Thiếu sức tưởng tượng, tri thức không có tiềm năng phát triển

Dân ta thông minh, hiếu học, chuộng tri thức, nhưng còn NGHÈO trí tưởng tượng. Hãy bình tĩnh nhìn qua các kiểu nhà biệt thự mới mọc ở thành phố thời mở cửa và dạo qua các cửa hiệu, các chợ đầy ắp hàng nước ngoài. Từ quần áo đến đồ chơi trẻ em, từ đồ dùng văn phòng cho đến xe đạp, quạt máy. Nhiều hàng nội của ta không cạnh tranh được vì thua kém cả phẩm chất, hình dáng lẫn mẫu mã.

Thật ra đã từ lâu chúng ta quen sao chép, ít chịu khó nghĩ ra ý tưởng mới. Nhìn lại cái giường, cái bàn cho đến cây bút, cái cặp… có thể nói 50 năm không hề thay đổi! Có lẽ do truyền thống học tập từ chương, khoa cử, ông bà ta bị gò bó quá nhiều, cho nên ta ít có những nhà tư tưởng lớn, ít có những công trình đồ sộ với sức tưởng tượng phóng khoáng, diệu kỳ. Ngay cả những tác phẩm văn học hay nhất cũng chủ yếu làm ta say đắm bởi văn chương mượt mà, gợi những tình cảm sâu sắc tha thiết, nhưng ít có hoặc không có những pho truyện lớn với tình tiết phức tạp, ý tưởng kỳ lạ tầm cỡ như Tam quốc, Thủy Hử, Hồng lâu mộng hay tiểu thuyết của V.Huy-gô, L. Tôn-xtôi, Ph. Đốt-xtôi-ép-xki.
 
Hơn bất cứ lúc nào, câu nói của Anh-xtanh cần được khẳng định: "Tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển". Biết và hiểu là cần để làm theo, đi theo, chứ hoàn toàn chưa
đủ để sáng tạo, khám phá. Phải có trí tưởng tượng mới chắp cánh cho tri thức làm ra cái mới, mới tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh.
 
Ước mong một ngày trí tuệ Việt Nam chứng tỏ cho thế giới thấy sức tưởng tượng sáng tạo của mình trong xây dựng cũng không kém gì trong chiến đấu.
 
HOÀNG TỤY
 
Đam mê
Mỗi người trước sau phải rước một đam mê. Đam mê phát nguyên từ bản chất con người vốn chất chứa nửa lý nửa tình, thường khởi đầu bằng lý và được nuôi dưỡng bằng tình. Thường là như vậy, vì lý trí vượt lên đầu để cân nhắc,
chọn lựa. Trường hợp ngược lại, nếu đam mê được chọn trước tiên bằng tình, đam mê ấy có nguy cơ sa lầy.
 
Người không ham thích một cái gì cả là một người bệnh, một người không bình thường, hay là một người chuẩn bị đi tu, vì đã diệt dục. Nhưng ai dám bảo người tu hành là người không đam mê? Vẫn là một người sống xuất thần
trong một cảnh giới khác với vạn vật không còn nguyên hình tướng. Và đam mê một ý niệm thường mãnh liệt hơn đam mê một cái gì cụ thể.
 
Trong tình yêu, con người thường đòi hỏi hình ảnh bằng chứng và giá trị cụ thể, nhưng chính những cái cụ thể này, suy cho cùng, làm suy giảm tình yêu. Tình yêu lý tưởng vẫn là tình yêu suốt đời vươn tới và suốt đời không đạt.
 
Các bậc cha mẹ thường hay đón đường đam mê của con cái bằng cách mớm cho chúng nó một đam mê đầu đời: tập
cho con thích vẽ, thích đàn và nhất là thích đọc. Đam mê học hỏi là đam mê không bao giờ phản bội con người.
 
Ngày nay, bởi có lắm cám dỗ chầu chực ngay ngưỡng cửa gia đình và trường học, muốn cho con mình khỏi rơi vào một đam muội tối đen, cha mẹ nào cũng dốc sức làm lụng kiếm tiền cho con cái đầu tư vào một cuộc chơi có ích (chơi tem…) hay một môn thể dục thể thao (võ thuật…), mong sao cột buộc sinh lực và năng khiếu vào cỗ xe đam mê cho đứa trẻ trên con đường đời.
 
Đó cũng là đầu tư vào một đam mê để tránh rơi vào những đam mê khác.
 
Bản thân tôi đến nay hãy còn vào ra lớp học với một nỗi cần cù say mê trẻ mãi, ngay cả trong những giờ giấc không thuận lợi hay những ngày mưa dầm, nắng rát. Ngồi nhẩm lại, tôi làm công việc như thế này đã trên bốn mươi năm. Làm sao vẫn cần cù, làm sao vẫn say mê? Tôi xuất thần tự hỏi: Cái tôi năm xưa và cái tôi năm nay vẫn là một chăng? 
Hóa ra bộ máy người cũng bền như (hoặc hơn) một cái máy cơ khí. Dầu mỡ thường xuyên nhỏ vào chiếc máy người là một niềm khao khát biết thêm, biết hơn hoàn toàn phi vật chất và những tế bào não bộ sẵn lòng bổ sung cho nhau trong một trường luân vũ thường xuân.
 
Giá như, do một trớ trêu nào đó của hoàn cảnh, tôi đam mê cờ bạc bốn mươi năm thì giờ đây tôi ra sao? Rất có thể tôi đang mặc một chiếc áo ren vàng rua bạc và rủng rẻng dây kim khí và bây giờ tôi đang co ro vì gió lùa qua lỗ rách.
 
May quá, tôi chỉ đam mê với nghề dạy học. Tài sản mà tôi để lại gồm toàn giấy trắng mực đen và xác chữ. 
 
Đam mê là một ngọn lửa mà các thế hệ nối tiếp truyền trao cho nhau. Khổ nỗi, phần phật bốc cao cùng một lúc là ngọn lửa sinh tồn và ngọn lửa hủy diệt, cả hai quấn quýt nhau bao nhiêu là để sớm loại trừ nhau bấy nhiêu. Sống chết đều bằng một ngọn lửa do ta tự đốt lên thôi.
BỬU Ý