNG)
+ Nó được cha nó tặng một chiếc xe hơi nhân ngày sinh nhật thứ 21 của nó. (BỊ ĐỘNG) 
 
– Như vậy, trong tiếng Việt, câu bị động thường có dấu hiệu nhận biết là có chữ BỊ hoặc ĐƯỢC trong đó. Vậy, có phải hễ thấy BỊ, ĐƯỢC trong câu tiếng Việt là ta phải dùng câu bị động khi chuyển sang tiếng Anh? Câu trả lời là KHÔNG HẲN.
 
* Thí dụ:
+ Tôi bị nhức đầu. ==> I HAVE A HEADACHE. (VẪN LÀ CÂU CHỦ ĐỘNG) 
+ Tôi đã được gặp Bill Clinton ở Việt Nam. ===> I GOT TO MEET BILL CLINTON IN VIETNAM. (VẪN LÀ CÂU CHỦ ĐỘNG)
– Thế thì NHƯ THẾ NÀO MỚI LÀ CÂU BỊ ĐỘNG? Trong tiếng Anh hay tiếng Việt cũng vậy, CÂU BỊ ĐỘNG PHẢI LÀ CÂU CÓ THỂ CHUYỂN SANG CÂU NÓI CHỦ ĐỘNG MÀ Ý NGHĨA VẪN KHÔNG THAY ĐỔI NGHIÊM TRỌNG.
 
* Thí dụ:
– Con chó bị chiếc xe hơi cán ==> Chiếc xe hơi cán con chó. (nghĩa cũng gần giống nhau)
  THE DOG WAS RUN OVER BY THE CAR. ===> THE CAR RAN OVER THE DOG. (nghĩa cũng gần giống nhau)
– Công an bắt nó. ==> Nó bị công an bắt (nghĩa cũng giống nhau)
  THE POLICE ARRESTED HIM. ==> HE WAS ARRESTED BY THE POLICE. (nghĩa cũng giống nhau) 
 
– Như vậy, ta đặt một câu bị động như thế nào? Bạn hãy xem công thức sau: 
 
* CÔNG THỨC CHUNG CHO CÂU BỊ ĐỘNG Ở TẤT CẢ CÁC THÌ:
 
S + TO BE được chia theo thì cần thiết + P.P của động từ bị động (có thể thêm BY…)
 
– Giải thích:
+ S: Chủ ngữ 
+ ĐỘNG TỪ TO BE chia theo thì cần thiết là: 
AM hoặc IS hoặc ARE nếu là thì hiện tại đơn
AM/IS/ARE BEING nếu là thì hiện tại tiếp diễn
WILL BE nếu là thì tương lai đơn
AM/IS/ARE GOING TO BE nếu là cấu trúc tương lai gần
WAS hoặc WERE nếu là thì quá khứ đơn
WAS/WERE BEING nếu là thì quá khứ tiếp diễn
HAVE BEEN hoặc là HAS BEEN nếu là thì hiện tại hoàn thành
HAD BEEN nếu là thì quá khứ hoàn thành.
Đó, chỉ bấy nhiều thì trên là thông dụng nhất, nếu bạn chưa vững các thì trên ở dạng chủ động thì cũng nên ôn lại. Khi nào dùngthì nào là chủ yếu dựa vào thời gian hành động xảy ra, bạn nên xem lại cách dùng các thì thông dụng vừa nói trên. 
 
+ P.P (viết tắt của PAST PARTICIPLE) : QUÁ KHỨ PHÂN TỪ là cột 3 trong bảng động từ bất quy tắc hoặc động từ nguyên mẫu thêm đuôi ED đối với các động từ có quy tắc.
 
+ ĐỘNG TỪ BỊ ĐỘNG là động từ có thể được dùng để đổi sang câu chủ động (thí dụ: tôi bị chó cắn thì ĐỘNG TỪ BỊ ĐỘNG là cắn, có thể dùng để đổi sang chủ động là "con chó cắn tôi") 
 
+ BY …:có nghĩa là BỞI, ta có thể thêm BY… để cho biết thêm hành động thực hiện bởi ai đó. Thường thì ít khi cần BY nhưng lâu lâu vẫn có nhu cầu dùng.
 
– Thí dụ:
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ HIỆN TẠI ĐƠN: WINE IS MADE FROM GRAPES. (rượu vang được làm từ nho)
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ HIỆN TẠI TIẾP DIỄN: CAN THO BRIDGE IS BEING BUILT (cầu Cần Thơ đang được xây).
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ TƯƠNG LAI ĐƠN: CAN THO BRIDGE WILL BE FINISHED IN 2010. (cầu Cần Thơ sẽ được làm xong trong năm 2010).
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ TƯƠNG LAI GẦN, CHẮC CHẮN HƠN: CAN THO BRIDGE IS GOING TO BE FINISHED IN 2010 (Cầu Cần Thơ sẽ được làm xong trong năm 2010).
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ QUÁ KHỨ ĐƠN: HE WAS KILLED IN THE WAR (anh ấy đã bị giết chết trong chiến tranh).
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ QUÁ KHỨ TIẾP DIỄN: HE WAS BEING QUESTIONED BY THE POLICE AT THAT TIME (vào lúc đó anh ta đang bị cảnh sát tra hỏi).
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ HIỆN TẠI HOÀN THÀNH: THIS WEBSITE HAS BEEN UPDATED MANY TIMES IN THE PAST 2 YEARS. (Website này được cập nhật nhiều lần trong 2 năm qua)
+ CÂU BỊ ĐỘNG THÌ QUÁ KHỨ HOÀN THÀNH: THE HOUSE HAD BEEN BURNT TO THE GROUND WHEN THE FIRE-FIGHTERS ARRIVED. (căn nhà đó đã bị thiêu rụi khi lính cứu hỏa đến). 

* CÁCH CHUYỂN CÂU CHỦ ĐỘNG SANG CÂU BỊ ĐỘNG:
 
– Chúng ta hãy lấy 1 câu chủ động làm thí dụ:
 
+ THAT DOG BIT ME. (con chó đó đã cắn tôi)
 
==> Như vậy chuyển sang bị động là TÔI BỊ CẮN BỞI CON CHÓ ĐÓ: I WAS BITTEN BY THAT DOG.
 
– Như vậy, khi chuyển sang câu bị động:
+ Tân ngữ trong câu chủ động sẽ thành CHỦ NGỮ trong câu bị động (ME là tân ngữ, khi chuyển ME thành chủ ngữ ta phải dùng dạng đại từ chủ ngữ tương ứng là I) 
+ Động từ chính trong câu chủ động sẽ bị biến thành dạng QUÁ KHỨ PHÂN TỪ để đặt sau TO BE được chia thích hợp theo thì của câu chủ động.(ở thí dụ trên, BIT là quá khứ đơn, vậy nên TO BE chia ở quá khứ đơn là WAS hoặc WERE mà chủ ngữ ở câu bị động là I, nên ta dùng WAS) 
+ Chủ Ngữ trong câu CHỦ ĐỘNG SẼ là tác nhân nằm đằng sau chữ BY 
 
– Trong một số trường hợp, chủ ngữ ở câu chủ động có thể không được nhắc tới trong câu bị động, tức là TA KHÔNG CẦN DÙNG BY… (thí dụ như khi chủ ngữ là PEOPLE, THEY, THE POLICE, …)
 
* Thí dụ:
+ CHỦ ĐỘNG: PEOPLE SAY THAT LOVE IS BLIND (người ta nói rằng tình yêu là mù quáng)
=====>>> BỊ ĐỘNG: IT IS SAID THAT LOVE IS BLIND. 
 
+ CHỦ ĐỘNG: THE POLICE ARRESTED HIM.
====>> BỊ ĐỘNG: HE WAS ARRESTED (anh ta bị bắt thì ai cũng hiểu là bị bắt bởi cảnh sát nên ta không cần phải nói).
 
Xem thêm: