TẤM CÁM
(Truyện cổ tích)
I – GỢI DẪN
1. Thể loại
Truyện cổ tích là một thể loại truyện dân gian có nguồn gốc từ thời nguyên thuỷ nhưng chủ yếu phát triển trong xã hội có giai cấp với chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải những vấn đề xã hội, những số phận khác nhau của con người. Theo Nguyễn Đổng Chi, truyện cổ tích có bốn đặc điểm :
– Yếu tố tưởng tượng trong loại hình truyện cổ tích Việt Nam nói chung ít xa lạ với nhân tính : loại truyện sinh hoạt chiếm một tỉ lệ tương đối cao ; loại truyện thần kì, truyện loài vật, truyện phiêu lưu mạo hiểm chiếm một tỉ lệ tương đối thấp.
– Truyện cổ tích Việt Nam thấm đậm chất liệu đời sống xã hội Việt cổ ; là biểu trưng nghệ thuật của cái hiền hoà, nhân ái, hay tính chừng mực trong tâm lí dân tộc.
– Tính cách phê phán hiện thực khá đậm trong truyện cổ tích Việt Nam ; nhân vật tích cực thường tỏ ra không bằng lòng với trật tự, tập tục có sẵn, phản ứng lại cái ti tiện tầm thường.
– Truyện cổ tích Việt Nam có một mảng đáng kể nêu bật vai trò tích cực của người phụ nữ, đề cập đến ước mơ tình yêu và hôn nhân tự do (1).
Truyện cổ tích gồm ba loại lớn :
– Truyện cổ tích thần kì ;
– Truyện cổ tích sinh hoạt ;
– Truyện cổ tích loài vật.
2. Tác phẩm
Tấm Cám thuộc loại truyện cổ tích thần kì, thể hiện những đặc trưng tiêu biểu của truyện cổ tích. Đó là câu chuyện về cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, là minh hoạ cho tư tưởng “ở hiền gặp lành” của nhân dân, là câu chuyện về những người thấp cổ bé họng trong xã hội nhưng lại có những phẩm chất tốt đẹp. Câu chuyện có hai tuyến nhân vật, đây là nét tiêu biểu cho thi pháp truyện cổ tích : Tấm – đại diện cho phía thiện, luôn bị chèn ép và hãm hại ; mẹ con Cám – đại diện của cái ác, luôn tìm mọi cách hãm hại người tốt. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa thiện và ác được thể hiện rõ ở mối quan hệ Tấm – Cám.
Trong truyện cổ tích, yếu tố kì ảo có vai trò giúp Thiện thắng Ác, tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm ; đồng thời thể hiện sức sáng tạo và ước mơ của nhân dân lao động về một cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn. Tấm Cám là câu chuyện có nhiều ý nghĩa : ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa văn hoá… Kết thúc truyện tuy rất bi thảm song nó thể hiện niềm căm phẫn tột độ của tác giả dân gian đối với cái ác.
3. Tóm tắt
Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm ở với dì ghẻ, bị mẹ con Cám bắt làm lụng suốt ngày. Một lần, để giành lấy yếm đỏ, Cám lừa đổ hết tép trong giỏ của Tấm, chỉ còn sót lại con bống. Tấm khóc, Bụt hiện lên dặn Tấm về nuôi cá bống. Mẹ con Cám lại lừa Tấm đi chăn trâu xa, ở nhà giết bống. Mất bống, Tấm khóc. Bụt hiện lên và dặn cô nhặt xương bống chôn vào bốn chân giường. Vua mở hội. Bụt bày cách cho Tấm nhặt thóc gạo nhanh và có quần áo, khăn, giày đẹp để đi hội. Vua nhặt được chiếc giày Tấm đánh rơi bèn truyền lệnh ướm giày kén vợ và Tấm trở thành hoàng hậu.
Ngày về nhà giỗ cha, Tấm bị mẹ con dì ghẻ bày mưu giết chết để Cám được thế chân. Tấm biến thành chim vàng anh bay vào cung. Nhiều lần bị Cám hãm hại, Tấm phải hoá thân thành cây xoan đào, khung cửi rồi cây thị… Về ở với bà cụ bán nước, Tấm đảm đang, khéo léo. Vua ghé vào quán nước thấy miếng trầu giống trầu Tấm têm ngày xưa bèn hỏi thăm, nhận ra vợ mình và đón nàng về cung. Cám càng sinh lòng ghen ghét, ao ước được xinh đẹp như chị. Tấm bày cách xui Cám ngồi dưưới hố thật sâu rồi sai người dội nước sôi xuống. Cám chết. Nghe tin dữ, mụ dì ghẻ uất lên, ngã vật xuống đất chết theo.
4. Cách đọc và kể
– Thể hiện lời dẫn chuyện khác với lời nhân vật.
– Dựa trên đặc điểm của các nhân vật, thể hiện giọng đọc, giọng kể : Tấm hiền thục, Cám chanh chua, Bụt nhân từ, mẹ Cám độc ác.
II – KIẾN THỨC CƠ BẢN
Một vấn đề nổi bật trong truyện cổ tích Tấm Cám là xung đột truyện. Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con dì ghẻ phản ánh mối xung đột giữa cái thiện với cái ác trong xã hội. Xung đột này thường được truyện cổ tích giải quyết theo hướng cái thiện chiến thắng cái ác, dù phải trải qua gian nan, nguy khó, cuối cùng kẻ “ở hiền” tất sẽ “gặp lành”, được hưởng hạnh phúc và cái ác sẽ bị trừng trị một cách đích đáng.
Xét trên phương diện diễn biến, từ mở đầu đến kết thúc truyện, thái độ của Tấm đối với hành vi tàn ác của mẹ con Cám chuyển biến theo hướng sự phản kháng mỗi lúc một tăng tiến ; đồng thời cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc của Tấm trước mẹ con dì ghẻ ngày càng gian nan, quyết liệt hơn. Từ một cô Tấm hiền lành, chăm chỉ, lương thiện luôn luôn bị ức hiếp, bị bắt nạt, chỉ biết khóc trong oan ức, tủi cực,… đến một hoàng hậu bị cái ác hãm hại, giết chết, hết hoá thành vàng anh đến thành cây xoan đào, trở thành khung cửi và bị đốt thành tro, đến khi hoá thân vào quả thị rồi trở lại là cô Tấm,… Quá trình chết đi sống lại ấy cho thấy tính chất gian khó của cuộc đấu tranh “một mất một còn” của cái thiện với cái ác, đồng thời cũng cho thấy sức sống mãnh liệt đến mức không thể bị tiêu diệt của cái thiện.
Sự trở về với cuộc đời của Tấm ở cuối truyện nói lên quan niệm của nhân dân ngày xưa về hạnh phúc với triết lí “ở hiền gặp lành”. Trong ước mơ về công lí, công bằng xã hội ấy, cái thiện, người lương thiện được phần thắng, được hưởng hạnh phúc, đó là một kết cục tốt đẹp mang đặc trưng của truyện cổ tích ; còn cái ác phải trả giá, đúng như triết lí “ác giả ác báo”, “gieo gió gặp bão” mà nhân dân đã đúc kết.
Qua số phận của nhân vật Tấm, tác giả dân gian đã gửi gắm nhiều ước mơ, khát vọng. Đó là ước mơ về sự công bằng xã hội, cái thiện chiến thắng, cái ác phải trả giá ; ước mơ về hạnh phúc gia đình (Tấm – vua, sự trở về của Tấm bên vua…) ; ước mơ chính đáng và sự bù đắp cho những oan khổ bằng sự đổi đời (Tấm trở thành hoàng hậu) ; ước mơ tình nghĩa (Tấm và bà cụ hàng nước ; chim vàng anh, xoan đào và vua),…
Sự xuất hiện miếng trầu têm cánh phượng trong truyện mang nhiều ý nghĩa. Miếng trầu gắn với phong tục hôn nhân, với sự kết giao, hẹn ước, với tình nghĩa thuỷ chung,… mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Có thể thấy hình ảnh miếng trầu và tục ăn trầu trong truyện Sự tích trầu cau hoặc trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ví dụ :
– Miếng trầu ăn ngọt như đường,
Đã ăn lấy của, phải thương lấy người.
– Miếng trầu là đầu câu chuyện.
– Miếng trầu nên dâu nhà người.
Trong quá trình chuyển biến của thái độ, sự phản kháng của Tấm đối với hành vi tàn ác của mẹ con Cám, cũng là quá trình đấu tranh của cái thiện với cái ác, yếu tố kì ảo có một vai trò quan trọng, thể hiện khát vọng, ước mơ, quan niệm của nhân dân. Nếu như ở phần đầu của truyện, mỗi lần Tấm gặp khó khăn Bụt đều hiện lên để ban tặng cho những vật thần kì, thì đến phần sau câu chuyện, ta không còn thấy Tấm khóc, cũng không thấy Bụt hiện ra nữa, mặc dù càng về sau thì sự nguy khó, gian nan mà Tấm gặp phải càng cao. Tính chất của yếu tố kì ảo ở phần sau không giống như ở phần đầu truyện, dù nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận, quá trình hoá thân của Tấm nhưng rõ ràng là tác giả dân gian đã gửi gắm vào nhân vật Tấm ý thức chủ động trong việc giành và giữ hạnh phúc cho mình. Chim vàng anh, xoan đào, quả thị, rồi Tấm trở về và trừng trị mẹ con Cám, ở giai đoạn này cái thiện đã trực diện đấu tranh, quyết giành lấy sự sống trước cái ác.
Truyện Tấm Cám thể hiện rõ đặc điểm của thể loại truyện cổ tích thần kì. Đó là sự xuất hiện của yếu tố kì ảo và vai trò của nó đối với diễn biến, kết thúc câu chuyện. Có thể liệt kê ra các yếu tố kì ảo trong truyện Tấm Cám : Bụt, con gà biết nói tiếng người, đàn chim sẻ, sự hoá thân của Tấm thành chim vàng anh, xoan đào, quả thị rồi trở lại làm người, con quạ biết nói.
(1) Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập II, Sđd.
Xem tiếp Các bản kể truyện Tấm Cám ->