NGUYỄN DU VIẾT VỀ “CHUYỆN ẤY”

 Nhà thơ Mai Văn Hoan là nhà giáo chuyên Văn. Anh đã xuất bản nhiều tập thơ và tiểu luận, phê bình. Thơ anh thuộc “nòi tình”, và bình giảng văn chương cũng rất hạp với văn tình. Có lần tôi thấy anh rất tâm đắc với nhà thơ Tôn Phong về cái chữ “quỳ” trong câu: “Mụ già hoặc có điều gì / Liệu công mất một buổi quỳ mà thôi !”. Thì ra hai vị này hiểu chữ quỳ là “chơi quỳ” trong 36 kiểu. Thật là thông minh, hóm hỉnh và thâm thúy vô cùng. 

 
“Chuyện ấy“ là chuyện khó nói . Viết về “chuyện ấy“ trong thời phong kiến gần như tối kỵ . Nguyễn Du rất hiểu điều đó . Việc nhà thơ chọn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện – một tác phẩm đề cập nhiều về “chuyện ấy“ để sáng tạo nên Truyện Kiều có thể xem là một việc làm hết sức táo bạo . Mỗi khi buộc lòng đề cập đến “ chuyện ấy “ Nguyễn Du lại tìm cách nói tránh hết sức tài tình . Điều này không chỉ thể hiện tài năng mà còn thể hiện một nét văn hóa trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Du .
 
Ai cũng biết Kiều là một cô gái tài sắc vẹn toàn . Nàng xuất thân trong một gia đình nề nếp nên đã đến tuổi cập kê mà vẫn “ tường đông ong bướm đi về mặc ai “ . Nhưng số phận đưa đẩy nàng vào dòng xoáy cuộc đời . Một cô gái như nàng mà đành phải van xin : “ Thân lươn bao quản lấm đầu / Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa “Những éo le cuộc đời buộc nàng nhiều phen đối diện với “ chuyện ấy “ . Kiều là người có văn hóa và Nguyễn Du đã tìm cách để cho nàng nói về “ chuyện ấy “ một cách có văn hóa . Trong Truyện Kiều , nàng Kiều là người nói về “ chuyện ấy “ nhiều nhất . Mỗi khi nàng nói với Kim Trọng hay nghĩ về chàng liên quan đến “ chuyện ấy “ Nguyễn Du chọn cho nàng những cách nói , cách nghĩ khác nhau . Chẳng hạn lúc “ Sóng tình dường đã xiêu xiêu / Xem trong âu yếm có chiều lả lơi “, Kiều đã nhẹ nhàng thuyết phục chàng Kim : “ …Ra tuồng trên bộc , trong dâu / Thì con người ấy ai cầu làm chi .. / Mây mưa đánh đổ đá vàng / Quá chiều nên đã chán chường yến anh / Trong khi chắp cánh liền cành / Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên / Mái Tây để lạnh hương nguyền / Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng / Gieo thoi trước chẳng giữ giàng / Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai ? / Vội chi liễu ép , hoa nài / Còn thân ắt cũng đền bồi có khi …” . Sau nay , dấn thân vào đời mưa gió Kiều vô cùng ân hận : “ Biết thân đến bước lạc loài / Nhị đào thà bẻ cho người tình chung “ . Trong đêm động phòng “ tình nhân lại gặp tình nhân “ , Nguyễn Du lại để cho nàng Kiều nhắc đến “ chuyện ấy “ với một tâm trạng hết sức đau xót : “ Còn nhiều ân ái chan chan / Hay gì vây cánh hoa tàn mà chơi “ . Đó là những cách nói hết sức tế nhị . Không chỉ nói với Kim Trọng , Kiều còn phải nói với Tú Bà về “ chuỵên ấy “. Tú Bà là chủ lầu xanh , nói “ chuyện ấy “ với Tú Bà , nàng không thể dùng cách nói bóng gió , tế nhị như nói với chàng Kim . Kiều phải dùng cách nói trực tiếp . Cái khó ở đây là nói làm sao cho Tú Bà hiểu nhưng không quá thô tục . Ta hãy nghe nhà thơ để cho Kiều bày giải : “ …Đủ điều nạp thái vu quy / Đã khi chung chạ , lại khi đứng ngồi …” . Chung chạ là từ dân dã thường để nói sự lộn xộn , hỗ lốn . Ở đây, Kiều đã dùng chung chạ để nói đến “ chuyện ấy “ và mụ Tú Bà hiểu ngay . Ngay lập tức mụ lồng lên xỉa xói Mã Giám Sinh : “Tuồng vô nghĩa , ở bất nhân / Buồn mình trước đã tần mần thử chơi / Màu hồ đã mất đi rồi / thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma“ . Mụ quay sang mắng nhiếc nàng Kiều : “Lão kia có dở bài bây / Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe / Cớ sao chịu lép một bề / Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao…” . Đó là những lời thô tục nhất của một kẻ thô lỗ nhất trong Truyện Kiều tuôn ra .Nhưng ngay cả con người thô lỗ như Tú Bà , Nguyễn Du cũng không nỡ để mụ nói toạc móng heo về “ chuyện ấy “. Nhà thơ đã khéo tìm cho mụ cách nói tránh để bớt phần thô tục : “ tần mần thử chơi “ , “ dở bài bây “ , “ chịu lép một bề “ …
 
Để thấy rõ hơn nét văn hóa trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du khi viết về “ chuyện ấy “ ta thử so sánh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân . Thanh Tâm Tài Nhân để Mã Giám Sinh tính toán sau khi đã mua được Kiều : “ Chi bằng mình cứ vớ món canh thứ nhất , sung sướng một chút . Nếu như mụ Tú Bà có biết đi nữa thì ta lại dở món chiều chuộng , xu nịnh mọi ngày ra tự nhiên mụ ta không oán trách gì …Mình chưa ra khỏi kinh thành , nếu không ăn nằm với nó , nó nói với cha mẹ nó thì há phải sinh chuyện hay sao …”. Nguyễn Du chuyển đoạn đó thành thơ như sau : “Đào tiên rơi đến tay phàm / Thì vin cành quít cho cam sự đời / Dưới trần mấy mặt làng chơi / Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa …Vả đây đường sá xa xôi / Mà ta bất động nữa người sinh nghi / Mụ già hoặc có điều gì / Liệu công mất một buổi quỳ mà thôi ! “ . Dẫu đi mua người về làm gái lầu xanh nhưng Mã Giám Sinh cũng có chút chữ nghĩa nên Nguyễn Du không để cho y nói năng , suy nghĩ thô tục như mụ Tú Bà . Chắc cảm thấy chữ “ ăn nằm “ trong nguyên tác lộ liễu quá nhà thơ chữa thành “ bất động “ cho đỡ thô tục hơn , phù hợp với tính cách Mã Giám Sinh hơn ? Đặc biiệt là chữ “ quỳ “ trong câu “ Mụ già hoặc có điều gì / Liệu công mất một buổi quỳ mà thôi ! “, đúng như thi sĩ Tôn Phong phát hiện : “Chữ quỳ mà Mã Giám Sinh dùng cũng là chữ quỳ của Trạng Quỳnh dùng để nói lỡm bà chúa Liễu : Xin quỳ hai gối , chống hai tay ! “ ( Tạp chí Văn nghệ Nha Trang , số 21 – 1993 ) . Nguyễn Du không chỉ “ đi guốc “ trong bụng Mã Giám Sinh mà còn “ đi guốc “ trong bụng mụ Tú Bà . Mụ vốn là gái làng chơi về già hết duyên được một “ buổi quỳ “ kiểu ấy thì hả hê quá rồi , còn điều tiếng gì nữa ! Sau đó , Nguyễn Du còn buộc lòng thuật lại chuyện Mã Giám Sinh làm nhục Kiều . Đây là đoạn hết sức quan trọng để người đọc thấy sự đểu giả , trơ tráo , bỉ ổi của Mã Giám Sinh và nỗi đau đớn tột cùng của nàng Kiều . Tả lại chuyện này nếu không cao tay và thiếu văn hóa rất dễ rơi vào tự nhiên chủ nghĩa . Nhà thơ viết : “Tiếc thay một đóa trà mi / Con ong đã tỏ đường đi lối về / Một cơn mưa gió nặng nề / Thương gì đến ngọc , tiếc gì đến hương ! “ . Chỉ thế thôi mà người đọc có thể hình dung , tưởng tượng Mã Giám Sinh dày xéo thân thể Kiều tàn nhẫn biết chừng nào . Ta cũng thấu hiểu niềm thương cảm của Nguyễn Du đối với nàng Kiều sâu sắc đến chừng nào .
 
Khác với Mã Giám Sinh , Kim Trọng vốn là một nho sinh hào hoa , phong nhã mỗi khi nói đến “ chuyện ấy” Nguyễn Du tìm cho chàng những cách nói phù hợp – cách nói của một người có văn hóa . Chẳng hạn chàng nói với nàng Kiều trong đêm động phòng sau mười lăm năm xa cách : “Chừng xuân tơ liễu còn xanh / Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân …Bấy lâu đáy biển mò kim / Là nhiều vàng đá , phải tìm trăng hoa …”.
 
Rõ ràng , chỉ có “ chuyện ấy “ mà Nguyễn Du sáng tạo ra rất nhiều cách nói khác nhau vừa thể hiện được tính cách nhân vật vừa không dung tục , không rơi vào tự nhiên chủ nghĩa . Đó là một nét văn hóa của cây bút bậc thầy . Viết về “ chuyện ấy” bây giờ không còn là chuyện kiêng kỵ .Cái chủ yếu là viết như thế nào để đừng thô tục quá , trơ trẽn quá . Điều này thiết nghĩ các cây bút đương đại cần phải học tập đại thi hào Nguyễn Du .