Kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ ( phần 1)

Chia sẻ kinh nghiệm cho con ăn của Mẹ Thỏ!
Trước hết, việc ăn của con lúc ban sơ là hết sức quan trọng. Ban sơ ở đây chính là giai đoạn bú mẹ đầu đời. Đối với mỗi đứa trẻ, được hưởng dòng sữa ngọt ngào, được ôm ấp trong lòng mẹ thì không còn gì bằng. Mẹ cũng nhanh chóng quên đi cảm giác đau đớn, con thì không bị hụt hẫng khi rời khỏi ngôi nhà ấm ấp, kín đáo là bụng mẹ.

 
Nhiều phụ nữ vừa sinh con đã có ngay lượng sữa dồi dào, một số bà mẹ thì sau một thời gian tích cực ăn uống, kích sữa thì cũng tràn trề không kém. Tuy nhiên, một số bà mẹ không được may mắn đến thế. Một phần vì cơ địa, một phần vì stress sau sinh, phần khác vì đau ốm bệnh tật… nên không thể duy trì việc cho con dùng sữa mẹ_tối thiểu là 6 tháng đầu đời, và chuyển sang phương án "dự phòng" là cho con ti bình.
 
Nhưng bài viết này không đề cập đến làm sao có sữa mẹ cho con, mà đề cập đến việc cho con ti thế nào. Với tôi, con ti mẹ hay ti bình đều nhất thiết phải có thời gian nhất định. Vừa để kích thích việc tiết sữa mẹ (nếu con ti mẹ), vừa giúp dạ dày con tiết enzim tiêu hóa, sự thèm ăn trong giai đoạn sơ sinh và cả giai đoạn ăn uống sau này.
 
Điều quan trọng thứ 2, là tôn trọng sự no đói của bé. Có thể trưa nay bé ti khoảng 120ml sữa. Nhưng trưa mai bé chỉ ti được 100ml. Sự chênh lệch đó không phải là quá nghiêm trọng khiến bạn vội ép con ti bằng hết. Ép bằng cách bế dỗ, dùng đồ chơi, la hét, dọa nạt..May mắn, bé ti hết lượng sữa còn lại. Nhưng bạn hãy nhìn xem, mẹ thì đứ đừ. Con thì toát mồ hôi, khóc lóc vật vã. Chẳng phải 20ml đó mà 2 mẹ con phải đánh đổi quá nhiều chăng??? Có một phương án lí giải cho việc ăn uống thất thường của bé. Đó là, con khó chịu trong người như không đi ngoài được, con ốm sốt, trở trời, hay thậm chí là wonder week (vấn đề này trên web đã chỉ ra rất chi tiết)… tìm nguyên nhân là việc nên làm lúc này. Nếu lí do là bệnh lý, hãy trị dứt điểm cho con. Còn nếu là wonder week hay biếng ăn tạm thời thì mẹ hãy yên tâm. Vài hôm thôi, con sẽ ngoan trở lại. Thậm chí, khi bắt đầu phát triển nhận thức con cũng không muốn ăn đâu, vì nơ-ron thần kinh đang bận làm việc khác mà :).
 
Điều cần lưu ý thứ 3 là cho con biết, lúc ti hay ăn là lúc chỉ tập trung cho việc đó. Không khoan nhượng cho bất kì sự vòi vĩnh nào.
 
Tôi là mẹ của con gái 17 tháng. Không có nghĩa tôi đã tinh thông mọi điều từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con… những gì tôi chia sẻ là xuất phát tình cảm, chút ít kinh nghiệm từ gia đình, bản thân, người đi trước và vô số các mẹ trên các web đại chúng. Từ đó đúc rút ra những dòng đã và sắp chia sẻ với mọi người. 
 
Quay lại chủ đề, khi con đến 6 tháng_là giai đoạn cơ bản để bắt đầu ăn dặm theo lý thuyết phổ biến hiện nay. Nói như thế vì có những trường hợp ngoại lệ. Nhưng dù gì đừng sớm hơn 4 tháng. Hãy để con được hoàn thiện bộ máy tiêu hóa một cách tối đa nhằm giúp con có đường ruột khỏe mạnh sau này.
 
