Đạo đức cách mạng

    Quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, luôn luôn giữ vững tinh thần chí công vô tư – đó là đạo đức cách mạng.

 
Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng.
 
Đại đa số chiến sĩ cách mạng đều là người có đạo đức: Cả đời hết lòng phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngày thường thì làm gương mẫu: gian khổ, chất phác, kính trọng của công,… Đạo đức ấy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới, và xây dựng mỹ tục thuần phong.
 
Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng. Trái lại, chúng ta phấn đấu hi sinh, vì chúng ta muốn xây dựng một xã hội ai cũng ấm no, sung sướng. Nhưng chúng ta biết rằng: Muốn cải thiện đời sống, thì trước phải ra sức thi đua phát triển sản xuất; và trước phải nâng cao mức sống của nhân dân, rồi mới nâng cao mức sống của cá nhân mình. Tức là: "Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ".
 
Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng: ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là nòng cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ  bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân.
 
Để ngăn ngừa cái xấu ấy, Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng phê bình và tự phê bình.
HỒ CHÍ MINH
                         (Tuyển tập văn chính luận, NXB Giáo dục,1997)