Khi bắt đầu cho con ăn dặm, hãy tự vạch cho mình con đường mà mẹ và con sẽ theo lâu dài. Có thể là Ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống, Baby led weaning.. Để từ đó "dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân".
 
Lúc bé Thỏ_con tôi còn nhỏ, tôi gặp cô bạn từ Mỹ về. Có con nhỏ 2 tuổi. Ngồi ăn rất ngay ngắn. Muốn ăn gì nếu không thể tự phục vụ thì có sự hỗ trợ của mẹ. Ngược lại có thể ăn, có thể vấy bẩn, có thể làm đổ… chán chê đúng 30 phút là cô bạn tôi xách con đứng dậy. Lí giải cho việc này là con cô ấy nếu ăn chưa đủ no thì bữa ăn kế tiếp phải tập trung ăn nếu không muốn bị đói. Không phải dây dưa thời gian mệt cả mẹ lẫn con.
 
Vì vậy, các mẹ hãy tập cho con thói quen ngồi ăn nghiêm chỉnh và ngồi một chỗ tránh tình trạng khi trẻ lớn đòi mẹ bế rong. Vừa vất vả, vừa dơ.
 
Thứ nữa, là cách chế biến thức ăn. Thỏ nhà tôi trộm vía từ bé hiếm khi chê cháo mẹ nấu. Nhưng 2 tháng lại đây, bé con bắt đầu thể hiện rõ cá tính muốn ăn các món khác. Cụ thể là bún, bánh canh, phở con ăn nhanh và vui thích vô cùng. Vì thế, đừng làm trẻ chán. Thay đổi khẩu vị, món ăn, cách nấu là điều quan trọng. Có thể bún nấu với nước thịt bò xay, bánh canh cá lóc, phở gà xé nhỏ… vẫn đảm bảo chất và lượng cho con. Còn giúp con đỡ ngán cháo, cơm trong hai bữa còn lại. 
 
Tiếp theo là việc xen kẽ các bữa ăn, món ăn, thức uống thật hợp lí. Đừng để trẻ ăn sữa chua, sau đó uống nước cam. Sữa và vitamin C vừa kị nhau lại dễ gây xót ruột. Trước khi ngủ cho con uống sữa ấm vừa kích thích ngủ ngon lại đỡ đeo ti mẹ cả đêm, nếu bé đó nghiện ti mẹ. Trên đây là một số điểm lưu ý cơ bản tôi nhận thấy là có tác dụng tốt. Và động lực để tôi viết ra là vì hiện nay có rất rất nhiều câu hỏi :"phải làm gì khi con biếng ăn". Mà câu trả lời các mẹ nhận lại thì thật quá ít ỏi. Như kiểu, cho trẻ đi khám dinh dưỡng, bỏ trẻ đói, hay dự đoán trẻ bị bệnh… nhưng cốt yếu là các mẹ đôi khi cho con ăn quá tự do dẫn đến khi bé khôn lên, biết và chống lại cách cho ăn của mẹ. 
 
Qua một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy, trẻ em không phải tự nhiên biếng ăn và tự nhiên suy dinh dưỡng. Đặc biệt lí do suy sinh dưỡng đôi khi không phải do trẻ lười ăn. Có nhiều trẻ uống sữa rất tốt nhưng không lớn. Vì đơn giản, uống sữa hoài cứ đầy bụng sao thèm ăn được nữa. Hay có bé lại thừa cân dù chỉ uống sữa và ăn rất ít. Lí do phần lớn là vì loại sữa đó kích thích phát triển cân nặng, hoặc bé hợp với các vi chất trong sữa giúp cân nặng bé tăng vùn vụt. 
 
Nếu loại ra các lí do trên mà bé vẫn suy dinh dưỡng, lười ăn. Các mẹ hãy nhớ một vấn đề thế này. Trẻ dưới 5 tuổi nói chung và dưới 1 tuổi nói riêng. Thì lượng thức ăn dù rất ít đi vào cơ thể vẫn đủ cho một quá trình phát triển vận động nhất định. Các mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết "trẻ 1-5 tuổi hầu như không biết đói" của Bác Sĩ Nguyễn Trí Đoàn để hiểu vì sao bé ăn ít mà vẫn đủ sức hoạt động. Từ đó mẹ hãy thả lỏng tâm lý để chăm con theo cách khác. Đó là bỏ lơ con đi một vài bữa nhé, chỉ là bỏ lơ. Con không muốn thì dừng. Nhưng con dừng hẳn vài ba ngày, ăn và uống hầu như không được vài thìa. Nhớ là cả ăn và uống thì hãy lưu ý. Vạch răng xem con có mọc cái nào không, mấy ngày rồi con chưa đi ngoài,… nếu không có lí do nào bạn hãy cho bé được ăn một thứ khác lạ. Như hồi giờ chưa biết bún là gì, hãy cho con ăn bún. Thậm chí mì tôm cũng được. Để tìm ra món con thích. Từ đó hướng con đến việc thèm ăn. Nếu không tìm ra được nữa thì hãy chịu khó con ăn sữa chua. Đó là thứ vừa kích thích dạ dày tiêu hóa, vừa nhanh đói bụng nhưng lại có lượng sữa nhất định để con không "trống dạ dày" quá lâu. Và cách cuối cùng nếu bạn bó tay với con thì hãy cho con gặp Bs Dinh dưỡng để tìm một loại men vi sinh nào đó kích thích con ăn, bổ sung vi lượng nếu con ốm dậy… có điều, đừng lạm dụng. Vì tôi đã chứng kiến 1 cậu bé đến viện Dinh dưỡng 2 lần. Lần thứ nhất là chữa suy dinh dưỡng. Sau đó là chữa béo phì!
 
Con bạn 10 tháng trở lên. Mỗi ngày hãy cho bé 1/2 đến 1 trái cam. Vừa tăng sức đề kháng vừa giúp bé dễ tiêu hóa thức ăn. 
 
Nếu bạn nhất định không cho con chơi đồ chơi khi ăn thì hãy cho con chén bát, và các đồ ăn bốc. Yên tâm đi, vì kiểu gì thích thú bé cũng ăn được ít nhiều, và kèm theo đó mẹ có thể bón giúp bé. Tập cho bé cầm thìa, nĩa. Nhưng nhớ, để mắt đến bé kẻo đó là những dụng cụ sắc nhọn nhé.
 
Vâng, tôi chăm con vẫn còn vụng về lắm. Lâu lâu vẫn còn mắng con vì công sức chế biến đồ ăn mà con không đụng tẹo nào, nhiều khi vẫn cho con được cầm đồ chơi để ăn. Nhưng đó không là phương pháp tôi theo đuổi. Khi con hết biếng ăn. Tôi lại quay về với cách mình đã chọn. Và chắc chắc. Nếu bạn nuôi con theo kiểu để con quyết định. Con bạn sẽ hiếm khi bụ bẫm. Nhưng bù lại, mẹ con sẽ khỏe re. Lớn hơn chút nữa. Khi con 2 tuổi Chắc chắn bé sẽ có được nề nếp tốt khi đến trường. Không trở thành gánh nặng cho cô giáo và bố mẹ. 
 
Mẹo khi con tôi lười ăn nhưng giúp bé ít bị ốm vặt là bù sữa, sữa chua, nước cam tươi, trái cây, giao mùa thì tránh cho bé ra ngoài. Trời nóng thì cho bé ra nơi thoáng khí nhiều cây xanh, chạy nhảy la hét,… điều này vừa giúp phát triển thể chất là giúp bé làm quen với môi trường. Đừng khư khư ôm con và cho rằng bạn đang bảo vệ con nhé.. và sau đó bạn nhận ra, bé dù không to béo nhưng ít ốm vặt là điều mẹ hài lòng nhất. 
 
Xem tiếp: